Bệnh tăng huyết áp: Những vấn đề cần quan tâm

Cập nhật: 09-12-2011 | 00:00:00
Bài 1: Tình hình chung về bệnh tăng huyết áp và phòng bệnh tại cộng đồngBài 2: Hãy chủ động đo huyết áp định kỳ

Một khảo sát ngẫu nhiên nhằm đánh giá tình hình tăng huyết áp (THA) ở người trên 25 tuổi tại Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Nghệ An cho thấy tần suất THA đã tăng đến 16,3%; tỷ lệ THA ở thành thị là 22,7% so với vùng nông thôn là 12,3%. Kết quả điều tra quốc gia về THA do Viện Tim mạch triển khai ở 8 tỉnh và thành phố trong cả nước năm 2008 cho thấy tỷ lệ THA ở người lớn Việt Nam trên 25 tuổi đã là 25,1%.  Hãy chủ động theo dõi huyết áp của mình      (Ảnh minh họa)

Nhiều người bị THA nhưng không hề hay biết mình đang mang bệnh trong người. Một minh chứng cho điều này là kết quả khám sàng lọc THA tại 96 quận/huyện thuộc 16 tỉnh, thành trong cả nước của Dự án Phòng chống THA trong 2 năm 2009-2010: trong số 71.972 người đến khám có 35.860 người được phát hiện THA, chiếm tỷ lệ 49,8%.

Nói về nguyên nhân mắc bệnh THA, T.S - B.S Nguyễn Quang Tuấn, Viện Tim mạch Việt Nam, cho biết trên 90% các trường hợp THA vẫn chưa biết được nguyên nhân. THA không rõ nguyên nhân, người ta gọi là bệnh THA tiên phát. Khoảng dưới 10% các trường hợp THA có nguyên nhân gọi là THA thứ phát như: Bệnh nhu mô thận, gồm có suy thận cấp, suy thận mãn, sau ghép thận, chạy thận nhân tạo chu kỳ; Bệnh mạch máu: hẹp động mạch thận, hẹp eo động mạch chủ, bệnh Takayashu (hẹp động mạch nhiều nơi); các bệnh về nội tiết: hội chứng Cushing, cường Aldosterone (Hội chứng Conn), u tủy thượng thận, cường giáp và cường tuyến cận giáp; THA do tác dụng phụ của thuốc, như thuốc co mạch, thuốc giữ muối nước (ví dụ prednisone, aldosterone). Đáng mừng là hầu hết các trường hợp THA đều có thể chữa trị được.

Một số lưu ý: Ðàn ông dễ THA hơn phụ nữ. Tuy vậy, phụ nữ sau khi mãn kinh, cũng dễ THA hơn lúc còn kinh. Tiểu đường và THA như “đôi bạn thân”, hay đi đôi với nhau, lại cùng nhau phá hoại tim và thận mạnh hơn. Các khảo cứu cho thấy rượu uống nhiều và thường xuyên có thể đưa đến THA, đồng thời cũng làm tăng tỷ lệ bị tai biến mạch máu não và bệnh thận. Ðời sống thiếu vận động dễ gây béo phì và đưa đến THA.

Để kiểm soát tốt huyết áp, căn bản là phải điều chỉnh lối sống: Tăng cường hoạt động thể lực, tránh lối sống tĩnh tại, tập luyện thể dục nhẹ nhàng, làm việc có nghỉ ngơi và thư giãn hợp lý; tránh giận dữ, căng thẳng, ăn uống điều độ, giảm lượng muối trong khi nấu nướng, hạn chế dùng thêm muối hoặc nước chấm trong bữa ăn, tránh uống bia rượu và thuốc lá, giảm cân và giữ trọng lượng cơ thể hợp lý. 

Người trưởng thành có huyết áp bình thường nên kiểm tra huyết áp mỗi năm một lần. Những người có yếu tố nguy cơ như: bệnh nhân đái tháo đường, người béo phì mức độ nặng... cần đo huyết áp thường xuyên hơn, khoảng 6 tháng/lần. Người từ 40 tuổi trở lên, nên đo huyết áp 2 - 3 tháng/lần. Người có biểu hiện của THA (được xác định là THA khi huyết áp có mức cao nhất (gọi là huyết áp tâm thu) lớn hơn 14 và mức thấp nhất (huyết áp tâm trương) lớn hơn 9) cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên hơn, khoảng 1 - 2 lần/tháng. Ngoài ra, cần kiểm tra định kỳ hàng năm các yếu tố nguy cơ: xét nghiệm kiểm tra đường máu, cholesterol máu, chức năng thận, điện tâm đồ. (Còn tiếp)

Tâm Ngọc

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=340
Quay lên trên