Bệnh lao: Cần tích cực điều trị

Cập nhật: 01-04-2010 | 00:00:00

Mặc dù mạng lưới phòng chống lao đã được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh và nhiều biện pháp đã được thực hiện nhưng hàng năm, số bệnh nhân lao (BNL) mới và số BNL tái điều trị vẫn còn ở mức cao. Để điều trị bệnh lao hiệu quả còn đòi hỏi sự hợp tác của người bệnh và gia đình, đặc biệt phải kiên trì, tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ...

Bác sĩ Nguyễn Văn Lục, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết, tỷ lệ điều trị bệnh lao khỏi cao nếu như bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi có các triệu chứng như nóng sốt về chiều hoặc đêm, ho kéo dài dùng các thuốc kháng sinh thông thường bệnh không thuyên giảm, có cảm giác lạt miệng, đắng miệng, ăn không ngon thì phải nghĩ đến nguy cơ mắc bệnh lao và nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Nếu để bệnh diễn biến kéo dài, bệnh nhân sẽ giảm trọng lượng, suy kiệt rất nhanh và sẽ khó khăn hơn trong việc điều trị.

Khi đã được chẩn đoán phát hiện có bệnh thì đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì tuân thủ nguyên tắc điều trị của bác sĩ. Cụ thể, bệnh nhân phải uống thuốc đủ liều, đủ thời gian (8 hoặc có khi đến 10 tháng) nếu không sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc, khi thuốc không còn tác dụng sẽ dẫn đến tử vong. Người bệnh phải ăn uống bồi dưỡng để nâng cao thể trạng, tránh lao động nặng nhọc, tránh thức khuya dậy sớm, không hút thuốc, uống rượu. Đối với BNL điều trị ngoại trú phải ý thức phòng tránh lây lan bệnh cho người thân và cộng đồng bằng cách không khạc nhổ bừa bãi, không ngủ chung với người lành...

BNL phổi (chiếm khoảng 80% các thể lao) xét nghiệm có vi khuẩn trong đàm soi trực tiếp nếu không được điều trị lành sẽ là nguồn lây nhiễm chính và mỗi BNL này có thể lây nhiễm cho hàng chục người lành.

Trong năm 2009, khoa Nhiễm (BVĐK tỉnh) đã tiếp nhận điều trị hơn 1.000 BNL, là những BNL nặng, suy kiệt. Mặc dù chưa có thống kê chính xác nhưng theo bác sĩ Lục thì số BNL tái phát còn chiếm tỷ lệ cao.

Điều trị bệnh lao phải đều đặn, liên tục đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì nhưng trên thực tế có nhiều bệnh nhân bỏ điều trị nửa chừng mặc dù thuốc điều trị hoàn toàn miễn phí. Vấn đề này do nhiều nguyên nhân, đa phần BNL là người lao động nghèo phải đi làm kiếm tiền, hoặc do chích thuốc đau...

Điều trị bệnh lao và phòng chống lao lây lan trong cộng đồng là một công việc hết sức khó khăn không của riêng ngành y tế mà đang là vấn đề của toàn xã hội. Mỗi tổ chức, cá nhân cần chia sẻ, giúp đỡ để người bệnh lao được chăm sóc tốt hơn.

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên