Bảo vệ môi trường bằng cây tre Việt Nam

Cập nhật: 31-05-2011 | 00:00:00

Chúng tôi đến một công ty thuộc da của Đức và được tận mắt chứng kiến một mô hình hay về bảo vệ môi trường từ cây tre Việt Nam. Công ty Saigon Tan Tec (STT) tại KCN Việt Hương II làm về thuộc da, một trong những ngành có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng ngược lại STT lại được xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng sách xanh 2010 của Bình Dương, vì sao?

Làm nhà xưởng theo nguyên lý vật lý

Đến công ty, trời nắng chang chang như đổ lửa không khỏi khiến chúng tôi thấy oải người vì quãng đường dài đầy bụi bặm. Thay vì phòng lạnh với ghế sofa, máy lạnh bật hết công suất, người của công ty lại dắt thẳng vào khu vực nhà xưởng để tiếp khách. Bước vào, cảm giác đầu tiên là mát, rất mát. Có thể cảm nhận được hơi mát lùa vào người từ ngoài, dù ngoài trời nhiệt độ đang lên cao. Người bạn đi cùng thốt lên: “Nhà xưởng gì mà mát quá! Sao người ta làm bằng tôn mà mát vậy trời?”.

Công ty Saigon Tan Tec nhiều chi phí sản xuất nhờ có cách làm nhà xưởng thông minh theo hướng thân thiện môi trường

Giám đốc Dirk Leyendecker là một người Đức vui vẻ dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh “công trình” do chính mình vắt óc nghĩ ra. Theo anh chàng kỹ sư 36 tuổi này, nhà xưởng của anh là có một không hai tại Việt Nam hiện nay. Dirk bảo, đầu tiên khi làm nhà xưởng, anh không nghĩ mình sẽ lợp tôn, thay vào đó là một loại vải bạt dày được sử dụng. Lớp vải bạt này đặc biệt ở chỗ có phết màu sáng bạc phía trên và có tác dụng phản quang, không hấp thụ nhiệt lượng từ mặt trời. Sau đó, trên nóc nhà xưởng lại có những đường khe dài để lọt ánh sáng xuống bên dưới, giúp cho bên trong luôn có đủ ánh sáng cần thiết để sản xuất mà không cần phải sử dụng bóng đèn như nhiều công ty khác.

Đặc biệt hơn ở chỗ, Dirk đã vận dụng khéo léo các nguyên lý làm mát bằng hiện tượng vật lý vào công ty của mình. Đó là một quy trình khép kín hoàn toàn. Đầu tiên, Dirk chỉ dẫn chúng tôi tham quan hồ nước rộng 1.000m2 được xem là điểm nhấn của toàn bộ diện tích đất của công ty. Đây là hồ chứa nước mưa cho hoạt động sản xuất thuộc da của công ty. Ngoài tác dụng trên, hơi nước từ hồ sẽ bốc lên rồi được gió đưa thẳng vào bên trong nhà xưởng qua hệ thống tường tre có khe lưu thông và mái giật cấp có khả năng lưu dẫn không khí từ ngoài. Sau khi hơi nước vào trong, nó sẽ đi suốt chiều dài nhà xưởng bởi phía đối diện là nơi mát hơn do nằm sâu trong xưởng. Sau đó, hơi nước lại đi lên cao và thoát ra ngoài nhờ hệ thống thông gió đối ứng.

Ngoài ra, nơi có những diện tích mặt mái bền vững như văn phòng, nhà ăn... công ty còn cho trồng... cỏ và tre lên đó để giảm thiểu sự tác động của nhiệt lượng. “Hệ thống làm lạnh” kể trên dù đem lại hiệu quả rất lớn nhưng gần như không sử dụng đến điện năng như nhiều công ty có lắp đặt máy lạnh, quạt hay các thiết bị làm mát khác. Điều này giúp cho công ty tiết kiệm được một chi phí đáng kể. Nước nóng dùng trong sản xuất của công ty được gia nhiệt bởi hệ thống điều khiển máy tính năng lượng mặt trời thay vì sử dụng lò hơi.

STT đang nỗ lực cải tiến liên tục quy trình và hệ thống để giảm tác động đến môi trường càng nhiều càng tốt. Trước khi xây dựng nhà máy, STT đã đầu tư với thiết kế nhà xưởng có thể giảm tiêu thụ năng lượng và nước, kết hợp máy móc hiện hại và liên tục đào tạo, giảng dạy nhân viên. Dirk cho biết: “Việc đầu tư cho các hoạt động như vậy không phải là cao hơn nhiều so với một nhà máy tương tự. Đầu tư của công ty tuy đắt tiền nhưng các máy móc, thiết bị tiết kiệm năng lượng và nước sẽ được khấu hao dần trong tối đa 5 năm. Chúng tôi có thể làm giảm chi phí bảo dưỡng và chi phí cho năng lượng, nước, DO... đến mức tối thiểu”.

Bén duyên với cây tre Việt Nam

Đến STT tham quan mô hình bảo vệ môi trường của công ty này, không khỏi ngạc nhiên vì tre có mặt ở khắp nơi. Ngoài bức tường làm bằng tre để thông gió, lọt sáng thì công ty còn trồng nhiều tre xanh như là một trợ thủ đắc lực cho công đoạn xử lý nước thải và làm mát không khí. Dirk dắt chúng tôi lại gần bức tường nhà xưởng là bằng tre, áp đôi tay vào đó để cảm nhận gió từ ngoài lùa vào mát dịu trên bàn tay, bảo, đó là ý tưởng có một không hai của công ty và là một công trình đặc biệt của anh. Thay vì xây vách bằng gạch hay bê tông, STT cho dựng hàng trăm gốc tre lớn có đường kính từ 10 - 15cm cao 4m theo kiểu so le. Hệ thống tường này thoạt nhìn có vẻ không chắc chắn vì có nhiều khe, nhưng nước từ ngoài không thể lọt vào và rất kiên cố. Như đã nói ở trên, bức tường tre đóng vai trò quan trọng trọng việc làm mát nhà xưởng dù có hơn 200 người liên tục làm việc, máy móc chạy liên tục mà không hề phải bật thiết bị làm lạnh nào.

Hệ thống xử lý nước thải xanh kết hợp giữa tre với cỏ Vancouver thể hiện sự sáng tạo trong việc xử lý nước thải

Dirk cho biết, lúc còn ở Đức chỉ nghe bảo ở Việt Nam có nhiều tre xanh, người Việt còn dùng cả tre để chống lại súng đạn trong kháng chiến chông Mỹ, nào ngờ đâu giờ sang tận nơi mới biết tre xanh còn giúp ích anh nhiều đến thế. Dạo mới đi khảo sát để xây dựng nhà xưởng, chạy xe từ TP.HCM lên, anh ngạc nhiên và đứng tần ngần ở Làng tre Phú An của bà Diệp Thị Mỹ Hạnh. Dirk tiết lộ: “Tôi tò mò rồi choáng ngợp trước sự phong phú và đa dạng của làng tre rồi tần ngần người ra khá lâu. Sau đó, tôi làm quen và biết bà Hạnh là một chuyên gia nghiên cứu về tre. Giờ chúng tôi là chị em với nhau rất thân thiết”. Điều Dirk không thể ngờ là cây tre Việt Nam cũng có tác dụng xử lý chất thải, bảo vệ môi trường chứ không riêng gì thứ cỏ vancouver nhập tận Canada xa xôi. Tre và cỏ vancouver kết hợp với nhau hoàn hảo để tạo nên một hệ thống xử lý nước thải xanh có mặt đầu tiên tại châu Á.

STT tự phát triển hệ thống kiểm soát độ ẩm đất nhằm hỗ trợ hệ thống xử lý nước thải bằng cây xanh. Công ty này tiến hành xả nước thải vào hệ thống đất ẩm gồm các cây xanh có chức năng xử lý nước thải hoàn toàn tự nhiên mà không có tác động đến môi trường. Bằng cách này, STT có thể làm giảm chi phí hoạt động của hệ thống xử lý chính và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đối với nước thải (quy chuẩn B của Việt Nam). Công ty thu thập nước mưa từ mái nhà và dùng thay thế nước từ các nguồn cung cấp nước công cộng bằng cách sử dụng cho các quá trình sản xuất. Một vài bộ phận sản xuất của thu thập nước thải và tái sử dụng nó nhiều lần trước khi xả vào hệ thống xử lý chính. STT có thể tiết kiệm đến 70% lượng nước tiêu thụ những phần này. Các máy móc giúp tiết kiệm năng lượng và nước đã làm tốt việc giảm chi phí.

Chính nhờ mô hình bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rất đặc biệt và hiệu quả này mà STT đoạt được nhiều giải thưởng quan trọng. Năm 2010, STT đoạt giải nhì Giải thưởng năng lượng hiệu quả năm 2010 của Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức, Giải thưởng biểu tượng vàng LWG Audit. Công ty đạt tiêu chuẩn chất lượng môi trường ISO 14001. Mới đây, STT lại được xếp hàng thứ 2 trong Sách xanh của Bình Dương. Công ty hoạt động trong lĩnh vực được cho là có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như thuộc da lại có nhiều giải thưởng về môi trường. Một nhà máy đồ sộ với quá nhiều máy móc, thiết bị và cần nhiều nước nhưng giảm thiểu chi phí sản xuất đến 30%, giảm lượng nước tiêu hao đến 70%. Giám đốc Dirk Leyendecker hào hứng tiết lộ thêm nhiều dự định mới: “Chúng tôi đang kết hợp với bà Hạnh tiếp tục nghiên cứu để phát triển thêm nhiều loại cây khác như nho, cỏ tranh... để tiếp tục kết hợp với tre lọc nước thải. Dù làm về thuộc da nhưng STT không phải ngại sợ ô nhiễm. Nếu có công ty nào muốn học tập mô hình bảo vệ môi trường, xử lý nước thải của STT, chúng tôi rất sẵn lòng hỗ trợ phát triển”.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên