Báo chí với Doanh nghiệp: Phải là cầu nối hiệu quả

Cập nhật: 24-06-2010 | 00:00:00

Báo chí với doanh nghiệp (DN), hợp tác có, không hợp tác có và nguyên nhân cũng nhiều. Tuy nhiên, đây là 2 chủ thể có mối quan hệ quan trọng, cần thiết có thể cùng đạt được những hiệu quả và quyền lợi của mình trong quá trình phát triển. Ở đây, trong giới hạn của bài viết, chưa dám phân tích, đánh giá một cách chính xác và đầy đủ về vấn đề này. Song, với những dẫn chứng thực tế trong quá trình tác nghiệp hy vọng sẽ phản ánh được phần nào mối quan hệ giữa báo chí và DN hiện nay.

Nhà báo gõ cửa DN

Là phóng viên kinh tế, dường như ai cũng phải gõ cửa DN để tìm hiểu thông tin, xác minh sự việc liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đối với DN xem nhà báo là một đối tác cần để giúp chuyển tải những thông tin của mình đến bạn đọc thì mọi chuyện trở nên dễ dàng, mối quan hệ này sau khi được thiết lập thì hầu như phát triển theo chiều hướng đôi bên cùng có lợi. Thương hiệu của một DN phần nhiều cũng được xây dựng trên cơ sở hợp tác với giới truyền thông. Khi một DN có những hoạt động tốt và có những sự kiện mà bạn đọc cần quan tâm thì lúc đó tên tuổi của DN sẽ có mặt trên các tờ báo, đài mà có lẽ không cần phải tốn kinh phí để quảng cáo. Bởi, tôn chỉ của các tờ báo dù theo hướng nào thì mục đích cuối cùng cũng là hướng đến độc giả, nếu thông tin đó đa số độc giả cần và bổ ích thì không có lý gì để không đăng tải.

Các nhà báo phỏng vấn Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Becamex IDC

Việc nhà báo gõ cửa DN cũng có cái để bàn nhưng đối với một nhà báo chân chính thì sự việc không đi chệch hướng với đạo đức nghề nghiệp. Ấy vậy nhưng nhiều lúc, DN lại không mấy mặn mà “mở cửa”, thậm chí dứt khoát né tránh bằng nhiều lý do khác nhau. Đơn cử một vài dẫn chứng để thấy rõ hơn đối với nhận định này. Dịp tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ hội Quả điều vàng chẳng hạn, chúng tôi - những người làm báo đến với lễ hội này cũng không ngoài mục đích mà lãnh đạo tỉnh này đang nỗ lực hướng đến - tôn vinh người trồng điều, DN sản xuất - kinh doanh điều, từ đó góp phần nâng cao vị thế quả điều Việt Nam trên thương trường quốc tế. Khi một đồng nghiệp là dân “bản địa” dẫn đến một DN chế biến hạt điều để chúng tôi tìm hiểu và phỏng vấn họ về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động cũng như tâm tư nguyện vọng khi đến với lễ hội này. Vừa bước chân vào, chủ DN đã “dội một gáo nước lạnh” phủ đầu bằng những lời lẽ như là không cần báo chí. Trong khi đó, đây là một phần nội dung của kế hoạch mà Ban Biên tập đưa ra đối với bố cục tờ báo: nhà tổ chức, nhà nông và nhà DN. Dù nỗ lực giải thích nhưng cũng không lay động được ông chủ DN này hé lộ được một câu nào khi phỏng vấn. “Ngoài chụp ảnh, ghi hình hoạt động sản xuất của DN thì đừng hỏi gì nữa hết”, chủ DN này nói. Ngạc nhiên đến bất ngờ trước ứng xử của chủ DN, chúng tôi tìm hiểu mới biết sự việc thế này: trước đó ít ngày, một vài tờ báo, tạp chí ở Sài Gòn đã tìm đến DN này để phỏng vấn qua loa vài câu rồi đặt vấn đề quảng cáo, tiền bạc. Ra là thế, đó cũng là nguyên nhân để mối quan hệ giữa báo chí và DN chưa đi đến một sự hợp tác, chưa trở thành cầu nối giữa bạn đọc và DN. Một trường hợp khác diễn ra tại TX.TDM, Bình Dương khi một vụ hỏa hoạn xảy ra thiêu rụi nhiều sản phẩm, máy móc của DN, sau khi ngọn lửa cơ bản được dập tắt chúng tôi được chiến sĩ cảnh sát PCCC dẫn vào quan sát hiện trường và hỏi thăm DN. Tuy nhiên, chưa kịp bước vào chủ DN đã cho bảo vệ đóng kín cửa, không chịu hợp tác. Dẫu biết rằng, hỏa hoạn đã gây thiệt hại lớn cho DN và trong thời điểm ấy còn nhiều bộn bề nhưng nếu khôn ngoan hơn, DN cần phải thông tin cho báo chí để khi tin được đăng tải thì chính xác hơn, thậm chí DN còn thuận lợi hơn khi được bảo hiểm đền bù thiệt hại. Cũng có trường hợp DN bị hỏa hoạn, sau khi báo chí đăng tải, DN này đã có lời cảm ơn các cơ quan chức năng lẫn báo chí. 

Thường thì DN rất sợ những thông tin bất lợi đối với họ, bởi làm ăn, kinh doanh nếu không rõ ràng, minh bạch và thiếu chữ tín thì sự nghiệp của DN rất khó vươn lên. Vì thế, lẽ ra, khi báo chí gõ cửa DN để tìm hiểu thông tin thì rất cần một sự hợp tác để thông tin đủ chiều, khách quan hơn. Có những vụ đình, lãn công xảy ra ở nhiều DN nhưng khi thấy mặt báo chí là cho bảo vệ đóng cửa, trong khi đó lỗi để xảy ra đình, lãn công đôi khi không hẳn do hoàn toàn ở DN, mà ở một hoàn cảnh khó khăn nào đó của DN. Trường hợp này, nếu các nhà báo được DN thông tin đầy đủ hơn, chính xác hơn thì chắc chắn rằng DN cũng đỡ thiệt hại hơn, ít ra là ở phương diện uy tín kinh doanh. Bởi, lẽ đương nhiên, khi một DN để xảy ra đình, lãn công người ta thường hiểu rằng sự chăm lo đời sống cho công nhân ở DN đó chưa tốt.

Cần có sự thông hiểu lẫn nhau

Trên diễn đàn nghiệp vụ báo chí Việt Nam có đăng tải ý kiến của nhà báo kỳ cựu Huỳnh Dũng Nhân, Tổng Biên tập tạp chí Nghề Báo TP.HCM về vấn đề này. Ông Nhân cho rằng: “Phải có sự tôn trọng, biết lắng nghe và hợp tác với nhau thì mối quan hệ này (báo chí và DN -PV) mới hiệu quả . Không phải lúc nào báo chí cũng “chĩa mũi dùi” vào DN một cách dò xét, bới móc mà luôn nhìn rất thiện cảm. Chỉ khi nào DN coi và sử dụng báo chí như một công cụ để tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh hoặc vì lợi nhuận thuần túy mà tìm cách làm ăn thiếu trung thực thì báo chí mới phản ứng gay gắt để bảo vệ bạn đọc. Đó là trách nhiệm của người làm báo”. Hay ý kiến của Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN vừa và nhỏ của VCCI mà diễn đàn này đăng tải cũng cho rằng: Cần phải để báo chí hiểu đúng về việc DN đang làm. DN không nên né tránh báo chí mà cần chủ động thông tin cho báo chí. Thậm chí phải thường xuyên thông tin, sẵn sàng hợp tác với báo chí ngay cả khi xảy ra sự cố. Có như vậy, mới tránh được tình trạng đưa thông tin không đúng, lệch lạc về DN hoặc sự kiện. Quan hệ giữa báo chí và DN chỉ có thể có trên sự thông hiểu lẫn nhau.

Tất nhiên, bên cạnh những DN không mặn mà và không muốn gần gũi với báo chí cũng có những DN rất quan tâm đến mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này. Họ hiểu rằng, kinh doanh lương thiện, uy tín, chấp hành pháp luật thì không có gì phải sợ nhưng lại cần đến báo chí. Bởi, thông qua kênh thông tin báo chí, sản phẩm sẽ đến được với nhiều bạn đọc hơn, cùng với hoạt động sản xuất - kinh doanh hiệu quả thì thương hiệu của DN càng ngày càng uy tín hơn. Với những DN cổ phần, niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch thì tính minh bạch lại vô cùng quan trọng mà các cổ đông, nhà đầu tư cần được biết. Vì thế, ở những DN này thường có một bộ phận quan hệ công chúng khá chuyên nghiệp nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí khi cần như: Hoa Sen Group, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, các ngân hàng thương mại như Á Châu (ACB), Duchlady, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM... Nói chung, báo chí và DN phải có sự thông hiểu nhau như nhận xét của tiến sĩ Hằng, đừng biến cầu nối này thành một sự cầu cạnh... 

KỲ TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên