Bàn giải pháp nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở

Cập nhật: 15-04-2014 | 00:00:00

 Nhiều khó khăn của công đoàn cơ sở (CĐCS) ở 10 doanh nghiệp (DN) ngành gỗ được lựa chọn thí điểm đã được trao đổi, chia sẻ những phương pháp hoạt động công đoàn (CĐ) hiệu quả nhằm tìm giải pháp phù hợp cho hoạt động CĐCS tại hội thảo đánh giá kết quả khảo sát và xây dựng kế hoạch các chương trình thí điểm giai đoạn II về CĐ và quan hệ lao động Việt Nam tại Bình Dương vừa được tổ chức mới đây. 

  10 doanh nghiệp ngành gỗ được chọn thí điểm tham gia hội thảo

  Gỡ khó cho người lao động

Qua khảo sát cho thấy, người lao động (NLĐ) có nhiều khó khăn, đó là thu nhập thấp, chỗ ở, giá điện, nước sinh hoạt quá cao, dịch vụ y tế không thuận tiện, an ninh chưa bảo đảm, không có nhiều thời gian để chăm sóc con nhỏ… Từ đây, NLĐ mong đợi tổ chức CĐ quan tâm nhiều hơn đến đời sống của họ. Cụ thể là tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm chăm lo vật chất, tinh thần cho NLĐ, thương lượng với chủ DN các phúc lợi tốt nhất cho NLĐ như hỗ trợ tiền đi lại, ăn giữa ca, cải thiện môi trường làm việc; CĐ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan du lịch; tổ chức thêm các hoạt động về giới cho chị em như đẩy mạnh tuyên truyền về phương pháp nuôi con khỏe, dạy con ngoan, chăm sóc sức khỏe sinh sản, quan tâm đến gia đình có con nhỏ đang ở trọ…

Cần có quy chế phối hợp

Thực tế hiện nay, DN nào, chủ DN quan tâm tới hoạt động CĐ thì nơi đó CĐCS vững mạnh, ngược lại thì CĐCS hoạt động gặp khó khăn. Anh Nguyễn Trọng Vinh, đoàn viên Công ty Scancom, cho biết cán bộ CĐ đang hưởng lương của DN. Nếu cán bộ CĐ bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ mà đi ngược lại lợi ích của DN thì khó có thể duy trì mức hài hòa. Vì vậy, có thể nói hoạt động CĐ mạnh hay yếu tùy thuộc rất nhiều vào chủ DN.

Anh Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch CĐ Công ty Scancom Khu công nghiệp Sóng Thần 1, đề xuất hiện nay ở nhiều DN giữa Ban Giám đốc và CĐ chưa có quy chế phối hợp, gây không ít khó khăn bởi không có sự ràng buộc. Vì vậy, để chủ DN đồng tình với hoạt động CĐ cần có quy chế phối hợp. Anh Nguyễn Văn Cả, Phó Chủ tịch CĐ Công ty Cổ phần Latitudi Tree, Khu công nghiệp Sóng Thần 2, cũng chia sẻ để được Ban Giám đốc ủng hộ hoạt động CĐ thì Ban Chấp hành CĐ phải lên kế hoạch hàng tháng, quý, năm… để có sự chủ động.

Một vấn đề được hội thảo quan tâm là cán bộ CĐ nên là ai. Nhiều DN hiện đang áp dụng theo kiểu tổ trưởng tổ sản xuất, đồng thời là tổ trưởng tổ CĐ. Anh Nguyễn Văn Cả cho biết cái khó của mô hình này là tổ trưởng CĐ thiếu kỹ năng lắng nghe, còn mang tính áp đặt. Ngoài ra, tổ trưởng CĐ đồng thời là tổ trưởng sản xuất thì những người lao động trực tiếp không dám chia sẻ những suy nghĩ của mình vì giữa công nhân và tổ trưởng có khoảng cách nhất định. Còn tổ trưởng là NLĐ trực tiếp sản xuất thì cũng gặp khó khăn đó là không biết cách nói chuyện trước đám đông, không mạnh dạn…Vì vậy, vấn đề đặt ra là CĐ cấp trên cần thường xuyên tập huấn để nâng cao trình độ cho cán bộ CĐCS nhằm đáp ứng yêu cầu.

 Ông Đào Trần Đông, Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, cho biết Liên đoàn Lao động tỉnh vừa thông qua kế hoạch thực hiện chương trình thí điểm giai đoạn 2 về CĐ và quan hệ lao động Việt Nam tại tỉnh Bình Dương và lựa chọn 10 DN thuộc lĩnh vực gỗ để triển khai thí điểm. Kết quả thực hiện chương trình thí điểm sẽ đề ra những cơ chế, chính sách mới được pháp luật công nhận, làm thay đổi mô hình tổ chức hoạt động CĐCS, nâng cao năng lực đại diện cho tập thể NLĐ của CĐCS, tăng cường vai trò hỗ trợ của CĐ cấp trên với CĐCS… Thí điểm thành công sẽ được nhân rộng và phổ biến kinh nghiệm thực hiện tại các DN khác trên địa bàn.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên