Bảo tồn và phát huy văn hóa, truyền thống của người Khmer

Cập nhật: 17-12-2010 | 00:00:00

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 người Khmer, sinh sống tập trung nhiều nhất tại xã An Bình, Phú Giáo. Nhờ các chính sách đầu tư của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của tỉnh, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Khmer đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều nét văn hóa (VH), tập tục truyền thống của họ đang bị mai một dần. Tìm hiểu thực tế tại ấp Nước Vàng và Hưng Thịnh (An Bình, Phú Giáo), chúng tôi ghi nhận được thực trạng này.

Nhiều tập tục văn hóa, truyền thống mai một dần

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại 2 ấp Nước Vàng và Hưng Thịnh (An Bình, Phú Giáo), đời sống người dân Khmer đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, phải kể đến sự vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của chính mình, họ đã biết thâm canh trồng cao su, hoa màu... Tuy nhiên, có một thực tế là trong quá trình phát triển kinh tế gia đình, nhiều người Khmer dường như đã quên các nét VH, văn nghệ (VN) truyền thống đặc sắc của chính họ.

 

Tiết mục tham gia liên hoan ca múa nhạc dân gian dân tộc

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Văn Giáp, cán bộ văn hóa - thể thao (VH-TT) xã An Bình, tiếc nuối: “Một bộ phận người Khmer tại xã An Bình đang có xu hướng ngoại hóa nhiều hơn là phát huy, phục hồi các nét VH truyền thống của dân tộc mình. Đơn cử như trước đây, khi đám cưới, cô dâu, chú rể mang trang phục truyền thống, nhưng hiện nay cô dâu mặc váy, chú rể mặc comple, thắt cà vạt. Ông Kim Niệm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Phú Giáo - một người Khmer chính hiệu, cho biết: “Tôi là người thường xuyên hoạt động trong lĩnh vực VH, VN của chính dân tộc mình. Quả thật tôi lo. Có lẽ thế hệ trẻ sau sẽ quên hết những nét VH truyền thống của dân tộc nếu như các bậc cha ông và chính quyền địa phương không có cách bảo tồn, phát huy”.

Điều đáng lo này không chỉ có ông Kim Niệm mà nhiều cán bộ VH-TT khác ở Phú Giáo cũng tiếc nuối khi tiếp xúc với chúng tôi. Thực tế hiện nay, dưới sự tác động của nhiều yếu tố hiện đại hóa, VH Khmer cũng như một số nền VH của các dân tộc khác đang đứng trước nguy cơ mai một dần. Biểu hiện rõ nhất đó là làm theo, học theo những cái mới lạ bên ngoài thiếu chọn lọc. Trong đám cưới ít ai còn nghe thấy những bài hát với nội dung ca ngợi công lao dưỡng dục, dạy dỗ của ông bà, cha mẹ, ca ngợi tình yêu và chúc phúc cô dâu, chú rể... Thay vào đó là nhạc roc, rap, những bài hát vội vàng gấp gáp, cứ lôi kéo lứa trẻ quên đi nét đẹp truyền thống lâu nay của họ.

Bảo tồn và phát huy: cần sự hợp sức

Nét đặc trưng trong VH truyền thống Khmer là điệu múa dân tộc. Tuy nhiên, tại đây, những điệu múa ấy dường như không còn xuất hiện. Những tiết mục VN ấy đã dần mất đi trong đời sống sinh hoạt của người Khmer. Nhưng để phục dựng lại những điệu múa truyền thống, những bài hát đặc trưng của dân tộc Khmer quả là điều rất khó. Hiện nay, theo thống kê của Trung tâm VH-TT huyện Phú Giáo, rất ít người biết bộ môn hát Rầm (gần giống hát tuồng) - một bộ môn truyền thống của người Khmer. Đối với môn hát Rầm lại có cái khó là để hiểu được thì phải nắm chắc về lịch sử Phật giáo, tuồng tích. Thế nhưng để tìm được những người am hiểu về lịch sử Phật giáo, tuồng tích không phải dễ.

Anh Ngô Thế Huy, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT Phú Giáo cho biết, trung tâm đã mở lớp dạy các điệu múa dân tộc Khmer. Đồng thời, thuê thầy cô giáo tại các trung tâm lớn về dạy nhằm tạo lập đội VN chuyên biểu diễn những tiết mục VN của đồng bào dân tộc trong những dịp lễ, tết. Thế nhưng, những lớp học này chủ yếu là người kinh. Anh Huy cho biết thêm, để tập hợp, khuyến khích các bạn trẻ người đồng bào Khmer cố gắng phát huy, bảo tồn bản sắc VH của dân tộc mình quả rất khó. Trước những vấn đề đó, sắp tới, trung tâm sẽ cố gắng vận động các bạn trẻ người đồng bào Khmer tham gia học những lớp này. Ngoài ra, trung tâm sẽ xin thêm kinh phí hỗ trợ tiền đi lại cho những học viên là người Khmer.

Việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc VH là đòi hỏi bức thiết. Thế nhưng, vấn đề này đang là bài toán khó đối với các cấp chính quyền tại địa phương. Họ đang rất cần sự hợp tác của chính người Khmer để có thể phát huy giá trị VH tốt đẹp của dân tộc Khmer. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Công Quan, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, nhằm phát huy, bảo tồn bản sắc VH, VN của người Khmer, trong thời gian qua, xã An Bình đã tổ chức nhiều chương trình VH, VN - TT để họ có cơ hội tham gia. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí đi lại, sinh hoạt khi ĐBDTTS tham gia các hội thi toàn tỉnh. Qua đó, mong muốn khơi dậy tinh thần trách nhiệm của đồng bào Khmer phải luôn biết cách bảo tồn phát huy nét VH truyền thống của mình. Tuy nhiên, để khôi phục lại tất cả những nét VH, VN truyền thống sôi động của người Khmer là cực kỳ khó khăn. Bởi chỉ có chính những con người Khmer tâm huyết mới thật sự vực dậy được những nét VH, VN sôi động này, cộng với sự hỗ trợ tích cực từ địa phương, của ngành VH-TT.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên