Trong ngày đầu khai trương (3-11), 10 máy thận nhân tạo (TNT) của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã hoạt động hết công suất. Điều này cho thấy TNT được đầu tư ở tuyến tỉnh đã phát huy hiệu quả và giảm đáng kể chi phí đi lại cho bệnh nhân (BN) trong tỉnh.
Nghe tin BVĐK tỉnh khai trương Dịch vụ (DV) TNT, ông Nguyễn Văn Hiếu ở xã Trừ Văn Thố, Bến Cát mừng lắm. Ông vội vã xuống để cùng bệnh viện... khai trương. Khuôn mặt xanh xao vì cơn bệnh suy thận hoành hành nhưng ông tỏ ra rất phấn khởi. Ông thốt lên: “Từ nay tôi đỡ khổ rồi”. Bởi gia đình sống bằng nghề sửa xe đạp như ông thì tiết kiệm được đồng nào đỡ đồng ấy.
Người dân sẽ giảm rất nhiều chi phí khi được chạy TNT ngay tại bệnh viện tuyến tỉnh
Ông Hiếu phát hiện mình bị suy thận từ tết năm 2009. Sau khi Bệnh viện Chợ Rẫy chạy TNT cấp cứu, ông được giới thiệu qua Phòng khám Phổ Quang để chạy TNT mỗi tuần 2 lần. Thấy quá tốn kém bởi ngoài 300.000 đồng tiền viện phí cho mỗi lần chạy TNT (có bảo hiểm y tế), ông phải tốn thêm khoảng 200.000 đồng cho chi phí đi lại, ăn ở. Ông quay về BVĐK tỉnh liên hệ. Khi ấy, BVĐK tỉnh cũng chỉ có TNT dành cho cấp cứu; còn chạy định kỳ như ông thì không đủ máy. Không còn cách nào hơn, ông phải một tuần khăn gói 2 lần về TP.HCM chạy TNT. Ông Hiếu nói: “Đi TP.HCM tốn kém lắm. Nơi tôi chạy TNT mắc hơn các bệnh viện công khoảng 190.000 đồng. Chưa kể phải đi hai, ba chặng xe. Hôm nào chạy TNT trúng ca 1 thì phải đi từ ngày hôm trước để hôm sau chạy cho kịp giờ; còn hôm nào chạy ca cuối thì phải... lang thang ở phòng khám chờ đến mai về sớm”.
Mặc dù đau khổ tột cùng khi biết chồng mình là ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Thuận Giao (Thuận An) bị bệnh suy thận phải chạy TNT, vợ ông cũng lóe lên niềm vui. Bà nói: “Bữa trước ổng chuyển vô đây chạy TNT cấp cứu. Tưởng đâu phải về TP.HCM chạy TNT như những người khác rồi. May quá, chồng tôi có thể chạy ở đây, gần nhà đỡ tốn chi phí”. Ông Hùng là thợ hồ, còn vợ ông buôn bán nhỏ, vì vậy số tiền vài trăm ngàn đồng cho một lần chạy TNT là quá lớn. Nếu phải gánh thêm tiền xe cộ, ăn uống đắt đỏ nơi thị thành thì quả là quá sức.
Thấy được nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh trong việc chạy TNT, BVĐK tỉnh đã hợp tác với Công ty TNHH Dược Vy Gia triển khai khu DV TNT theo chủ trương xã hội hóa. Bác sĩ Ngô Dũng Nghĩa, Giám đốc bệnh viện cho biết: Lâu nay, người Bình Dương nếu bị suy thận phải về TP.HCM để chạy TNT, rất tốn kém do tốn thêm chi phí xe cộ, ăn uống. Vì vậy rất nhiều người đến BVĐK để đăng ký TNT, nhưng trước đây bệnh viện chỉ có 7 máy TNT mà đã hư hết 3. Trong khi BN suy thận xếp hàng đăng ký chạy TNT. Chỉ tính riêng phục vụ cấp cứu mà y, bác sĩ ở đây đã chạy máy thêm ca 4, thay vì tối đa 3 ca. Chúng tôi hy vọng, khu DV TNT ra đời sẽ đáp ứng một phần nhu cầu khám, chữa bệnh cho những người bị suy thận trong và ngoài tỉnh. Chi phí cho mỗi lần thực hiện DV TNT là 600.000 đồng, nếu BN có bảo hiểm y tế thì chi trả khoảng 200.000 đồng. Thời gian tới, nếu nhu cầu của người dân tăng cao thì bệnh viện sẽ tăng lên 15 - 20 máy.Thay mặt chủ đầu tư, bà Lê Thị Ngọc Bích, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dược Vy Gia chia sẻ: “Khu DV TNT đi vào hoạt động thể hiện sự tâm huyết của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện; bởi thực tế hiện nay rất ít bệnh viện triển khai DV TNT, ngay cả bệnh viện công. Nguyên nhân là do DV TNT phục vụ là chủ yếu chứ không sinh lãi. Trong khi việc theo dõi TNT của y, bác sĩ vất vả”.
DV TNT ra đời đáp ứng một phần nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đặc biệt là giảm bớt gánh nặng chi phí khi BN trong tỉnh phải khăn gói về tận TP.HCM chạy TNT.
THU THẢO