Báo chí và tuyên truyền pháp luật

Cập nhật: 18-06-2010 | 00:00:00

Hiện nay, báo chí không thể thiếu đối với đời sống xã hội hiện đại, báo có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm, hàng ngày chuyển tải đến người đọc nhiều thông tin nhanh, phong phú và đa dạng. Chính vì vậy, từ lâu nay báo chí được giao nhiệm vụ rất quan trọng là: tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho nhân dân.

Tin tưởng vào các cơ quan báo chí với chức năng am hiểu thông tin pháp luật, ngày càng có nhiều bạn đọc tìm đến nhờ giúp đỡ tháo gỡ vướng mắc và từng tờ báo đều cố gắng đáp ứng nhu

cầu chính đáng ấy. Báo mở các chuyên trang, chuyên mục; điều tra từ thư bạn đọc, trả lời pháp luật, pháp luật và cuộc sống... cũng nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền “Mọi công dân sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Cũng từ việc trang bị những kiến thức, hiểu biết luật pháp cho người dân, báo chí hình thành những giá trị văn hóa pháp lý tốt đẹp, đề cao lối sống tích cực, có trách nhiệm, có hành vi ứng xử phù hợp với pháp luật, tự giác tuân thủ pháp luật và góp phần xây dựng văn hóa pháp luật cho mọi người.

Tất nhiên, muốn phát huy tốt vai trò tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thì các cơ quan báo chí nói chung và các nhà báo nói riêng phải gương mẫu, tôn trọng pháp luật. Nhà báo cần không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ và năng lực chuyên môn đủ tầm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Mục đích của báo chí là tốt đẹp, là tuân thủ và bảo vệ pháp luật; vì vậy nhà báo viết về mảng pháp luật - bạn đọc thường phải đấu tranh với những hiện tượng vi phạm pháp luật... nếu không có “ngón nghề”, thiếu lòng tận tuỵ kiên trì, sự dũng cảm tự thân ắt sẽ gặp không ít cản ngại, khó khăn.

Báo chí là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với dân, là “tai mắt” của Đảng, Nhà nước trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước. Báo chí đã chuyển tải những chủ trương, chính sách đến các giai tầng xã hội, cổ vũ động viên, đưa chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống. Cũng thông qua thực tiễn sinh động, báo chí đã phản ánh những khiếm khuyết, bất cập của các quyết sách ban hành; từ đó đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, đáp ứng nhu cầu cuộc sống và nguyện vọng của nhân dân. Vì lẽ đó, báo chí khao khát được nắm thông tin nhanh, chính xác; song thực tế báo chí vẫn còn phụ thuộc vào cá nhân hoặc cơ quan công quyền, dễ bị từ chối thậm chí né tránh cung cấp thông tin.

Thiết nghĩ, Luật Tiếp cận thông tin đang được soạn thảo cần đặt vị trí, trách nhiệm của báo chí cao hơn. Cần xác định rõ: Báo chí không chỉ là phương tiện để công bố rộng rãi thông tin mà có thêm trách nhiệm giám sát việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân. Rất cần có chế tài đủ mạnh nhằm bảo đảm việc cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo chí để phục vụ cho xã hội.

THANH NHÀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên