Suy thận (ST) là một bệnh khá phổ biến. Phần lớn các bệnh nhân (BN) không có triệu chứng gì rõ ràng cho đến khi thận đã yếu trầm trọng. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, BN thường không biết là mình bị yếu thận. Khi chức năng của thận đã suy kiệt đến giai đoạn cuối cùng, thì BN phải chạy thận nhân tạo hoặc thay thận.
Bác sĩ Huỳnh Trần Dương Giới, Phó trưởng Khoa chăm sóc tập trung Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, những người bị ST mãn phải chạy thận nhân tạo mỗi tuần 2 lần. Chi phí khoảng 600.000 đồng/lần. Nếu BN có bảo hiểm y tế thì đồng chi trả khoảng 200.000 đồng. Khoản chi phí này không hề nhỏ, khi phải tốn thêm chi phí đi lại, ăn uống nếu BN ở xa. Vì vậy, ngoài sự suy kém về sức khỏe vì dễ mắc phải các bệnh khác như các bệnh về tim mạch, chẳng hạn tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim... thì những người bệnh ST rất tốn kém về phương diện kinh tế.
Khi bị ST mãn tính, BN phải chạy thận nhân tạo rất tốn kémHai quả thận là những cơ quan bài tiết quan trọng trong cơ thể. Qua hệ thống tuần hoàn, những chất dơ trong máu như chất urê được thận lọc ra từ máu thành nước tiểu và thải ra ngoài cơ thể qua niệu quản và bàng quang. Ngoài tác dụng lọc máu, thận cũng tiết ra những chất hoóc-môn quan trọng trong sự chuyển hóa của xương, sản xuất hồng huyết cầu và nhiều tác dụng khác để giữ một môi trường điều hòa trong cơ thể. Vì vậy, khi bị yếu thận, môi trường ổn định này bị xáo trộn vì những chất hoóc-môn này không được tiết ra nữa. Thêm vào đó, những chất dơ trong máu sẽ ứ đọng lại trong cơ thể vì không được bài tiết ra ngoài. Kết quả là BN sẽ có những triệu chứng ST.
Theo bác sĩ Giới, có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh ST. Có thể được chia ra làm hai loại: ST cấp tính và ST mãn tính. Sự phân biệt này là hoàn toàn dựa vào thời gian từ lúc BN bắt đầu bị bệnh đến lúc bệnh được chẩn đoán. Nếu thời gian này nhiều hơn 3 tháng thì được gọi là mãn tính hoặc kinh niên.
BN bị ST thường thì không có triệu chứng gì cả cho đến khi chức năng của thận chỉ còn khoảng 10 - 15%. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, BN thường không biết mình bị yếu thận. Những triệu chứng mà BN có thể cảm thấy gồm có ói mửa, biếng ăn, mệt mỏi, phù thủng tay chân, cao huyết áp và ngứa ngáy toàn cơ thể. Một số BN sẽ có huyết niệu (tiểu ra máu) hoặc protein niệu (nước tiểu có chất đạm) khi khám nước tiểu. Ngoài ra, BN cũng có thể thấy lượng nước tiểu giảm đi và họ sẽ đi tiểu ít đi... Và triệu chứng của bệnh ST mãn lại kín đáo hơn. BN thường chỉ có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, không muốn ăn, thiếu máu. Nếu không để ý, BN sẽ không đi khám bệnh và bỏ qua các triệu chứng này.
Vì không có triệu chứng rõ ràng nên cách duy nhất để chẩn đoán bệnh ST là thử nghiệm máu và nước tiểu. Khi thử nghiệm máu, thì mức độ của những chất dơ như urê sẽ cao hơn bình thường. Sau khi đã khám biết BN bị ST, bác sĩ có thể sẽ cho BN chụp siêu âm thận hoặc chụp quang tuyến tùy theo nguyên do ST. Cuối cùng là bác sĩ có thể làm “chọc thận” (kidney biopsy) tức sinh thiết để thử nghiệm tế bào thận hầu truy tìm nguyên nhân chính xác.
Để phòng ngừa ST mãn, khi bị nhiễm trùng đường tiểu phải đi khám và điều trị đúng cách; tránh bị sạn thận bằng cách uống nước nhiều. Khi bị sạn thận (cũng có thể gây ra nhiễm trùng đường tiểu) phải điều trị ngay để không gây bế tắc. Uống đủ nước để duy trì lượng nước tiểu, khoảng 1,5 lít/ngày. Không nên ăn quá nhiều đạm động vật, vì ăn nhiều đạm sẽ làm thận phải hoạt động nhiều hơn. Tránh ăn mật cá, mật rắn, tránh để nhiễm trùng, nhiễm độc... Những người làm việc trong môi trường nóng nực, tập thể thao, lao động nặng nên uống nhiều nước hơn. Khi BN có bệnh cao huyết áp, tiểu đường... cần tuân thủ điều trị thuốc và thực hiện chế độ ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ. Với những người chỉ còn một quả thận, tuyệt đối tránh các biến chứng do những bệnh khác gây ra. Đồng thời, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm các bệnh lý về thận.
THU THẢO