Hiện nay, không ít các bạn trẻ chọn nghề “gõ đầu trẻ” để thỏa lòng đam mê nhưng cũng có không ít bạn chọn nghề này để khởi nghiệp… Tất cả cũng chỉ hướng đến sự nghiệp “trồng người”.
Đến với giảng đường sư phạm
Ngoài những bạn trẻ có sở thích, ước mơ về nghề giáo thì trong số sinh viên sư phạm - họ theo học vì những điều kiện khách quan khác nhau để từ đó gắn bó với nghề giáo. Bạn Yến Nhi, sinh viên năm nhất khoa tiểu học (hệ trung cấp), trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết: Sau khi tốt nghiệp THPT em chọn ngành tiểu học vừa phù hợp với khả năng của mình, vừa đỡ tốn kém học phí. Nghề “gõ đầu trẻ” là một công việc cần nhiều tâm huyết, có sự trang bị kiến thức thật chắc thì mới có thể tự tin đến với nghề giáo.
Cô Nguyễn Thị Thu Ngân, giáo viên trường Mầm non Hoa Mai 5 (phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) cho biết: “Vừa tốt nghiệp phổ thông thì tôi chưa định hướng được nghề nghiệp nên xin đi làm công nhân được một năm. Bản thân có chút năng khiếu ca hát và yêu thích trẻ con nên sau đó tôi đã thi vào khoa mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương (nay là Đại học Thủ Dầu Một)... Hàng ngày đến lớp, tôi nhận được rất nhiều niềm vui từ sự hồn nhiên của các cháu”. Còn cô Ngọc Yến, giáo viên trường
Mầm non Hoa Huệ ở xã Thạnh Phước (Tân Uyên) đến với nghề bằng tấm lòng yêu thương trẻ em và chị đăng ký học sư phạm mầm non ở tuổi 27.
Thực tế với nghề!
Cô Nguyễn Thị Thu Ngân chia sẻ: “Trông nôm, chăm sóc và giảng dạy các em mẫu giáo là một việc rất vất vả nên thực trạng sớm “chia tay” với nghề hoặc xu hướng chạy ra trường dân lập có mức lương cao hơn xảy ra ở nhiều bạn trẻ mới vào nghề”.
Nhiều bạn còn “nhảy ngành” ngay giảng đường học nghề, ở năm nhất thì học sư phạm thì năm hai đã chuyển qua ngành thương mại, kế toán, quản trị khi được nghe nghề “gõ đầu trẻ” rất cực mà lương thì không đủ trang trải cuộc sống. Mặt khác, nghề giáo viên còn phải có năng khiếu, nhiệt tình và sự mẫu mực, nhất là tư cách, phẩm hạnh của công việc trồng người.
Tình trạng học sư phạm nhưng không làm giáo viên hoặc giảng dạy được vài năm thì chia tay với nghề rất thường gặp trong thời buổi hiện nay. Xã hội ngày càng phát triển nên đòi hỏi người giáo viên phải luôn trau dồi, cập nhật thêm kiến thức chuyên môn và các lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhất là lòng đam mê nghề nghiệp luôn cần được các bạn trẻ cố gắng rèn luyện để tiếp lửa cho sự nghiệp “trồng người” đầy cao cả.
K.TUYẾN