Báo động chỉ số thụt lùi

Cập nhật: 18-01-2010 | 00:00:00

 

Năm thứ 5 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố cho thấy nhiều thông tin đáng chú ý về tính minh bạch môi trường kinh doanh. Điều đáng lo ngại là chỉ số này đã bị kéo lùi về ngưỡng năm 2006 dù đã được cải thiện trong 2 năm qua.

 

Với gần 10.000 doanh nghiệp được điều tra tại 63 tỉnh-thành, có đến 61,26% doanh nghiệp cho rằng phải có "mối quan hệ" mới tiếp cận được các tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đây là điểm đáng lo ngại bởi "tính minh bạch" là một trong hai chỉ số thành phần có trọng số cao nhất trong chỉ số xếp hạng PCI (20%).

 

Sự đảo chiều trên cũng đáng báo động, bởi qua điều tra đã hé lộ một con số khác rất đáng suy ngẫm. Đó là tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng có thể dự đoán được việc thực thi các chính sách của địa phương chỉ 8,4%.

 

Chỉ số này có tác động rất lớn đến thành công của doanh nghiệp. Khi được tiếp cận đầy đủ thông tin về những thay đổi chính sách hoặc các chủ trương phát triển cơ sở hạ tầng, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, các doanh nghiệp sẽ dự báo và đưa ra quyết định tốt hơn về kế hoạch đầu tư của mình. Doanh nghiệp cũng sẽ mạnh dạn đầu tư hơn nếu thấy yên tâm về triển vọng kinh doanh dài hạn.

 

Và ngược lại, khi doanh nghiệp lo lắng về những thay đổi bất ngờ xảy ra, họ sẽ do dự triển khai các dự án quy mô lớn, chỉ đầu tư cầm chừng mang tính thăm dò. Một tính toán của nhóm nghiên cứu PCI đã chỉ ra: Một điểm cải thiện trong chỉ số tính minh bạch sẽ giúp tăng 13% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 17% đầu tư trên đầu người và tăng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp ở mức 62 triệu đồng.

 

Năm 2009, do ảnh hưởng của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, tâm lý lạc quan của doanh nghiệp giảm so với những năm trước: Chỉ có 65% doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam dự định mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong hai năm tới, so với 78% năm 2008 và 77% năm 2007. Các doanh nghiệp nhỏ chịu tác động nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên chỉ có 47% doanh nghiệp có ý định mở rộng kinh doanh.

 

Trong bối cảnh đó, vai trò điều hành kinh tế của chính quyền địa phương càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với hoạt động doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh được bảo đảm bằng các chính sách, quy định rõ ràng, triển khai minh bạch, dễ tiếp cận thông tin... là điều sức cần thiết để giúp doanh nghiệp hoạch định kế hoạch làm ăn trước mắt và dự báo được triển vọng tương lai.

 

Một chỉ số quan trọng khác không kém với tính minh bạch là chất lượng đào tạo lao động cũng có vấn đề. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, đây là hai chỉ số thành phần quan trọng nhất phục vụ yêu cầu tăng trưởng kinh tế (đều có trọng số 20%).

 

Kết quả từ cuộc điều tra cho thấy doanh nghiệp không đủ lao động có trình độ trung và cấp cao để vận hành và bảo dưỡng thiết bị, quản lý các hoạt động tài chính và kinh doanh mang tính phức tạp. Điều này đồng nghĩa chất lượng nhân lực kém khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao công nghệ, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Theo đánh giá, một điểm cải thiện trong chỉ số thành phần về chất lượng đào tạo lao động ước tính sẽ giúp tăng 30% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 47% đầu tư trên đầu người và tăng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp lên khoảng 58 triệu đồng.

 

Kết quả điều tra từ khối doanh nghiệp dân doanh thường đem lại những phản ánh chính xác những khó khăn của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Sự hạn chế từ hai chỉ số này trong năm qua cho thấy nếu muốn khuyến khích khu vực này phát triển, có đóng góp nhiều hơn vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước, rất cần sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan hữu quan trung ương và địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực.

(Theo SGGP)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên