Bệnh tay - chân - miệng: Tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống

Cập nhật: 26-07-2011 | 00:00:00

Bệnh tay - chân - miệng (TCM) tăng cả số ca mắc và số tử vong nhiều so cùng kỳ. Song nhờ toàn ngành thực hiện mục tiêu: Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ca bệnh, cách ly kịp thời. Hạn chế số mắc và chết, không để dịch lây lan, kéo dài và tăng cường các biện pháp truyền thông phòng chống, hiện bệnh TCM ở Bình Dương đã giảm..

   Hướng dẫn bé rửa tay đúng cách trước khi ăn ở các trường mẫu giáo885 ca mắc, 6 tử vong

Theo Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh cho biết tính từ đầu năm đến giữa tháng 7-2011, toàn tỉnh có 885 ca mắc và 6 ca tử vong. Huyện, thị có số trường hợp mắc nhiều nhất là TX.Thuận An 241 ca, không tử vong; TX.Dĩ An 187 ca, tử vong 3; TX.TDM 154 ca, không tử vong; Tân Uyên 116 ca, không tử vong; Bến Cát 114 ca, tử vong 3; Phú Giáo 50 ca, không tử vong; Dầu Tiếng 23 ca, không tử vong. Các địa bàn đều có số ca mắc tăng nhiều so cùng kỳ. Và số tử vong như vậy là quá nhiều, đáng báo động.

Nhờ tăng cường các biện pháp giám sát bệnh, xử lý ổ dịch, tuyên truyền, tập huấn phòng chống, qua số liệu báo cáo 2 tuần đầu tháng 7-2011, bệnh TCM đã giảm mạnh. Vào tháng 6, các huyện trọng điểm, TX.Thuận An, tuần nào cũng có từ 24 - 37 ca, đến tháng 7, số ca mắc đã giảm mạnh, 2 tuần đầu tháng 7 chỉ còn 6 - 12 ca/tuần; TX.Dĩ An vào tháng 6, mỗi tuần có từ 19 - 27 ca, đến tháng 7, tuần đầu 4 ca, tuần thứ 2 giảm còn 2 ca; TX.TDM từ 13 - 19 ca/tuần, đến tháng 7 không có trường hợp nào mắc bệnh. Các huyện khác số ca mắc cũng giảm dần, đến chỗ không còn ca nào.

  Khám phát hiện bệnh TCM tại cơ sở y tế

Đặc biệt, ngành y tế đã tăng cường điều tra, truy tìm 100% ổ dịch, xử lý, dập tắt triệt để ổ dịch. Và thực hiện tốt công tác giám sát từng ca bệnh, hạn chế lây lan ra cộng đồng, giảm biến chứng nặng, gây tử vong.

Cùng với ngành y tế, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí kịp thời cho việc in ấn pa-nô, áp phích, tờ rơi, mua hóa chất. Và chính nhờ vậy, bệnh TCM ở Bình Dương đã “hạ nhiệt.”

Truyền thông đến tận trường, phòng bệnh tận nhà, truy tìm 100% ổ dịch

 TX.Thuận An là nơi có số bệnh nhân cao nhất tỉnh. Khi chúng tôi hỏi nguyên nhân, bác sĩ CK II Dương Thành Mỹ, Phó Giám đốc TTYT TX.Thuận An cho biết: “Trong số 268 ca, có đến 268 ca ở độ tuổi 1 - 2. Và tập trung ở các nhóm trẻ đi nhà trẻ tư thục. Cha mẹ làm công nhân suốt và ở nhà trọ, ít tiếp xúc với các phương tiện truyền thông. Cả phụ huynh và các nhóm trẻ đều hiểu biết về vệ sinh phòng dịch kém. Các cháu ở độ tuổi quá nhỏ chưa hiểu về vệ sinh. Các nhà trẻ chưa quan tâm, chưa biết đến công tác cách ly phòng bệnh cho bé. Đây chính là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, làm số mắc bệnh Thuận An cao”. Bác sĩ Mỹ cho biết: Sau khi bệnh TCM bùng phát vào tháng 6, TTYT TX.Thuận An đã tích cực thực hiện chiến dịch giám sát, xử lý ổ dịch, truyền thông phòng chống dịch bệnh TCM trên địa bàn. Đến tháng 7 thì bệnh đã giảm nhiều”.

Còn ở TX.Dĩ An, nơi tuy có số ca mắc ít hơn TX.Thuận An, nhưng số ca tử vong đến 3 em, cao nhất tỉnh, thì công tác phòng chống dịch ra sao? Bác sĩ CKI Đỗ Việt Hùng, Phó Giám đốc TTYT TX.Dĩ An cho biết: “Tính từ đầu năm, đến giữa tháng 7-2011, Dĩ An có 185 ca mắc (cao gấp 18,5 lần so năm 2010), có 3 ca tử vong (1 ở trường mẫu giáo tư thục Hoàng Oanh, 1 ở nhà dân, ở phường Đông Hòa và 1 ca ở trường tư thục Hoa Ngọc Lan, phường Tân Bình). Cả 3 ca tử vong này do gia đình có nhận thức kém, phát hiện bệnh muộn, khi đưa đến BV trong tình trạng bệnh rất nặng, đã ở độ 3, 4, cả 3 bệnh nhân này đều tử vong ở BV Nhi Đồng.

 Bác sĩ Hùng, ở TX.Dĩ An cho biết thêm về công tác khống chế, dập tắt bệnh, không để dịch bùng phát. TTYT đã đề ra kế hoạch: bộ 3 y tế, nhà trường và gia đình bắt tay vào chiến dịch phòng chống dịch. Vào ngày 24-6, TTYT thị xã đã mở lớp tập huấn cho 116 hiệu trưởng, giáo viên các trường công lập và tư thục về kiến thức phát hiện bệnh, các biện pháp phòng chống dịch, chủ yếu là vệ sinh bề mặt lớp học, đồ chơi bằng dung dịch Cloramin B. Kết hợp với Đài Phát thanh thị xã tuyên truyền 2 - 3 lần/ngày kêu gọi mọi trường, mọi nhà, mọi người tăng cường phòng chống dịch TCM. Tăng cường công tác giám sát bệnh, dịch, phối hợp BVĐK huyện, tỉnh và cả Nhi Đồng để nắm, giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ca bệnh và cách ly kịp thời các trường hợp mắc bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời. Đặc biệt, TTYT còn kết hợp với ngành giáo dục đến tất cả các trường trong thị xã để tập huấn cho giáo viên và phụ huynh các biện pháp phòng chống, cũng như phát hiện sớm con em mắc bệnh. Đến nay toàn thị xã đã treo băng-rôn, phát hóa chất Cloramin B cho các trường, nhà dân được 400kg. TTYT cũng đã phun thuốc thanh khiết môi trường cho những nơi có bé bệnh và tử vong. Nhờ vậy, đến tháng 7 bệnh TCM ở Dĩ An đã hạ nhiệt”.

Tuy Bình Dương đã hạ nhiệt TCM, song bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, TTYTDP vẫn tiếp tục khuyến cáo: “Toàn tỉnh vẫn không được chủ quan, mà mọi thứ cần chuẩn bị sẵn sàng: hóa chất, tờ rơi... cho việc triển khai chiến dịch truyền thông và phòng chống dịch cho đến hết năm 2011 theo Quyết định 1742 của Bộ Y tế. Đặc biệt là thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng các trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ, các hộ gia đình, vì theo dự đoán, bệnh TCM sẽ lại bùng phát vào dịp cuối năm”.

Phòng bệnh vẫn là chính

Bình Dương tuy không là địa bàn “nóng” về bệnh tay - chân - miệng (TCM) như TP.HCM, Đồng Nai, nhưng cũng là tỉnh có số ca mắc và tử vong cao trong cả nước. Với dân số tăng cơ học nhanh và thường xuyên biến động, việc phòng chống bệnh TCM là rất cần thiết, nhưng không dễ dàng. Bác sĩ (BS) Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc TTYTDP tỉnh cho chúng tôi biết về triệu chứng bệnh, cách phòng chống để khống chế, không để dịch bùng phát.

 

- Xin BS cho biết triệu chứng bệnh TCM và cách phòng chống?

- Biểu hiện chính của bệnh TCM là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp nặng dẫn đến tử vong, có 2 thể cấp tính và tối cấp. Thể cấp tính với 4 giai đoạn điển hình: giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn khởi phát, giai đoạn toàn phát, giai đoạn lui bệnh. Thể tối cấp: Bệnh diễn tiến rất nhanh có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê co giật dẫn đến tử vong trong vòng 48 giờ. Các trường hợp biến chứng nặng thường do vi-rút EV 71.

Bệnh TCM lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Môi trường dễ lây lan là nơi tập trung nhiều trẻ, ở các trường mẫu giáo nhà trẻ, khu vui chơi.

Cách phòng bệnh: Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu. Nguyên tắc phòng bệnh: Áp dụng các biện pháp phòng bệnh đối với bệnh lây qua đường tiêu hóa, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.

 Việc phòng bệnh tại các cơ sở y tế: Cần cách ly theo nhóm bệnh. Nhân viên y tế cần mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc, khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2% và xử lý chất thải theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa.

 Chú trọng công tác phòng bệnh ở cộng đồng: Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt), rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2%. Cách ly trẻ bệnh tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học trong tuần đầu tiên của bệnh.

- Công tác điều trị bệnh TCM như thế nào, thưa BS?

- Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên nguyên tắc điều trị bệnh TCM là chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng kháng sinh khi không có bội nhiễm), theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng, bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.

 Tại gia đình bệnh nhân phải được cách ly. Khi có các biểu hiện biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như run giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh, sốt cao (>=39,50C), thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Bệnh nhân đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, che miệng khi ho, hắt hơi và giữ khoảng cách khi nói chuyện, không để vi-rút lây lan sang người khác.

Phân và các chất thải của bệnh nhân phải được khử trùng bằng Cloramin B.

Quần áo, chăn màn dụng cụ của bệnh nhân phải được khử trùng bằng đun sôi, ngâm dung dịch Cloramin B 2%;

Đối với người chăm sóc bệnh nhân: hướng dẫn thực hành vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay ngay khi thay tã cho trẻ; thường xuyên vệ sinh răng miệng.

Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp như hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bị bệnh.

Khi trẻ còn triệu chứng bệnh TCM, không cho phép tham gia các hoạt động, gặp gỡ đông trẻ em khác như đến lớp, đi bơi...

Theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để có thông báo cho cơ quan y tế xử lý, điều trị kịp thời.

- Xin cảm ơn BS.

BẢO ANH (thực hiện)

 

 

NGỌC TRỰC

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên