Là bệnh viện hàng đầu của tỉnh, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật mới (KTM), kỹ thuật cao (KTC) trong điều trị bệnh. Từ đó, đã kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân (BN); hạn chế việc phải chuyển BN lên tuyến trên vừa tốn chi phí, vừa nguy hiểm đến tính mạng.
Nghe tin BVĐK tỉnh khai trương Dịch vụ thận nhân tạo (TNT), ông Nguyễn Văn Hiếu ở xã Trừ Văn Thố, Bến Cát mừng đến rơi nước mắt. Khuôn mặt xanh xao vì cơn bệnh suy thận hoành hành nhưng ông tỏ ra rất phấn khởi. Ông thốt lên: “Từ nay tôi đỡ khổ rồi”. Bởi gia đình sống bằng nghề sửa xe đạp như ông thì tiết kiệm được đồng nào đỡ đồng ấy. Ngày trước ông phải chạy TNT ở Phòng khám Phổ Quang. Mỗi lần như thế phải tốn 300.000 đồng tiền viện phí (có bảo hiểm y tế) và khoảng 200.000 đồng cho chi phí đi lại, ăn ở. Chưa kể phải đi 2, 3 chặng xe. Hôm nào chạy TNT trúng ca 1 thì phải đi từ ngày hôm trước để hôm sau chạy cho kịp giờ; còn hôm nào chạy ca cuối thì phải... lang thang ở phòng khám chờ đến mai về sớm. Trong khi đó, khi chạy TNT ở BVĐK tỉnh chi phí rẻ hơn nhiều.
Nhờ áp dụng KTM, kíp mổ đã kịp thời cứu sống ông Võ Thành C.
Hay mới đây, ông Võ Thanh C., 84 tuổi ở xã Phú An (Bến Cát) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, da tái nhợt, mạch đập nhanh, huyết áp không đo được. Kết quả siêu âm cho thấy, phình động mạch chủ bụng bóc tách xuất huyết. Ông được các bác sĩ (BS) chẩn đoán: vỡ phình động mạch chủ bụng. Ông được chỉ định mổ cấp cứu. Kíp mổ do BS Nguyễn Quốc An, Lê Ngọc Hà, cùng kíp gây mê Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức tích cực hồi sức và phẫu thuật cấp cứu. Động mạch chủ bụng đoạn trên ngã ba chậu phình to xơ vữa, vôi hóa đường kính khoảng 8cm đã vỡ gây tụ máu khoang sau phúc mạc. Đoạn động mạch chủ bụng phải ghép bằng mạch máu nhân tạo dài khoảng 12cm. Ca phẫu thuật khá khó khăn do tình trạng thành mạch xơ vữa và đoạn phình mạch kéo dài. Sau khoảng 4 giờ phẫu thuật và hồi sức ca mổ đã hoàn tất. Đây là trường hợp đầu tiên được kíp phẫu thuật viên ngoại tổng quát bệnh viện tự thực hiện thành công. Sau khi được các y, BS tận tình cứu chữa, ông C. mừng lắm. Ông xúc động nói: “May các BS cứu kịp. Tôi mừng lắm. Tôi cứ tưởng mình không còn được gặp con cháu”.
Một KTM được Khoa Nhi áp dụng khá thành công là bơm Surfactant qua nội khí quản trên trẻ sơ sinh non tháng để điều trị bệnh màng trong của trẻ sơ sinh. BS Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi cho biết, với sự hỗ trợ kỹ thuật của nhóm BS Bệnh viện Nhi Đồng ở Khoa Nhi đã thực hiện kỹ thuật này cho kết quả rất tốt.
Kỹ thuật này đầu tiên được áp dụng cho bé N.H.T mới 31 tuần tuổi thai. Bé sinh thường với trọng lượng chỉ 1,7kg. Sau sinh, bé được chuyển đến khoa Nhi trong tình trạng suy hô hấp mức độ vừa (chỉ số Silverman = 5đ). Ngay lập tức bé được hỗ trợ hô hấp bằng CPAP, truyền dịch, chụp Xquang phổi tại giường. Bé được chẩn đoán: Bệnh màng trong độ 2. Các y, BS đã áp dụng kỹ thuật này. 6 giờ sau sinh, bé được bơm Surfactant qua nội khí quản. Bệnh màng trong (Hyalin Membrane Disease) được gọi là hội chứng suy hô hấp cấp (Respiratory Distress Syndrome), gây suy hô hấp nặng, tiến triển ở trẻ sơ sinh non tháng.
BS Ngô Dũng Nghĩa, Giám đốc bệnh viện cho biết: Áp dụng KTM, KTC trong điều trị bệnh là một trong những mối quan tâm hàng đầu của BVĐK tỉnh để công tác điều trị bệnh được tốt hơn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Bằng nhiều nguồn: từ ngân sách Nhà nước, xã hội hóa... BVĐK tỉnh đã áp dụng nhiều KTM, KTC trong điều trị bệnh như: kỹ thuật sử dụng máy kéo cột sống cổ và thắt lưng; đốt lạnh cổ tử cung trong điều trị viêm cổ tử cung; bộc lộ tĩnh mạch nền trong điều trị sốc; thay khớp háng toàn phần; tán sỏi niệu quản nội soi... Nhờ đó đã kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân, hạn chế chuyển bệnh lên tuyến trên vừa tốn kém, vừa nguy hiểm đến tính mạng.
T. LIÊN