Bệnh viêm não mô cầu đang lây lan nhanh

Cập nhật: 01-02-2012 | 00:00:00

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước đã phát hiện bệnh  viêm màng não do não mô cầu tại 5 địa phương và đang diễn biến phức tạp, số bệnh nhân tăng lên nhanh.

 Bệnh nhân cấp cứu tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương Bệnh dễ lây lan

Bệnh nhân mới nhất nhập viện vì viêm não mô cầu ở Hà Nội là Nghiêm Duy B., 35 tuổi ở Hà Nội. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa điều trị tích cực - BV Bệnh nhiệt đới Trung ương (nơi bệnh nhân vào điều trị) cho biết, bệnh nhân B. nhập viện trong tình trạng mê man, hiện diễn biến sức khỏe đã khá hơn nhưng vẫn phải thở máy. Theo bác sĩ Cấp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm màng não mủ, trong đó có viêm màng não do não mô cầu và căn nguyên này nguy hiểm nhất vì có khả năng lây lan, người bệnh cũng có thể tử vong rất nhanh. Đây là bệnh lây qua đường hô hấp, tỷ lệ người lành mang trùng là 25%, trong vùng dịch tỷ lệ này lên tới 50% nên rất dễ bùng phát.

Do số bệnh nhân viêm não mô cầu đang tăng nhanh, ngày 31-1, Cục Y tế dự phòng đã có công điện gửi các tỉnh/thành trên cả nước, thông báo về việc Cục thành lập đội thường trực chống dịch 24/24h và đề nghị các địa phương cũng thành lập đội thường trực chống dịch tương tự. Mặt khác, tiếp tục phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, trong đó có viêm màng não do não mô cầu.

Có thể phòng, tránh được

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, vi khuẩn gây viêm não mô cầu nhân lên nhiều ở vùng hầu họng nên khi bệnh nhân ho, hắt hơi mầm bệnh dễ phát tán ra ngoài. Sau khi xâm nhập vào tế bào đường hô hấp trên, gây ra tình trạng viêm mũi họng, thường có ho, sốt cao, đau cơ, đau đầu, buồn nôn, có thể bị co giật, giảm trương lực cơ, biểu hiện của liệt chi, mặt, tri giác giảm. Tùy vị trí xâm nhập, độc lực của vi khuẩn cũng như sức đề kháng của cơ thể, có thể viêm mũi, họng nhẹ, nhiễm khuẩn huyết đơn thuần hoặc kịch phát gây tử vong. Viêm não mô cầu có thể để lại những biến chứng rất nguy hiểm nếu điều trị muộn. Bệnh nhân có nguy cơ bị di chứng về thần kinh, ảnh hưởng các dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề tâm lý. Nếu biến chứng nghiêm trọng, có khi phải cắt bỏ các chi.

Cũng theo ông Cảm, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây viêm não mô cầu phát triển mạnh. Mặt khác, thời điểm Tết Nguyên đán và dịp lễ hội đầu năm, do lượng người tập trung đông, giao lưu, đi lại nhiều nên rất dễ lây lan, truyền bệnh. Vì vậy, để phòng tránh mắc viêm não mô cầu, không nên tập trung nơi đông người, thường xuyên vệ sinh răng miệng, khi hắt hơi hay ho cần lấy khăn che miệng hoặc đeo khẩu trang khi bị viêm đường hô hấp. Trẻ cần được giữ ấm trong những ngày du xuân, chú ý vùng cổ, ngực, gan bàn tay, bàn chân. Cách phòng tránh đặc hiệu là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngừa vi khuẩn. Với trẻ nhỏ, cần đưa trẻ đi tiêm phòng vì bệnh này đã có vaccine phòng ngừa.

Đáng chú ý, việc phân biệt các dấu hiệu để nhận biết sớm bệnh viêm não mô cầu không hề đơn giản bởi triệu chứng của bệnh khá giống các trường hợp nhiễm vi trùng khác với biểu hiện đau họng, đau mỏi người. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi thấy trẻ sốt, nhức đầu gia đình cần đưa trẻ đi khám để có hướng điều trị tích cực.

Theo ANTĐ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=317
Quay lên trên