Bao giờ người cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế?

Cập nhật: 27-09-2011 | 00:00:00

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị: “Bảo hiểm y tế (BHYT) cho đối tượng người nghèo tại Bình Dương đã được thực hiện rất tốt. Còn công tác BHYT cho người cận nghèo, với chủ trương ngân sách hỗ trợ 50% chi phí mua BHYT và khi đã có thẻ thì người có thẻ đồng chi trả 20%. Nhưng qua thực tế, số người cận nghèo ở tỉnh ta tham gia BHYT còn ít. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền còn hạn chế, người cận nghèo chưa hiểu được chính sách ưu việt của Chính phủ cũng như chưa hiểu ích lợi của BHYT. Bên cạnh đó, còn do họ chưa thật sự quan tâm đến việc mua thẻ. Chỉ đến khi bệnh mới cần, mới tham gia, nên BHYT mất ý nghĩa nhân văn, nhân đạo. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành phối hợp triển khai sâu rộng hơn để người cận nghèo được thụ hưởng chính sách quan tâm CSSKBĐ của Đảng, Nhà nước. Cũng là để cộng đồng chia sẻ với đối tượng này, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước”. Vì thế, để người cận nghèo có thẻ BHYT rất cần sự vào cuộc tích cực hơn từ các cấp, các ngành và cả đối tượng được thụ hưởng là người cận nghèo.

Người cận nghèo và nỗi lo viện phí!

Theo BHXH Bình Dương, 6 tháng đầu năm, BHYT đã chi trả cho đối tượng nghèo và cận nghèo với số tiền gần 16,2 tỷ đồng (bội chi 6,4 tỷ đồng). Đã có rất nhiều trường hợp bệnh nan y, mãn tính được cứu chữa và chi trả kịp thời cứu sống sinh mạng. Bà Nguyễn Thị Gia, SN 1945, ngụ ở phường Dĩ An, TX.Dĩ An bị bệnh nhồi máu não, được BHYT chi trả 81,7 triệu đồng. Đặng Thị Liếng, phường An Thạnh, TX.Thuận An bị gãy xương đùi được BHYT chi trả 33,5 triệu đồng. Lê Văn Đê, ở Bến Cát, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, được chi trả 31,7 triệu đồng. Nguyễn Thành Vinh, sinh năm 1978, ở Phú Cường và Nguyễn Ngọc Quãng, sinh năm 1982, đều bị suy thận mãn, được chi trả trên dưới 20 triệu đồng.

  Bệnh nhân cận nghèo Đinh Thị Bích Nga, đang điều trị tại BVĐK tỉnh được chị em trong nhóm từ thiện tặng thẻ BHYT

Nhưng đáng lo nhất là những bệnh nhân cận nghèo. Mỗi người mỗi cảnh. Song nhìn chung, tuy họ còn trong độ tuổi lao động nhưng do công việc không ổn định, đến khi bệnh nằm xuống là trắng tay, rơi vào hoàn cảnh “hộ nghèo” ngay. Tại khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Bình Dương, chị Đinh Thị Bích Nga, 40 tuổi, nhà ở Chánh Nghĩa, TX.TDM, một bệnh nhân than thở: “Do bị hở van tim, không được khỏe nên tôi chỉ có thể làm việc lặt vặt, giữ con cho người ta, kiếm thêm thu nhập. Chồng lái xe tải, trời mưa gió, thường thất nghiệp, nên gia đình rất khó khăn. Tôi bị tai nạn, đa chấn thương, nằm đây đã hơn 10 ngày. Tiền bạc không có”.

Tại khoa Nội 1, chú Trần Văn Nữa, 65 tuổi, đang nuôi con là Trần Thân Thiện, 32 tuổi: “Do 3 đứa con đang làm công tại Công ty trà và cà phê Phát Hải, nên cả gia đình tôi đang tạm trú tại nhà tập thể của công ty. Mỗi tháng, 3 đứa con đưa về 4 triệu đồng ăn uống xoay xở hết, nên khi con bị tai nạn giao thông gãy cổ, công ty hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình đóng 15 triệu đồng. Giờ con chưa khỏi nhưng đang xin về do hết tiền”!

Những người tha hương cầu thực gặp lúc bệnh hoạn càng ngặt nghèo hơn: Các chị Nguyễn Thị Bé Hai, 42 tuổi, quê ở An Giang, chồng bị ho suyễn, lao phổi: “Ở quê An Giang, vợ chồng tôi cắt lúa mướn. Nhưng giờ có máy cắt lúa rồi, chúng tôi phải lên đây làm phụ hồ. Mới lên vài tháng, chồng lại không khỏe nên thiếu trước hụt sau. Đùng cái, ảnh đổ bệnh nặng, nhập viện, khó khăn quá mức. Tôi mới phải xin tiền mấy thân nhân bệnh nhân ở bệnh viện được 500.000 đồng để đóng viện phí”.

 Còn chị Đinh Thị Liên, ở Kiên Giang lên càng khổ. Đứa con 22 tuổi bị tai nạn giao thông, nứt sọ, lại thêm bệnh phổi, chị vừa xin, vừa vay mượn anh em trong gia đình, đóng hơn 40 triệu đồng, nằm hết các viện từ Chợ Rẫy về Bình Dương đã hơn tháng nay vẫn chưa khỏi bệnh... Ai cũng rầu rĩ, héo hắt: “Ở đây không lo về phần ăn uống, vì trong tuần gần như có đủ bữa ăn từ thiện cho người nghèo nhưng viện phí thì là cả vấn đề. Chúng tôi không biết là có chính sách BHYT cho người cận nghèo. Nếu biết tôi đã mua thì bây giờ đỡ khổ. Khi về chắc là chúng tôi sắp xếp để mua!”.

Rất cần sự tuyên truyền, vận động của các cấp, các ngành

Tính đến nay, BHXH đã triển khai được 739 thẻ BHYT cận nghèo. Một con số còn quá khiêm tốn. Ông Lê Quang Doãn rất lo lắng về khó khăn trong việc phát triển thẻ ở đối tượng cận nghèo, cũng như sự mất cân bằng của đối tượng tham gia BHYT tự nguyện: “Khi họp Ban chỉ đạo BHYT, các địa phương nói đã vận động song số người cận nghèo tham gia rất ít. Nguyên tắc BHYT là cùng chung tay, cộng đồng chia sẻ: trẻ bù già, khỏe bù yếu, giàu bù nghèo. Nhưng đáng lo là ngoài đối tượng bắt buộc, đối tượng tự nguyện tham gia BHYT vẫn còn quá ít và tập trung ở nhóm người già, người bệnh. Cũng may là trong 6 tháng đầu năm 2011, Quỹ BHYT chỉ bội chi cho đối tượng nghèo và cận nghèo là 6,4 tỷ đồng. Và toàn quỹ BHYT vẫn an toàn nhờ đối tượng BHYT bắt buộc bù đắp”.

Để thực hiện tốt chính sách BHYT đối tượng cận nghèo, trên lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, cần lắm sự vào cuộc của các cấp, các ngành, trong việc phối hợp vận động, tuyên truyền đến người cận nghèo, cũng như đối tượng BHYT tự nguyện. Để người dân tích cực tham gia, cần nhất là nêu những trường hợp thập tử nhất sinh nhờ có BHYT cứu sống, nhờ có quá trình tham gia BHYT suốt 3 năm liền.

BẢO ANH

 

Bệnh nhân cận nghèo Đinh Thị Bích Nga, đang điều trị tại BVĐK tỉnh được chị em trong nhóm từ thiện tặng thẻ BHYT

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên