Bệnh sốt xuất huyết điều trị nội trú vẫn còn tăng

Cập nhật: 30-07-2019 | 05:54:41

 Không chỉ tại Bình Dương, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng tại các tỉnh, thành phía Nam làm cho lượng bệnh nhập viện cũng tăng cao, quá tải. Ngành y tế đang tiến hành phun thuốc dập dịch chủ động tại một số “điểm nóng” để hạn chế ca bệnh tăng cao trong thời gian tới...

 Chủ động dập dịch

Trong tuần qua và tuần này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ phối hợp với Trung tâm Y tế một số huyện, thị và các địa phương - nơi có ca bệnh tăng cao trong thời gian gần đây để tiến hành phun thuốc diện rộng, chủ động dập dịch SXH. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, phụ trách Khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết trong đợt 1 sẽ phun dập dịch chủ động tại 10 điểm ở 4 địa phương, gồm: TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên và TX.Bến Cát. “Đây là những điểm ghi nhận ca bệnh SXH trong thời gian gần đây tăng rất cao và dai dẳng. Qua khảo sát tại những điểm này cho thấy, đàn muỗi và sự phát triển sau những cơn mưa khá nhiều, nên chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo tổ chức phun thuốc diện rộng, chủ động diệt muỗi nhằm làm giảm mật độ muỗi và ca bệnh đang tăng trong khoảng 4 tuần gần đây...”, bác sĩ Mỹ nói.


Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi bị SXH tại phòng cấp cứu Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Khu phố 2, phường Tân Định, TX.Bến Cát là một trong những “điểm nóng” được tổ chức phun thuốc diện rộng trong đợt này. Ông Nguyễn Minh Hùng, phụ trách phòng chống SXH, Phó trưởng trạm Y tế phường, cho biết toàn phường ghi nhận 21 ca SXH, trong đó ở khu phố 2 có 12 ca, với 7 ổ dịch nhỏ. “Mùa mưa đến, lượng bệnh SXH trên địa bàn được ghi nhận tăng cao, trong đó tập trung chủ yếu tại khu phố 2. Đây là địa bàn có nhiều khu nhà trọ. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường sạch sẽ để phòng, chống bệnh SXH nhưng bệnh vẫn tăng trong thời gian gần đây do mùa mưa đến, nhiều vật dụng chứa nước không được vệ sinh định kỳ là môi trường để muỗi sinh sản, phát triển. Bên cạnh đó, nhiều người ở trọ đi làm cả ngày, ít quan tâm đến việc vệ sinh, diệt muỗi, diệt lăng quăng nên muỗi còn nhiều và làm lây truyền bệnh...”.

Theo chân đoàn phun thuốc diện rộng tại khu phố 2, phường Tân Định vào cuối tuần qua, chúng tôi ghi nhận nhiều nhà trọ vẫn còn đóng cửa dù đã 17 giờ chiều. Nhiều người ở trọ đi làm chưa về, nên phòng thì mở cửa, phòng vẫn đóng cửa. Với những phòng đóng cửa, người đi phun thuốc không thể đưa máy để phun hóa chất vào bên trong diệt muỗi được. Do đó, muỗi vẫn sống trong những phòng này và có thể sẽ truyền bệnh SXH trong thời gian tới.

Bệnh nhập viện cao

Ngày cuối tuần, đến Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chúng tôi cảm giác ngột ngạt hơn bởi lượng bệnh khá đông. Dù là ngày chủ nhật nhưng lượng bệnh điều trị nội trú tại khoa vẫn cao với 210 ca bệnh, trong đó bệnh do SXH có 45 ca. Phòng cấp cứu của khoa có đến 13 bé SXH đang nằm điều trị, một số bé phải thở bằng máy. Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết trong mấy tuần trở lại đây lượng bệnh nhi nhập viện điều trị SXH tăng rất cao và đáng lo ngại là có nhiều ca bệnh nặng. Có những ngày, bệnh nhân SXH điều trị nội trú tại khoa hơn 60 ca. Ngoài SXH, khoa còn điều trị nhiều bệnh khác nên luôn trong tình trạng quá tải. Dù mệt mỏi, nhưng các y, bác sĩ đều phải làm việc hết sức cật lực mới bảo đảm được tiến độ công việc. “SXH tăng nhanh chỉ sau vài cơn mưa đầu mùa, kéo theo đó là SXH thể nặng cũng tăng. Bệnh tăng, khoa còn tiếp nhận thêm nhiều trường hợp bệnh nặng từ tuyến huyện và các bệnh viện tư nhân chuyển lên... nên khoa luôn trong tình trạng quá tải. Mong sao người dân chú ý hơn trong việc diệt lăng quăng, diệt muỗi ngay tại nhà mình để tự phòng bệnh SXH cho bản thân và gia đình...”, bác sĩ Nguyệt nói.

Theo Sở Y tế, hiện nay số ca SXH Dengue có dấu hiệu tăng lên tại một số địa phương. Để bảo đảm cung ứng đủ thuốc phòng bệnh và điều trị bệnh SXH, Sở Y tế đã đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc đóng trên địa bàn phải có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu điều trị, đặc biệt bảo đảm cơ số thuốc; hóa chất khử trùng, diệt khuẩn và các thuốc phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo các hướng dẫn chẩn đoán điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc. Các đơn vị liên quan phải kịp thời báo cáo về Sở Y tế trong trường hợp có nguy cơ thiếu thuốc phục vụ công tác phòng và điều trị SXH.

Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc chủ động lập kế hoạch mua sắm thuốc, cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật để phục vụ công tác chẩn đoán điều trị bệnh SXH và liên hệ với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để bảo đảm thuốc trong công tác chữa bệnh.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên