Bệnh rụng lá cao su do nấm Corynespora đã giảm mạnh

Cập nhật: 21-12-2010 | 00:00:00

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh (BVTV), cho đến nay diện tích cao su (CS) nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh chỉ còn hơn 4.200 ha, giảm hơn 1.500 so với tháng 11. Tỷ lệ nhiễm trên mỗi diện tích cũng đã giảm mạnh, từ 20 - 30% xuống còn từ 3 - 10%. Các huyện Tân Uyên, Bến Cát, Phú Giáo là các địa bàn có diện tích CS nhiễm bệnh giảm nhiều nhất.

Với những diện tích CS đã hết bệnh, sản lượng mủ đang tăng dần và ổn định. Với những người trồng CS, trong thời điểm hiện nay vườn cây hết bệnh là một niềm vui lớn vì thu nhập của họ đang dần được khôi phục trở lại. Chị Hoa ngụ tại xã An Linh, huyện Phú Giáo cho biết: “Khi vườn cây nhà tôi bị nhiễm bệnh thì sản lượng mủ giảm đi nhiều. Nhờ áp dụng đúng chế độ phun xịt và xịt đúng thuốc mà hiện nay vườn cây nhà tôi đã khỏi bệnh và sản lượng mủ cũng đã tăng trở lại. Tuy chưa thể khôi phục lại như trước đây nhưng giá mua mủ cao cũng đã bù lại phần nào thu nhập bị hao hụt do dịch bệnh. Niềm vui của chị Hoa cũng là niềm vui chung của nhiều người trồng CS. Nếu như nhìn vào thời điểm cách đây vài tháng khi mà bệnh bùng phát mạnh, người trồng CS tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức mà dịch bệnh vẫn không thấy giảm thì hiện nay họ vui là điều đương nhiên. Anh Hùng ngụ tại xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên chia sẻ kinh nghiệm phòng bệnh như sau: “Vườn cây của tôi hết bệnh là do tôi áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ, bón kali, thực hiện chế độ cạo hợp lý... Tuy là đã hết bệnh nhưng chúng tôi vẫn rất lo dịch bệnh có bùng phát trở lại hay không. Nếu bùng phát khi mà giá mủ cao như hiện nay thì quả thật năm nay là một năm vất vả của người trồng CS”.

 

Nhiều diện tích cao su hết bệnh đang khôi phục lại sản lượng mủ

Ông Nguyễn Phong Huy - Trưởng phòng BVTV, Chi cục BVTV Bình Dương cho biết, đơn vị này tiếp tục kiểm tra và giám sát các diện tích CS còn bị nhiễm bệnh, tăng cường phun xịt để xử lý dứt điểm. Cũng theo ông Huy, có được những kết quả khả quan trong công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua là do có sự tham gia giám sát chặt chẽ của các cơ quan chuyên môn cũng như ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân được nâng cao. Và vấn đề cơ bản là các cơ quan chuyên môn đã tìm ra khoảng 5 - 6 loại thuốc đặc trị phun luân phiên trên các diện tích CS nhiễm bệnh để tránh tình trạng kháng thuốc như phun 1 loại thuốc trước kia.

Hiện nay nhiều diện tích CS bị nhiễm bệnh đang hồi phục sản lượng mủ. Tuy nhiên với những vườn cây này, mặc dù mủ được giá, người dân cũng nên có chế độ cạo hợp lý để cho cây phát triển mạnh và không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng về sau. Cần tính toán đến các biện pháp chăm sóc, bón phân để tăng cường sức đề kháng cho cây và đối phó với các loại bệnh khác.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên