Bắt đầu bình ổn giá thuốc

Cập nhật: 31-03-2011 | 00:00:00

Ngày 30-3, Sở Y tế TPHCM cho biết UBND TP đã thông qua nội dung kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu năm 2011 (gọi tắt chương trình). Chương trình bắt đầu triển khai từ 1-4-2011 đến 31-3-2012.

Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên đường Hai Bà Trưng, Q1, TPHCM

Giá thấp hơn 10%

Theo nội dung kế hoạch đặt ra, thuốc trong chương trình là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, đảm bảo chất lượng. Lượng thuốc trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu cho người dân thành phố, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động, nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao. Giá bán của các nhóm thuốc trong chương trình bình ổn thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất là 10%. Thuốc bình ổn giá được phân phối qua hệ thống nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc chuỗi doanh nghiệp và nhà thuốc tư nhân trên địa bàn dân cư. Mặt hàng thuốc được đưa vào chương trình chỉ hạn chế ở những loại thuốc mà phần đông người dân sử dụng. Trước mắt chọn 40 hoạt chất với 10 nhóm thuốc trị các bệnh thông thường, mãn tính như giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, tiêu chảy, trị ho, đau dạ dày, tim mạch, tiểu đường, kháng sinh, kháng viêm và thuốc nhỏ mắt.

Số lượng thuốc tham gia bình ổn thị trường chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu người dân thành phố sử dụng. Trường hợp giá nguyên, vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng cao hơn 15% so với thời điểm đơn vị đăng ký giá bán bình ổn, các đơn vị được điều chỉnh tăng giá bán. Khi điều chỉnh tăng giá phải đăng ký lại giá bình ổn với các cơ quan chức năng. Trường hợp thị trường biến động giảm giá từ 5% trở lên, các đơn vị phải đăng ký điều chỉnh giảm giá tương ứng.

Các đơn vị tham gia chương trình phải có chức năng sản xuất kinh doanh dược phẩm, đạt chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP-WHO), Thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), Thực hành tốt nhà thuốc (GPP) và có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thuốc, có thuốc cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, xuyên suốt… Ngược lại, tham gia chương trình doanh nghiệp được UBND TPHCM cho vay không tính lãi vay, không thế chấp tài sản trong thời gian 12 tháng kể từ ngày giải ngân của từng đợt giải ngân. Nếu doanh nghiệp không cung ứng đủ lượng hàng hóa được giao bình ổn, phải hoàn trả toàn bộ phần vốn đã được giao. Nếu doanh nghiệp không thực hiện trả vốn đầy đủ và đúng hạn theo quyết định thu hồi vốn phải chịu lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm ban hành quyết định thu hồi vốn.

Còn nhiều băn khoăn

Ghi nhận cho thấy, hiện phần lớn người bệnh điều trị tại bệnh viện đã được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả thông qua thuốc đấu thầu vào bệnh viện. Đây cũng là những đối tượng bị bệnh nặng, bệnh cấp cứu phải điều trị nội trú. Do đó phần nào đã được hỗ trợ một phần nếu có tham gia bảo hiểm y tế. Ngược lại, một lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú do các bệnh thông thường, mãn tính thường đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế khám rồi ra nhà thuốc mua thuốc về uống.

Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Chương trình bình ổn giá thuốc nhắm đến chủ yếu bệnh nhân ngoại trú. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Y tế, hiện gần 50% bệnh nhân đến khám và điều trị tại TPHCM là người dân các tỉnh. Cho nên, các chuyên gia y tế băn khoăn bao nhiêu phần trăm thuốc bình ổn giá đến tay người dân TP? Đó là chưa kể người dân làm sao biết nhà thuốc nào bán thuốc bình ổn giá mà mua, trong khi nhà thuốc nằm san sát nhau. Hơn nữa, bác sĩ chỉ kê toa hoạt chất chứ không kê tên thuốc, vậy nhà thuốc bán thuốc nào trong khi thuốc khác tên nhưng cùng hoạt chất rất nhiều. Mặt khác bác sĩ “sính” kê thuốc ngoại để ăn hoa hồng, còn người dân thì hầu như mù tịt về phân biệt thuốc cùng hoạt chất hay khác hoạt chất trong số 40 hoạt chất mà chương trình bình ổn đưa ra.

Cũng theo PGS Phong Lan, hiện đã chọn được 4 doanh nghiệp dược tham gia bình ổn giá thuốc là Công ty Dược 3 Tháng 2, Công ty Xuất nhập khẩu dược phẩm Domesco, Công ty Dược Glomed và Công ty Dược Euvipharm. Với mức vốn vay bình ổn là 9 tỷ đồng nhưng hiện mỗi doanh nghiệp dược đã tự ứng vốn để sản xuất. Vấn đề ở chỗ doanh nghiệp dược sẽ cung ứng thuốc thế nào để đến tay người bệnh? Theo chương trình, các nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc doanh nghiệp và tư nhân đạt GPP được ưu tiên. Tuy vậy, phần đông các nhà thuốc bán lẻ chú trọng đến lợi nhuận, trong khi bán hàng bình ổn giá chưa chắc lời nhiều. Đó là không loại trừ các nhà thuốc không thực hiện cam kết khi được mua giá rẻ và bán giá cao kiếm lời. Đáng ngại hơn là các hệ thống nhà thuốc, các công ty phân phối dược phẩm thu gom thuốc bình ổn giá và tuồn về các địa phương hoặc bán lại kiếm lời mà không kiểm soát được! Còn đặt vấn đề lập ra các điểm bán lẻ thuốc bình ổn giá, theo các chuyên gia y tế thì không khả thi, bởi thuốc là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi bảo quản đúng quy định về vệ sinh, nhiệt độ.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên