Bali hòn đảo của những ngôi đền

Cập nhật: 29-01-2010 | 00:00:00

Nếu người ta gọi Indonesia là xứ sở vạn đảo thì Bali lại được gọi là xứ sở vạn ngôi đền, với hơn 20.000 ngôi đền hiện diện khắp nơi. Vẻ đẹp và câu chuyện ngàn năm từ những ngôi đền, cũng chính là niềm tự hào của người Bali trên miền vạn đảo.

 

Một ngôi đền gia đình vừa hoàn tất ở bãi biển Kuta.

Nằm trong nhóm thiên đường du lịch trong mơ, thiên đường của những kỳ nghỉ, Bali từ những năm 1920 khi còn chịu ách thống trị của người Hà Lan đã là điểm du lịch lý tưởng để du khách khắp nơi tìm đến. Cho đến hôm nay, du khách toàn thế giới biết đến một Bali đầy nắng gió, với những bãi tắm nổi tiếng như Kuta, Sanur và Nusa Dua, những khách sạn sang trọng ven biển, những khu mua sắm sầm uất, dãy phố với quán bar nhộn nhịp ngày đêm… Nhưng có một Bali hoàn toàn tương phản, với nét dịu dàng, đằm thắm, ôm trong mình vẻ thâm trầm, cổ kính từ những khối kiến trúc đền đài – nơi gìn giữ một nền văn hoá đậm đà bản sắc mang phong cách rất riêng của Bali.

 

Đảo thần

 

Từ sân bay Tân Sơn Nhất, với hai lần quá cảnh, một ở Singapore một ở Jakarta, vậy là tôi đã đến Bali. Người dẫn đường Pastika, một cư dân chính gốc Bali trong trang phục với chiếc xà rông truyền thống, tự hào giới thiệu cho tôi biết hòn đảo nơi anh đang sống: “Người Bali chúng tôi gọi hòn đảo này là đảo thần. Nơi đây có ngọn núi lửa Agung cao hơn 3.000 mét, được những người theo đạo Hindu tại Bali mệnh danh là trung tâm của thế giới bởi là nơi ngự trị các thần linh đang cai quản hòn đảo. Vì vậy, đa số những người Bali trong khi ngủ, họ hướng đầu quay về núi lửa Agung. Và trong tổng số hơn 3.000 hòn đảo có dân cư của đất nước Indonesia, chỉ Bali mới có đạo Hindu phát triển mạnh nhất và chiếm vị trí độc tôn trên đảo”.

 

Với người dân Bali, núi Agung được xem là linh thiêng nhất, theo truyền thuyết, vị thần Pashupati phân chia đỉnh núi thiêng Meru (một thần tích trong đạo Hindu) thành hai ngọn núi Agung và Batur. Agung hiện là một trong những ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động tại xứ vạn đảo.

 

Chính sự phát triển mạnh mẽ của Hindu giáo trên “đảo thần” đã biến vùng đất này thành nơi tập trung của những ngôi đền với lối kiến trúc rất đặc trưng, tạo thành một điểm nhấn đẹp hiện diện ở khắp nơi trên đảo. Xen giữa những khu vực buôn bán sầm uất nhất ở Denpasar, luôn là hình ảnh những ngôi đền của gia đình, đền làng, nằm im lìm bao năm tháng. Dọc bãi biển Kuta, giữa những khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp, cũng là hình ảnh những ngôi đền với khối kiến trúc được tác thành từ đá sa thạch, ximăng, gỗ, lá cọ… với những nét chạm trổ, điêu khắc, đắp phù điêu trang trí những môtíp, thần tích quen thuộc của sử thi Ramayana, Mahabharata trong Hindu giáo.

 

Kiệt tác nghệ thuật

 

Từ trên máy bay trước khi hạ cánh xuống phi trường Denpasar, qua ô cửa sổ tôi đã nhận ra hình dáng những ngôi đền rải khắp phía dưới, những cụm tháp màu xám vươn thẳng lên trời cao, được phân bố đều theo những quy tắc quen thuộc của kiến trúc xây đền ở Bali.

 

Theo khảo sát, các ngôi đền ở Bali thường xây theo một lối kiến trúc quen thuộc, gồm ba tầng tượng trưng cho ba thế giới: thế giới trần gian, thế giới tâm linh, và thế giới các thánh. Ở chính diện đền, khu trung tâm thường là ba toà tháp cao thờ ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo là thần sáng tạo (Brahma), thần bảo vệ (Vishnu) và thần huỷ diệt (Shiva). Đền thờ thần Shiva thường ở giữa, hai vị thần còn lại ở hai bên, biểu hiện sự thống nhất của ba quá trình tái tạo gồm sáng tạo, huỷ diệt và bảo vệ.

 

Các ngôi đền Bali thường chia làm hai nhóm chính: đền công và đền của gia đình, dòng họ. Đền công được mọi người trong cộng đồng đóng góp xây dựng và là nơi tôn thờ thần thánh, luôn mang dáng vẻ đồ sộ, nguy nga, thường đi liền với những yếu tố lịch sử như gắn liền với thời trị vì của một vị vua, hay những câu chuyện linh thiêng đã làm nên lý do để người dân đóng góp xây đền. Do được xây dựng với mục đích thờ cúng, nên các nghệ nhân khi xây đền gần như dồn hết tâm huyết, tài nghệ, trí óc sáng tạo của mình vào các chi tiết trang trí, tạo thành những tuyệt tác trong nghệ thuật vẽ, điêu khắc, và kiến trúc xây dựng.

 

Đền gia đình, dòng họ mang mục đích thờ cúng tổ tiên, được lưu giữ, phát triển dần từ đời nọ đến đời kia. Và khi nhìn vào kiến trúc của đền có thể đoán biết được sự giàu có, hưng vượng của dòng họ ấy thông qua số lượng những tòa tháp, đền thờ, diện tích và nét chạm trổ các chi tiết làm nên ngôi đền.

 

Câu chuyện những ngôi đền càng lúc càng trở nên hấp dẫn, và hành trình đến Bali lần này, tôi quyết định tạm gác lại những điểm mua sắm, khu vui chơi, những bãi biển đẹp đầy hấp dẫn ở Denpasar, thủ phủ của Bali, để dành riêng một ngày làm chuyến hành trình tìm đến ngôi làng Sebatu, cách Denpasar 40km, nơi có ngôi đền cổ Gunung Kawi với tuổi đời hơn 10 thế kỷ, và là một trong chín ngôi đền chính của tổng số hơn 20.000 ngôi đền trên khắp đảo Bali.

 

Đền trên núi thiêng

 

Theo tiếng Bali, Gunung nghĩa là núi, và Kawi nghĩa là chính. Đền được người dân đóng góp xây dựng từ thế kỷ thứ 10. Ở Bali, nhắc đến làng Sebatu, đó là nơi nổi tiếng với nghề điêu khắc gỗ và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

 

Băng qua những nấc thang vàng quen thuộc từ các thửa ruộng bậc thang đang vào mùa gặt ở Sebatu, con đường nhỏ vắng vẻ đã đưa tôi đến ngay trước ngôi đền Gunung Kawi, mở ra một không gian trầm mặc, cổ kính. Ngay cổng vào, người giữ đền phát cho tôi chiếc xà rông truyền thống, và gọi việc mặc xà rông là sự bày tỏ lòng thành kính của khách lạ khi đến thăm viếng nơi tôn nghiêm đền Gunung Kawi.

 

Đền cũng được chia làm ba tầng quen thuộc trong kiến trúc xây dựng đền thờ ở Bali. Bước qua cổng chính, bên tay phải đền là hồ nước trong xanh, giữa hồ tượng nữ thần Saraswati bốn tay tượng trưng của sự thông thái, trí tuệ, học tập, nghệ thuật… đứng im lìm với thời gian.

 

Người ta gọi đây là ngôi đền gột rửa, nơi có dòng suối ngầm chảy từ trong núi đá, trong vắt, đọng lại thành hồ nước lớn để mọi người trong vùng đến gột rửa tội lỗi và những phiền muộn lo âu cuộc sống. Trong tầng hai của đền, những vòi nước được thiết kế phun ra từ các phù điêu phủ đầy rêu phong thời gian, được rào cẩn trọng vì nguồn nước này vừa chảy ra từ hang núi, tinh khiết nhất nên chỉ được dùng cho những nghi thức tôn giáo quan trọng, không dành cho người làng tắm rửa từ các vòi nước này.

 

Với người bản địa, hành hương về Gunung Kawi còn là câu chuyện đi tìm về đền thiêng, còn với kẻ lữ hành, đi đền còn là tìm trong đó khoảng lặng hiếm hoi khi thoả chí ngắm nhìn những vẻ đẹp ngàn năm từ khối kiến trúc đồ sộ. Lắng nghe những câu chuyện thần bí của đền qua lời kể từ rong rêu, xưa cũ… đủ đem lại cho những ai muốn tìm một nét khác biệt, muốn tìm một kỷ niệm khó quên trong hành trình đến hòn đảo của vạn ngôi đền trên đất nước Indonesia.

 

Theo SGTT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên