Bảo vệ môi trường trong các Khu công nghiệp: Ngày càng chuyển biến tích cực

Cập nhật: 28-10-2010 | 00:00:00

Trải qua quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp của tỉnh nói chung và các khu công nghiệp (KCN) nói riêng đã phát triển mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các KCN đã có nhiều đóng góp quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân; trong đó nổi bật nhất là tập trung giải quyết có hiệu quả các nguồn phát thải ô nhiễm vào các khu vực nhất định để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thải và bảo vệ môi trường (MT).

Bảo vệ môi trường - sự hình thành và phát triển các KCN

Gắn với phát triển công nghiệp, bắt đầu từ ngày thành lập, Ban Quản lý các KCN Bình Dương đã tính đến bảo vệ môi trường. Biến suy nghĩ thành hành động, ban đã chia thành ba giai đoạn để triển khai thực hiện.

  Tạo mảng xanh, làm đẹp môi trường ở KCN Đại ĐăngTrong giai đoạn đầu (1995-2003), do tập trung thu hút đầu tư nên vấn đề MT chưa được quan tâm đúng mức, hầu hết các KCN hình thành đều chưa xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, nước thải công nghiệp của doanh nghiệp vẫn chưa tách riêng ra đường cống thoát nước mưa. Hơn nữa, ban chưa có đội ngũ chuyên trách về lĩnh vực MT.

Đến giai đoạn 2 (2003-2006), ban bắt đầu chú trọng, quan tâm vấn đề quản lý MT. Các KCN đã thực hiện việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung xử lý nước thải cho toàn bộ KCN. Việc tách nước mưa và nước thải được thực hiện. Tuy nhiên, ban chỉ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước theo đúng các quy định của pháp luật về môi trường, không chịu trách nhiệm về những vấn đề môi trường phát sinh ở các KCN.

Do sự phát triển nhanh chóng của các KCN đòi hỏi phải có lực lượng chuyên trách về môi trường để theo dõi, giám sát và đôn đốc và nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện, nên đến ngày 1-7-2006, Phòng Quản lý MT được thành lập nhằm thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo ban về công tác bảo vệ MT trong các KCN. Việc xây dựng Phòng Quản lý MT của ban đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý MT trong các KCN được tốt hơn.

Hiệu quả từ công tác quản lý bảo vệ MT

Đến tháng 10-2010, Ban Quản lý các KCN Bình Dương đã được ủy quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động MT, xác nhận bản cam kết bảo vệ MT của các dự án đầu tư vào 7 KCN; ủy quyền thanh kiểm tra hơn 570 doanh nghiệp trong 7 KCN nêu trên. Chính sự phân cấp đã giúp cho công tác quản lý Nhà nước về MT tại các KCN ngày càng chặt chẽ, chủ động cũng như thống nhất về trách nhiệm quản lý được rõ ràng hơn.

Về cơ bản, hiện Ban Quản lý các KCN Bình Dương đã kiểm soát được các nguồn thải, nhất là đối với nước thải. Các doanh nghiệp nằm trong các KCN đều đã lập báo cáo đánh giá tác động MT/bản cam kết bảo vệ MT theo quy định. Các KCN mới hình thành đều đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đáp ứng yêu cầu tiếp nhận nước thải từ các doanh nghiệp.

Xuất phát điểm từ năm 1995 chỉ có một KCN với diện tích quy hoạch là 180 ha, đến nay đã có 26 KCN trải dài từ khu vực phía Nam đến phía Bắc của tỉnh với tổng diện tích quy hoạch là 7.611,60 ha trong đó đã có 22 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích là 6.209,19 ha. Từ chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, đến nay đã có 15/22 KCN hoạt động có nhà máy xử lý nước thải hoạt động với tổng công suất thiết kế là 42.800m3/ngày, có 9/22 KCN đang xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung (trong đó có 3 KCN xây dựng giai đoạn 2 và giai đoạn 3) với công suất thiết kế là 28.600m3/ngày.

Các doanh nghiệp trong KCN đã có nhiều ý thức trong việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý MT. Hầu hết các doanh nghiệp khi đi vào hoạt động sản xuất đều đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN.

Ngoài việc thu hút đầu tư có chọn lọc, nhờ công tác tuyên truyền, vận động kết hợp thanh kiểm tra thường xuyên đã làm cho MT công nghiệp tại các KCN Bình Dương ngày càng có những chuyển biến tích cực. Những chuyển biến tích cực này góp phần làm cho tỉnh nói chung và các KCN Bình Dương nói riêng phát triển bền vững theo tinh thần của Nghị quyết 41-NQ-TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ MT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên