Bão Coson có thể thành “siêu bão”

Cập nhật: 16-07-2010 | 00:00:00

Nhiều phương án tính toán về diễn biến của bão Conson đã được đưa ra, trong đó có khả năng bão vào đển biển Đông, được tiếp sức, tăng đến cấp 14, cấp 15, trở thành “siêu bão” tấn công vùng ven biển Bắc Bộ, trọng điểm là Quảng Ninh- Hải Phòng.

 

Chiều 15-7, tại cuộc họp khẩn với báo chí,ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết tình hình về cơn bão Conson (tên tiếng Việt là Côn Sơn) sẽ ảnh hưởng đến nước ta. Sau 5 ngày hình thành, cơn bão này vẫn mạnh cấp 10, cấp 11, giật trên cấp 12, cấp 13 và có diễn biến phức tạp.

  Mọi diễn biến của bão Conson được các chuyên gia theo dõi 24/24 và báo cáo 8 lần/ngày.

Theo dự báo của Việt Nam và các đài khí tượng nước ngoài: Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ… Với tốc độ di chuyển như hiện nay đến trưa 17-7 bão sẽ ở ngay trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Lúc này sức gió vùng gần tâm bão vẫn mạnh cấp 9, cấp 10 giật trên cấp 11, cấp 12. Sau đó bão di chuyển theo hướng Tây Bắc và đổ bộ vào biên giới Việt- Trung đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tuy suy yếu thành áp thấp nhưng gió ở tâm áp thấp vẫn mạnh cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Tuy nhiên cũng có dự báo đưa ra nhận định, bão Conson vào đển biển Đông được tiếp sức, sẽ tăng đến cấp 14, cấp 15, trở thành “siêu bão”.

 

Theo tính toán của chuyên gia Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, bắt đầu từ chiều 16-7 vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, vùng tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13.

 

Từ sáng sớm 17-7 vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng cấp 8, cấp 9, vùng tâm bão đi qua cấp 9 - 10, giật cấp 11- 12. Ở Bắc Bộ sẽ có mưa, riêng vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc có mưa to đến rất to.

 

“Trọng điểm của bão được xác định là tỉnh Quảng Ninh. Nếu có sai số thì tâm bão sẽ đi vào Trung Quốc hoặc lệch tâm xuống Hải Phòng. Vùng ảnh hưởng được xác định là ven biển từ Ninh Bình đến Quảng Ninh. Mưa lớn sẽ xảy ra nhưng có 2 khả năng. Nếu bão vào bờ suy yếu nhanh kết hợp với rãnh áp thấp thì mưa ít. Nhưng nếu bão vào không trùng với rãnh áp thấp thì khả năng mưa rất to. Những vùng xác định bão ảnh hưởng từ ngày 16 sẽ có mưa. Riêng vùng tâm bão là Quảng Ninh khả năng mưa to 200-300mm. Khu vực Hà Nội cũng sẽ có mưa, gió mạnh cấp 5-6. Khu vực miền Trung tuy không ảnh hưởng của bão nhưng sẽ có mưa. Từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa vài chục mm hy vọng sẽ giải quyết được tình trạng khô hạn của khu vực này”- ông Tăng nói.

 

Cùng đó, cảnh báo về lũ quét sạt lở đất nhiều khả năng diễn ra ở vùng núi. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chuyên gia, nó còn phụ thuộc vào từng địa hình và mưa bão sẽ xảy ra ở cấp độ nào. Các tỉnh vùng núi cao vẫn nên đề phòng lũ quét, sạt lở đất.

 

 Dự báo đến 19-7, bão sẽ suy yếu tan dần. Như vậy, kể từ khi hình thành trên biển khơi, bão Conson đã  “sống” 7 ngày (từ 11 đến 18-7).

 

Cũng trong ngày 15-7, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cũng đã họp khẩn đưa ra phương án đối phó với cơn bão dữ đầu tiên trong năm. Tại cuộc họp, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát bày tỏ lo lắng về sự an nguy của những tàu nằm ở vụ trí nguy hiểm. Ông Phát yêu cầu phải tìm cách liên lạc thường xuyên với số thuyền này cũng như thông báo rộng rãi với ngư dân các tỉnh ven biển miền Bắc, đề phòng có thuyền không nắm được thông tin lại đi vào vùng nguy hiểm.

 

Phía Bộ Ngoại giao cho biết, đã có công hàm đề nghị các nước trong khu vực tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân Việt Nam vào trú tránh bão khi cần thiết.

                                                                                                                Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên