Bảo đảm chất lượng nguồn nước mặt

Cập nhật: 22-06-2021 | 09:36:48

Trước tình trạng chất lượng nguồn nước mặt ngày càng suy giảm, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, giảm thiểu nguồn ô nhiễm nước mặt do nước thải đô thị.


Lực lượng chức năng nạo vét rạch Búng (TP.Thuận An) để khai thông dòng chảy              

Nguy cơ ô nhiễm từ nước thải đô thị

TP.Thuận An hiện có hơn 600.000 dân, hàng ngày thải ra khoảng 61.000m3 nước thải sinh hoạt, chủ yếu được xử lý bằng bể tự hoại và thoát trực tiếp ra môi trường, dẫn đến chất lượng nguồn nước mặt ngày càng suy giảm.

Qua kết quả quan trắc trong giai đoạn 2016-2020, chất lượng nước mặt tại một số nhánh sông trên địa bàn TP.Thuận An có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên ở một số rạch, suối thoát nước đô thị, khu công nghiệp chất lượng nước mặt suy giảm đáng kể mà nguyên nhân chính là do ô nhiễm nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa được xử lý triệt để, thoát trực tiếp vào môi trường. Chất lượng nguồn nước mặt suy giảm là một trong những nguyên nhân khiến diện tích, năng suất, chất lượng cây ăn trái đặc sản trên địa bàn TP.Thuận An sụt giảm trong những năm gần đây. Theo nhiều chủ vườn, quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp đã khiến môi trường đất, nước bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây ăn trái, nhất là loại cây “khó tính” như măng cụt.

Trong khi đó tại TP.Dĩ An, từ năm 2017 đến nay, UBND TP.Dĩ An đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng chương trình quan trắc nhằm đánh giá chất lượng nước mặt (16 vị trí), nước ngầm (15 vị trí) và nước mưa (8 vị trí). Qua kết quả phân tích cho thấy tuy chất lượng nước mưa và nước ngầm trên địa bàn TP.Dĩ An vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng ô nhiễm nước mặt tại các kênh, rạch, suối có xu hướng giảm dần nhưng chưa đạt theo quy chuẩn cho phép. Nổi bật là tại các kênh Ba Bò, suối Mù U, suối Nhum… Qua đó cho thấy diễn biến chất lượng môi trường trên địa bàn TP.Dĩ An vẫn chưa ổn định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Nâng cao chất lượng nước mặt

Thời gian qua, UBND TP.Thuận An đã triển khai nhiều kế hoạch, chương trình nhằm nâng cao chất lượng môi trường nói chung và nguồn nước mặt nói riêng, trong đó công tác nạo vét, khơi thông dòng chảy được thực hiện thường xuyên. Trong giai đoạn 2016-2020, UBND TP.Thuận An đã giao phòng quản lý đô thị thực hiện nạo vét gần 235km hệ thống thoát nước và 564 hố ga trên các tuyến đường trọng điểm. Phòng kinh tế đã thực hiện 90 công trình thủy lợi nội đồng - khai thông dòng chảy với tổng số vốn đầu tư 76,4 tỷ đồng, vớt lục bình trên 161 kênh rạch.

Nhằm kiểm soát nguồn ô nhiễm nước mặt do nước thải đô thị, các ngành chức TP.Thuận An còn đẩy mạnh việc triển khai các dự án cải thiện môi trường nước nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt. Ông Lê Vũ Tiến Hưng, Phó Giám đốc Chi nhánh Nước thải TP.Thuận An, cho biết: “Sau 4 năm triển khai các dự án cải thiện môi trường nước trên địa bàn TP.Thuận An, chúng tôi cùng các ngành chức năng địa phương đã thực hiện được 5.026/33.105 hộp đấu nối nước thải, chiếm gần 16%. Ngoài ra, còn có 7 đơn vị hành chính sự nghiệp và 1 trường học thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom. Các hộ dân tham gia đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom không còn lo lắng về việc hút hầm tự hoại khi đầy. Để đẩy nhanh tốc độ đấu nối nước thải, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền đến các hộ dân nằm trong vùng dự án để nắm bắt thông tin về mục tiêu và lợi ích của dự án mang lại. Đồng thời, công ty còn hỗ trợ 100% chi phí nhân công đấu nối nước thải cho hộ dân là hộ gia đình và nhà trọ có quy mô dưới 5 phòng”.

Còn theo ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, nhằm góp phần xây dựng đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch bảo vệ môi trường hàng năm nhằm cụ thể hóa từng nhiệm vụ và phân công trách nhiệm thực hiện cho các ban ngành, đoàn thể. Trong đó, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và buộc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực TP.Dĩ An nhằm góp phần giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mặt; tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực môi trường và vận động cộng đồng dân cư giám sát việc xả thải của các doanh nghiệp…

Song song đó, UBND TP.Dĩ An chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường xây dựng chương trình quan trắc môi trường năm 2021 để kịp thời theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, từ đó làm cơ sở đánh giá và định hướng cho công tác quản lý môi trường trong thời gian tới.

UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương. Dự án này được thực hiện tại TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Tân Uyên từ năm 2021 đến năm 2027 với tổng kinh phí hơn 7.118 tỷ đồng. Các mục tiêu phát triển của dự án là tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ cải thiện nước thải; giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước thải đô thị gây ra tại các khu vực được chọn thực hiện.

Mục tiêu của dự án đạt được thông qua xây dựng hệ thống thu gom cống và phương án xử lý nước thải cho TX.Tân Uyên và nâng cấp hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải ở TP.Dĩ An, Thuận An; xây dựng kế hoạch quản lý nước thải, thực hiện các chương trình, kế hoạch quản lý tài sản sau đầu tư trong lĩnh vực thoát nước đô thị tại tỉnh Bình Dương.

 NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên