Bến Cát: Tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Cập nhật: 12-11-2010 | 00:00:00

“Mỗi khi đi dự họp ngành, tôi thật sự tự ái và bức xúc khi chất lượng giáo dục (GD) huyện nhà cứ nằm “lé đé” gần chót so với các huyện bạn” - lời tự nhận xét này của ông Lục Kim Thanh, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) huyện Bến Cát  thay cho câu  trả lời về chất lượng GD huyện nhà mỗi khi có ai đó đề cập đến. Một vị trưởng phòng đã dám nhìn thẳng vào sự thật, “vạch áo cho người xem lưng”. Mà cũng phải, thấy được những hạn chế mới có biện pháp vực dậy chất lượng. Đó cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm huyện cần làm để vực dậy chất lượng, tạo niềm tin cho xã hội.

Chất lượng tăng không đáng kể

Trước đây, nhiều năm liền Bến Cát có tiếng là huyện có tiến độ xây dựng trường học ì ạch; việc xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng cùng chung tình trạng, đến nay chỉ có 7/52 trường đạt chuẩn quốc gia. Trường lớp không tăng, tất nhiên ảnh hưởng đến chất lượng. Vài năm trở lại đây, việc xây dựng trường lớp ở huyện đã có sự chuyển động, tốc độ xây dựng nhanh hơn. Khi trường lớp đã tạm ổn, kiểm điểm lại thì chất lượng tăng không đáng kể và không ổn định. Hàng năm, số học sinh (HS) giỏi các cấp ở Bến Cát cũng có nhưng còn thấp so với các huyện. Chất lượng đầu vào lớp 10 thấp; 2/3 trường THPT có số HS tốt nghiệp thấp hơn tỷ lệ chung của tỉnh. Cũng do chất lượng GD còn hạn chế nên hiện nay các trường THCS: Thới Hòa, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa chưa thể công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong năm nay.

 

Vẫn có nhiều GV tiểu học tận tụy với HS

Ông Thanh nhận định, chất lượng không tăng do nhiều nguyên nhân, mặc dù ngành đã thực hiện nhiều biện pháp. Nguyên nhân trước tiên là, 10 năm nay đội ngũ giáo viên (GV) qua nhiều nguồn đào tạo; lương thấp nên GV không toàn tâm toàn ý với nghề nghiệp. Một số GV có tư tưởng an phận, không chịu tự học, tự rèn, không đổi mới phương pháp giảng dạy. Một nguyên nhân khác là phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em. Thêm nữa, do là huyện công nghiệp nên HS cơ học tăng quá nhanh so với dự báo, có năm tăng 600 - 700 em, trong khi trường lớp không phát triển kịp, dẫn đến quá tải, kéo theo chất lượng không bảo đảm. Ban giám hiệu trường tiểu học Mỹ Phước than thở, trường vừa được xây dựng giai đoạn 2, vậy mà năm học này tiếp tục quá tải, có lớp lên đến 50 HS. Hay như trường tiểu học Trần Quốc Tuấn, dù đã đạt chuẩn quốc gia nhưng ở một số lớp sĩ số HS từ 40 - 45 em.

Biện pháp nâng cao chất lượng

Để vực dậy chất lượng GD phát triển ngang tầm với một huyện công nghiệp, ngành GD-ĐT huyện đã tính đến việc xây dựng đề án nâng cao chất lượng GD-ĐT, giai đoạn 2010-2015. Đối với ngành học mầm non, đến năm 2015, phấn đấu 100% trường mầm non - mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia, huy động 100% trẻ 5 tuổi theo lớp bán trú. Ngành cũng chú trọng tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho GV. ở bậc tiểu học, nhiệm vụ trước tiên là phối hợp với các ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất ở các địa bàn. Cán bộ quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc làm thay đổi chất lượng, thế nên Phòng GD-ĐT tăng cường bồi dưỡng đội ngũ này bằng các hình thức như: chọn cử hiệu trưởng các trường tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn kiến thức quản lý trường học; chọn cử GV có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn vững đề bạt đi học các lớp cán bộ quản lý nhằm bồi dưỡng và định hướng xây dựng đội ngũ kế cận. Điều động cán bộ quản lý các trường tham gia thanh, kiểm tra, qua đó giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, đề ra hướng chỉ đạo mới cho đơn vị mình. Phối hợp tốt giữa nhà trường -gia đình - địa phương trong quản lý, GD HS. Đẩy mạnh phong trào thi đua “hai tốt”. Có biện pháp tích cực nâng cao chất lượng dạy học đối với HS đầu cấp và lớp 5 cuối cấp. Nâng cao chất lượng GV giỏi, tăng GV giỏi...

Ông Lục Kim Thanh cho biết, nhiệm vụ ở bậc THCS từ nay đến năm 2015 cũng khá nặng nề đối với ngành. Trước tiên, ngành sẽ rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý; xây dựng đội ngũ này tận tâm, thạo việc, có năng lực thực sự. Tăng cường bố trí đội ngũ GV các trường để có đủ GV thực hiện GD toàn diện, tổ chức đánh giá GV theo chuẩn nghề nghiệp quy định. Đẩy mạnh áp dụng đổi mới phương pháp dạy. Phấn đấu đến năm 2015 có 80% GV sử dụng thành thạo công nghệ thông tin. Tăng cường thanh tra về áp dụng đổi mới phương pháp dạy và đánh giá chất lượng học tập của HS. Đối với HS, ngành sẽ tổ chức đánh giá 2 năm một lần ở môn văn và toán. Thực hiện kiểm định chất lượng GD tất cả các trường. Đầu tư xây dựng 1 trường “tạo nguồn” chất lượng cao. Ngoài ra, ngành còn có kế hoạch kết hợp có hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong GD HS; có những biện pháp cụ thể để giảm tỷ lệ HS nghỉ bỏ học, HS yếu kém...

HỒNG THÁI

 

Theo Nghị quyết Đại hội Huyện Đảng bộ lần IX, phấn đấu đến năm 2015: 100% GV mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn, trong đó trên 45% đạt trên chuẩn. Duy trì đạt chuẩn quốc gia về chống mù chữ, phấn đấu đạt 90% số đơn vị cơ sở hoàn thành phổ cập bậc trung học; huy động trẻ độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 98 - 100%, trẻ 6 tuổi vào lớp một đạt 100%; tỷ lệ HS lên lớp và tốt nghiệp các cấp đạt 90 - 95%; phát triển 1 trường THCS trên địa bàn thị trấn Mỹ Phước và tách các trường THCS ra khỏi THPT; tiếp tục phấn đấu xây dựng có 70% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia.

Trường THCS Thới Hòa đã được xây dựng mới khá quy mô, nay chỉ còn tập trung nâng cao chất lượng để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X