Bệnh sốt xuất huyết ở người lớn ngày càng gia tăng

Cập nhật: 07-09-2011 | 00:00:00

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) Bình Dương, tính đến hết tháng 8 năm nay, toàn tỉnh có 1.843 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng gấp 2,1 lần so cùng kỳ năm trước, trong đó có đến 1.117 ca SXH ở người lớn (chiếm 61% so tổng số người bệnh SXH), đã có 3 ca (là người lớn) tử vong.

Khoa Nội 1 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh quá tải!

 Bác sĩ Phan Văn Tiếng, Trưởng khoa Nội 1 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Một tuần khoa Nội 1 tiếp nhận bình quân 100 ca SXH người lớn. Riêng ngày 30, khoa nhận 45 ca. Khoa có 100 giường, cao điểm phải kê thêm 90 ghế xếp, kê cả trước nhà vệ sinh. Hơn 80% bệnh nhân SXH đều là công nhân nhập cư từ miền Bắc vào và đang ở nhà trọ, điều kiện sống, sinh hoạt chật chội, ẩm thấp; quần áo sạch, bẩn treo chung, là nơi muỗi trú ẩn”.

 Điều dưỡng nhắc nhở các bệnh nhân SXH dinh dưỡng tốt và uống nước thật nhiều để mau khỏe

Em Lương Chí Linh, công nhân ở KCN Mỹ Phước 3, 27 tuổi vừa nhập viện cho biết: “Em bị sốt cao liên tục, uống thuốc không bớt. Đến đây xét nghiệm, em mới biết bị SXH”. Khổ nhất là Lương Văn Hà, 36 tuổi, ở Thái Hòa, Tân Uyên, bị sốt rồi lây sang 2 con gái 2 và 5 tuổi. Cha trước, con sau lần lượt nhập viện. Vợ bận chăm con nhỏ ở nhà. Hà cứ chạy lên chạy xuống từ Nội 1 đến khoa Nhi vừa nằm viện, vừa chăm sóc con gái.

Cần cảnh giác cao với bệnh SXH người lớn

Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Phòng bệnh - TTYTDP cho biết: “Việc người lớn mắc SXH, cho đến nay vẫn chưa thể lý giải được. Có thể do một số người lớn chưa được miễn dịch. Trẻ em khi bị nhiễm siêu vi trùng Dengue gây bệnh SXH, nên sẽ được miễn dịch khi trưởng thành”.

Bác sĩ Tiếng cho biết thêm: “Những bệnh do siêu vi, thường các bác sĩ không tiên đoán và phòng ngừa được những biến chứng. Ngay khi nhập viện, người bệnh vẫn có thể gặp tình trạng sốc, trụy tim mạch, xuất huyết. Nhưng nhập viện sớm, các bác sĩ có thể theo dõi và can thiệp kịp thời. Nhưng dân mình có thói quen mua thuốc tự điều trị, đi bác sĩ tư nhân, không điều trị đúng phác đồ, nên một số trường hợp đưa đến bệnh viện thì đã muộn.  Do đến nay SXH vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phác đồ điều trị SXH người lớn và trẻ em cũng khác nhau. Bởi có khả năng chịu đựng tình trạng mất nước nên người lớn cần truyền dịch với tốc độ chậm và khối lượng dịch truyền ít hơn so với trẻ em. Nếu truyền dịch ồ ạt trong thời gian đầu, đến khi gặp các trường hợp sốc, trụy tim mạch, hệ tuần hoàn quá tải, sẽ dẫn đến tình trạng cơ thể phù nề, còn nguy hiểm hơn cả căn bệnh SXH. Người lớn bị bệnh SXH, thường bị xuất huyết nhiều hơn; đã có 1% bệnh nhân xuất huyết não dẫn đến tử vong”.

Người lớn vẫn cần quan tâm

Hiện nay, các bệnh viện từ tuyến tỉnh, huyện, thị đều có đầy đủ thuốc men, nhân lực để điều trị bệnh SXH đặc biệt là SXH người lớn; song bệnh nhân vẫn đổ xô về tuyến tỉnh, khiến khoa Nội 1 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh quá tải, về cả cơ sở vật chất và nhân lực.

Khi hỏi về công tác phòng chống dịch, bác sĩ Lương Hồng Lê, Giám đốc TTYTDP tỉnh cho biết: “Để phòng chống SXH trong mùa cao điểm vào các tháng cuối năm, TTYTDP tỉnh vừa thành lập Đội Giám sát phòng chống dịch SXH và tổ chức đợt phun thuốc diện rộng trong phạm vi toàn tỉnh từ ngày 22-8 đến hết tháng 9-2011. Đồng thời kết hợp chặt với TTYT huyện, thị, ngành giáo dục phòng chống bệnh trong nhà trường, toàn cộng đồng, đặc biệt quan tâm bệnh SXH ở người lớn”.

Qua thực trạng người lớn bị mắc SXH và tử vong nhiều hơn trẻ em, cần phải báo động về việc người lớn chủ quan, hoặc thiếu hiểu biết trong chăm sóc sức khỏe bản thân. Đã đến lúc mỗi người hãy thay đổi hành vi tự điều trị bệnh một cách tai hại, để bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe bản thân và gia đình.

B.ANH

Nhằm tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè khác, Cục Y tế Dự phòng và Phòng chống HIV/AIDS vừa thông báo 4 biện pháp khẩn cấp phòng chống:

1. Diệt muỗi và bọ gậy: Loại bỏ dụng cụ chứa nước đọng, thau rửa thường xuyên như lu khạp, bể chứa nước để diệt bọ gậy hàng ngày.

2. Thường xuyên diệt muỗi bằng nhiều cách đốt hương, dùng bình xịt, phun hóa chất, vệ sinh môi trường sạch sẽ, phát quang bụi rậm quanh nhà ở, chuồng gia súc.

3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch; giếng bể nước phải giữ sạch không cho gia súc gia cầm gây ô nhiễm nguồn nước. Tiệt trùng nước sinh hoạt bằng Chloramin B với liều 1 viên 0,25g cho 25 lít nước (hoặc 1/3 thìa canh bột Chloramin cho 300 lít). Mỗi gia đình có 1 nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi bừa bãi.

4. Khi có dấu hiệu sốt cao chưa rõ nguyên nhân, tiêu chảy cấp, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên