Báo chí Cách mạng Việt Nam: 90 năm song hành cùng đất nước- Bài 1 

Cập nhật: 12-06-2015 | 07:33:35

 LTS: Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; là diễn đàn tin cậy của nhân dân; đồng thời cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch. 90 năm qua, kể từ khi số báo Thanh Niên đầu tiên (21-6-1925) ra đời, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn song hành cùng toàn Đảng, toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, hội nhập và phát triển. Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Bình Dương xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam cũng như quá trình hình thành và phát triển của các cơ quan báo chí cách mạng tại Bình Dương.

Kỳ 1: Thanh niên - Tờ báo cách mạng đầu tiên

 

 

Chiếc máy in được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng để in số báo Thanh Niên đầu tiên. Ảnh: TƯ LIỆU

 

Từ đầu những năm 20 của thế kỷ XX, tư tưởng lý luận cách mạng vô sản đã được truyền bá vào Việt Nam qua báo Le Paria của Hội Liên hiệp thuộc địa, L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp, Inprekorr của Quốc tế Cộng sản. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc, phái viên của Quốc tế Cộng sản và là Ủy viên Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản được cử đến Hoa Nam để trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Cùng với việc mở lớp, kết nạp đoàn viên mới, Người chủ trương xuất bản báo Thanh niên, ra số 1, ngày 21-6-1925, tờ báo Mác-xít bằng chữ quốc ngữ đầu tiên, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Từ khi có báo Thanh Niên, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nói khái quát là báo Thanh niên mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…

 

Măng sét báo Thanh niên in trên đầu trang l, chạy ngay từ trái sang phải vẽ ngôi sao 5 cánh, bên trong ngôi sao viết số báo, rồi đến tên báo Thanh niên. Báo in xong phần lớn được gửi về trong nước theo đường dây bí mật. Một số được gửi đến các tổ chức của hội ở Thái Lan, Trung Quốc, người Việt yêu nước ở Pháp và đến Quốc tế Cộng sản. Thông qua báo Thanh Niên, Bác Hồ đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga vào Việt Nam. Báo Thanh Niên vừa có tác dụng định hướng, vạch lối chỉ đường cho cách mạng, vừa làm nhiệm vụ: “Nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”. Báo Thanh niên được chia thành 2 thời kỳ, thời kỳ thứ nhất, từ số l đến số 88, do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo biên tập, in, phát hành ra hàng tuần, mỗi số in khoảng 100 bản. Thời kỳ thứ hai, sau khi Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Liên Xô, những đồng chí khác trong Tổng bộ đã kế tục việc xuất bản và hoạt động cho đến tháng 2-1930 với 202 số. Trong 88 số đầu, báo Thanh niên tập trung vào giáo dục lòng yêu nước, khơi sâu chí căm thù của nhân dân ta đối với đế quốc và phong kiến tay sai, đồng thời giới thiệu Cách mạng Tháng Mười và nước Nga Xô viết. Nội dung tuyên truyền của báo nhằm phân tích mâu thuẫn giữa dân tộc ta với chủ nghĩa đế quốc Pháp; giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc nói chung. Ví dụ bài “Cấm đi ra ngoài” viết: “Pháp cướp nước mình, cốt là rút của mình. Nó coi dân mình như là người ta nuôi gà, nuôi lợn vậy. Người ta nuôi gà, nuôi lợn là cất để lấy trứng và thịt. Nếu để cho gà cùng lợn chạy mất con nào, thì lỗ vốn con ấy, nên phải nhốt cho kỹ, không cho nó chạy ra ngoài”. Bên cạnh đó, báo Thanh niên còn tuyên truyền những nội dung nhằm khẳng định con đường cách mạng, chống con đường cải lương; lực lượng cách mạng là toàn dân, lấy công nông làm nền tảng; nhận thức rõ con đường cách mạng, người cách mạng phải biết hy sinh vì sự nghiệp cách mạng và có phương pháp cách mạng đúng đắn; đặc biệt, cần có Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng và tổ chức quần chúng cách mạng. Trong số báo 60, ngày 8-9-1926, có bài viết về các chính đảng, tác giả đặt câu hỏi: “Chúng ta phải theo đảng nào?” và trả lời dứt khoát rằng: “Hỡi đồng bào thân mến, như vậy chỉ có một con đường chân chính là phải theo cái đảng duy nhất kiên quyết trong hành động, đó là đảng cộng sản”…

 

Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên. Ảnh: TƯ LIỆU

 

Tháng 4-1927, Nguyễn Ái Quốc chuyển vào hoạt động bí mật, rời Quảng Châu, báo Thanh niên bắt đầu thời kỳ thứ hai, do Tổng bộ Hội Thanh niên chỉ đạo. Từ số 89 trở đi, báo bắt đầu nêu lên những nguyên lý cơ bản về xây dựng Đảng kiểu mẫu, về nhu cầu phải thành lập chính đảng cộng sản ở nước ta, về phương hướng phát triển của cuộc vận động giải phóng dân tộc Việt Nam. Cũng bắt đầu từ số 89 trở đi, trụ sở báo chuyển về Thượng Hải. Một số lượng lớn báo Thanh niên được bí mật đưa về nước cũng như tới các trung tâm phong trào yêu nước của người Việt Nam ở nước ngoài. Với nội dung ngắn gọn, thể loại đa dạng, lời văn giản dị, trong sáng, báo đã góp phần giáo dục về đạo đức cách mạng, tinh thần hy sinh cho cách mạng và tư tưởng cách mạng triệt để của giai cấp công nhân.

Để phù hợp với giai đoạn lịch sử, báo Thanh Niên từ số 108 ra ngày 28-7-1929 đến số 208 ra vào tháng 5-1930 được đổi tên là “Cơ quan của Đảng Việt Nam cách mạng Thanh niên”. Vị trí vẽ ngôi sao vàng được thay bằng hình vẽ búa liềm, tượng trưng cho mối liên minh công - nông, tiến hành cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam. Báo Thanh Niên thể hiện sâu sắc các nguyên tắc căn bản của báo chí cách mạng Việt Nam. Ðó là báo chí đứng vững trên nền tảng tư tưởng - chính trị của giai cấp vô sản; là việc thông tin, ngôn luận xuất phát từ thực tiễn cách mạng, để chỉ đạo, hướng dẫn, cổ vũ phong trào cách mạng; là báo chí hướng tới người đọc, vì người đọc là đông đảo nhân dân lao động; là báo chí thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn và phát triển tiếng Việt...

Báo Thanh niên ra đời ngày 21-6-1925 đã chính thức đánh dấu sự xuất hiện của dòng báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đây, báo chí đã hòa chung vào dòng chảy của lịch sử dân tộc. Báo Thanh Niên đã đóng một vai trò lịch sử hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, chuẩn bị về tư tưởng, lý luận và tổ chức cho việc ra đời các tổ chức cộng sản vào cuối năm 1929 và sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930.

Kỳ 2: Sứ mệnh lịch sử

ĐÀM THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên