Bầu cử Mỹ 2020: Màn "so găng nảy lửa" giữa hai ứng cử viên tổng thống

Cập nhật: 30-09-2020 | 14:06:51

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden (trái) tại vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump của đảng Cộng hòa và cựu Phó Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ đã kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên tại hội trường của Đại học Notre Dame, thành phố Cleveland, bang Ohio.

Trong suốt 90 phút tranh luận, hai chính khách liên tục tranh cãi gay gắt và cắt ngang lời nhau để giành diễn đàn, khiến người điều phối Chris Wallace khá vất vả kiểm soát cuộc tranh luận.

Tòa án Tối cao và việc đề cử thẩm phán Amy Coney Barrett vào vị trí thẩm phán tòa án này sau khi thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời là một trong những chủ đề chính của cuộc tranh luận.

Tổng thống Trump đã bảo vệ quyền bổ nhiệm nhân sự vào vị trí trống này trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, vì đảng Cộng hòa hiện kiểm soát cả Thượng viện và Nhà Trắng. Trong khi đó, ông Biden khẳng định điều này nên được thực hiện sau bầu cử, theo tâm nguyện của cố thẩm phán Ginsburg.

Về đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Tổng thống Trump đã lên tiếng bảo vệ cách thức xử lý của chính quyền đối với dịch bệnh nguy hiểm vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người tại Mỹ. Ông nêu rõ "Chúng tôi đã làm rất tốt" và cho rằng ông Biden "không bao giờ có thể làm tốt hơn."

Về phần mình, cựu Phó Tổng thống Biden tuyên bố rằng nếu trở thành tổng thống, ông sẽ đảm bảo các bệnh viện có đủ trang thiết bị cần thiết để chữa trị bệnh nhân và bảo vệ các nhân viên y tế.

Trong chủ đề kinh tế, trong khi Tổng thống Trump khẳng định ông đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển trước khi đại dịch bùng phát, đối thủ Biden lại cho rằng chính quyền đương nhiệm đã phá hỏng mọi lợi thế mà chính quyền tiền nhiệm để lại.

Ông Trump viện dẫn người dân được hưởng mức lương cao hơn và niềm tin người tiêu dùng tăng cao. Trong khi đó, ông Biden cho rằng ngành sản xuất đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại trong 3 năm đầu tiên ông Trump lên nắm quyền, nhấn mạnh thâm hụt thương mại ngày càng lớn của Mỹ với Trung Quốc.

Theo ông Biden và đảng Dân chủ, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi theo hình chữ K sau đại dịch, nghĩa là người giàu nhất đang được hưởng lợi, trong khi tầng lớp trung lưu và những người nghèo gặp khó khăn.

Hồ sơ thuế cá nhân cũng làm nóng diễn đàn khi ông Biden liên tục gây sức ép yêu cầu Tổng thống Trump công khai hồ sơ thuế. Đương kim tổng thống cho biết ông Biden sẽ thấy được điều đó ngay sau cuộc tranh luận, đồng thời khẳng định ông đã trả hàng triệu USD tiền thuế thu nhập liên bang trong năm 2016 và 2017.

Về phần mình, Tổng thống Trump cũng cáo buộc con trai của ông Biden là Hunter Biden thu lời hàng triệu USD trong làm ăn với các doanh nghiệp Ukraine, Trung Quốc và Nga.

Cuộc tranh luận sau đó chuyển hướng sang vấn đề biến đổi khí hậu khi người điều phối Wallace đặt câu hỏi cho hai ứng cử viên về các vụ cháy rừng tàn phá nhiều khu vực ở Bờ Tây gần đây.

Tổng thống Trump nhắc lại quan điểm rằng cháy rừng bùng phát là do cách quản lý và bảo vệ rừng kém hiệu quả của các chính quyền địa phương, dù các chuyên gia khí hậu cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn tới thảm họa cháy rừng này.

Trong khi đó, ông Biden tuyên bố sẽ thúc đẩy kế hoạch khí hậu riêng, và sẽ đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 nếu đắc cử.

Hai ứng cử viên cũng tranh cãi về chủ đề chia rẽ sắc tộc tại Mỹ vốn làm bùng phát các cuộc biểu tình trên khắp cả nước trong những tháng gần đây. Ông Biden chỉ trích cách ứng phó của chính quyền về vấn đề này cũng như cách xử lý các đám đông biểu tình sau vụ công dân da màu George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát da trắng trấn áp ở thành phố Minneapolis.

Phần cuối cùng của cuộc tranh luận là về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Trong khi ông Biden khuyến khích người dân Mỹ đi bỏ phiếu, Tổng thống Trump lại nhắc lại lo ngại rằng việc bỏ phiếu qua đường bưu điện sẽ dẫn đến "gian lận."

Khi người điều hành Wallace kết thúc cuộc tranh luận bằng việc hỏi hai ứng cử viên có cam kết tôn trọng các kết quả bầu cử hay không, Tổng thống Trump đã lảng tránh câu hỏi này và cho rằng người dân có thể không biết kết quả trong nhiều tháng, đồng thời kêu gọi những người ủng hộ trực tiếp đến các điểm bỏ phiếu và theo dõi chặt chẽ.

Về phần mình, ông Biden trả lời rằng sẽ không tuyên bố chiến thắng cho tới khi kết quả bầu cử được công nhận.

Giới quan sát nhận định trong màn "so găng" đầu tiên này, Tổng thống Trump được đánh giá là giành thế kiểm soát lớn hơn với thời lượng nói nhiều hơn và liên tục cắt ngang lời đối thủ và người điều phối.

Phóng viên Jeff Zeleny của hãng tin CNN nhận định: "Trong một giờ đầu, Tổng thống Trump kiểm soát hoàn toàn những nội dung thảo luận, phát biểu lấn át cả đối thủ và người điều phối mà không bị gián đoạn. Rõ ràng, Tổng thống đang tìm cách giành chiến thắng trước mắt, trong khi ông Biden cố tính toán lâu dài, song có thời điểm ông ấy như biến mất khỏi sân khấu và hoàn toàn im lặng."

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa đương kim Tổng thống Trump và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Biden mở màn cho ba cuộc tranh luận sẽ diễn ra trong giai đoạn nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng 2020 sắp tới.

Theo tiến trình bầu cử, hai chính khách này sẽ tham gia thêm hai cuộc tranh luận trực tiếp, lần lượt diễn ra ở Miami, bang Florida vào ngày 15/10 và ở Nashville, bang Tennessee vào ngày 22/10 trước khi diễn ra ngày bầu cử chính thức 3/11.

Trong khi đó, cuộc tranh luận duy nhất giữa Phó Tổng thống đảng Cộng hòa Mike Pence và ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7/10 tới tại Đại học Utah ở thành phố Salt Lake./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên