Bí kíp để tránh sữa giả

Cập nhật: 03-07-2013 | 00:00:00

Nỗi lo sữa giả ngày càng lớn khiến không ít ông bố, bà mẹ phải lo lắng cho những đứa con của mình. Tuy vậy, chỉ cần tinh ý và tinh mắt một chút là bạn có thể tránh được vấn nạn này.

 

Sữa giả tràn lan, mẹ trẻ chết khiếp

Vụ “sữa giả” Danlait của Pháp do công ty TNHH Mạnh Cầm phân phối độc quyền tại Việt Nam vừa bị chính người sử dụng phanh phui là đăng ký sai chất lượng và bán vống giá. “Sữa giả” Danlait một lần nữa lại tiếp thêm dầu cho ngọn đuốc vốn chưa bao giờ tắt về vấn nạn sữa giả, sữa kém chất lượng. Rất nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng và bức xúc, đặc biệt là các gia đình đã và đang cho con sử dụng loại sữa này. Khi vụ sữa dê Danlait chưa đi đến hồi ngã ngũ, thì mới đây, một nhãn hiệu sữa nữa lại được đưa lên bàn cân, đó là sữa Frezzi do Công ty TNHH Fansi Việt Nam (trụ sở: số 41, ngách 260/6, phố Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) nhập khẩu.

Theo như giới thiệu, sữa non Frezzi do Công ty All Green của New Zealand sản xuất và đóng gói, sản phẩm là lựa chọn hàng đầu của các bà mẹ New Zealand. Tuy nhiên, theo như thông tin của các bà mẹ tinh ý (được đăng tải trên các diễn đàn như lamchame, webtretho…) thì sữa Frezzi cũng đầy nghi vấn. Ví dụ như: theo quảng cáo thì Frezzi là sản phẩm sữa non nhập khẩu 100% từ New Zealand nhưng khi tìm kiếm trên Google thì ngoài website frezzi.co.nz chẳng có nhiều thông tin cụ thể và các website Việt Nam bán sản phẩm này ra không thể tìm được thông tin nào về Frezzi nữa. Chưa hết, website frezzi.co.nz lại có địa chỉ đăng ký của người sở hữu cũng như quản trị tên miền là Công ty Fansi Ltd, No 41, Lane 260/6, Doi Can Stress (số 41, ngách 260/6, phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội), chính là công ty nhập nhẩu và phân phối sản phẩm Frezzi tại Việt Nam. Nhiều người đặt nghi vấn, trang website của một hãng sữa lâu đời ở Newzealand không thể có địa chỉ ở Việt Nam như vậy được. Thêm nữa, nếu thử dùng Alexa.com để tìm kiếm thêm thông tin về frezzi.co.nz thì cho ra kết quả là 100% người truy cập xuất phát từ Việt Nam… Điều này đặt ra nghi vấn về việc một công ty Việt Nam tự dựng lên một thương hiệu sữa lâu đời, có tiếng tại New Zealand để các bà mẹ Việt tin tưởng.

Càng ngày càng có nhiều người chọn sữa “xách tay” cho con dùng, với mong muốn con mình sau này cao lớn, thông minh như… tây. Chính suy nghĩ này đã dọn đường cho rất nhiều cửa hàng chuyên bán đồ “xách tay” mọc lên như nấm. Đây đều là những sản phẩm mà người tiêu dùng không biết gì ngoài những lời quảng cáo hấp dẫn như sản phẩm chính hãng, sản xuất tại nước ngoài… Nhưng rõ ràng là chúng đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không được cơ quan, tổ chức nào kiểm định chất lượng, không có ai chịu trách nhiệm... Với hàng ngoại được nhập về trong nước thì không phải nhà phân phối nào cũng làm ăn chân chính, vì thế mới có những loại sữa như Danlait hay Frezzi xuất hiện trên thị trường Việt Nam. Chưa kể đến những loại sữa nội cũng bị làm “giả ruột” vì gần đây, các đơn vị chức năng đã phát hiện ra rất nhiều vụ mua vỏ hộp thật với giá cao để chứa sữa giả…

Các vụ việc liên tiếp xảy ra khiến nhiều bà mẹ tỏ ra hoang mang, lo ngại về thị trường sữa. Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra, không phải ai cũng gặp vấn đề với sữa giả, nếu bạn có đầy đủ kiến thức và sự tinh ý, cẩn thận.

Tung “chiêu” để chọn được sữa chuẩn

Mua sữa “xách tay” tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro, không chỉ sợ mua phải hàng giả, bạn có mua được sữa “xách tay” xịn thì cũng không thể yên tâm vì khi nó khó có thể được bảo quản, vận chuyển đúng quy trình nên chất lượng có thể bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, khi mua sữa “xách tay” hoặc sữa ngoại được phân phối ở Việt Nam, bạn cần lưu ý “soi” kỹ các thông tin trên sản phẩm.

Tuyệt đối không mua những hộp sữa có bao bì với hình ảnh không rõ nét, hướng dẫn sử dụng với ngôn từ thiếu chính xác, nhiều lỗi chính tả, tẩy xóa vì đó là dấu hiệu nghi vấn đầu tiên để các mẹ nhận dạng. Hạn sử dụng cũng là một trong những yếu tố thường bị làm giả, nên nếu bạn thấy phần hạn sử dụng đã bị tẩy xóa, in đè, rất có thể đây là hàng giả, hàng kém chất lượng và đương nhiên, bạn không nên mua nó.

Hãy quan sát xem hộp sữa có còn được đóng kín, không móp méo và nguyên vẹn; hình ảnh và thông tin đầy đủ, in sắc nét, rõ ràng và chính xác; được bày bán ở nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát tại những nơi có uy tín như siêu thị, của hàng đại lý chính hãng mới là những sản phẩm tạm yên tâm về chất lượng.

Về chất lượng sữa, theo các chuyên gia dinh dưỡng thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia, các bạn nên để ý, khi mở hộp sữa ra, phải có mùi thơm mát dễ chịu, bột sữa mềm mịn và có màu vàng nhạt. Sữa bột kém chất lượng sẽ có mùi khác như tanh, hôi, húc, bột bị vón cục và có màu sắc không đồng nhất (chỗ màu vàng, chỗ màu nâu hoặc màu xanh…). Bạn cũng có thể cho một thìa sữa bột ra cốc và đổ nước nguội vào. Sữa bột kém chất lượng hoặc giả sẽ lắng ngay xuống đáy và tan nhanh dù chưa hề khuấy. Còn sữa bột tốt sẽ nổi lơ lửng, không tan nếu chưa khuấy lên. Tương tự, khi đổ nước sôi vào cốc có sữa bột, sữa bột giả hoặc kém chất lượng sẽ tan ngay và không còn màu sắc tự nhiên của sữa. Sữa bột tốt sẽ nổi lơ lửng và vón lại nếu chưa khuấy lên.

Các bà mẹ cũng cần tạo thói quen đọc hiểu các thông tin về giá trị dinh dưỡng trên bao bì, dù có được viết bằng nhiều thứ tiếng thì vẫn có những kết cấu chung đủ để một bà mẹ yêu con có thể hiểu được hoặc tìm mọi cách để hiểu. Đọc thông tin trên sản phẩm không không chỉ là giải pháp đơn giản và hiệu quả giúp chúng ta hạn chế việc mua nhầm hàng giả mà còn giúp chị em chọn đúng loại sữa mà con bạn cần.

 Cần biết kỹ năng công nghệ thông tin khi mua sữa ngoại

Ngoài ra, với những loại sữa ngoại, bạn cũng nên biết thêm một vài “chiêu” chuyên ngành để khai thác thông tin từ internet. Với thế giới phẳng của internet bạn có thể có nhiều bạn bè ở các nước trên thế giới, vì thế, nếu chưa yên tâm với nhãn hiệu sữa mà bạn chọn cho con, hãy hỏi ý kiến của các bà mẹ ở đất nước sản xuất ra loại sữa đó. Nếu là loại sữa được tin dùng thì chắc chắn là nhiều người biết và sử dụng và ngược lại. Bạn cũng nên trực tiếp vào website của công ty sản xuất được in trên bao bì của hộp sữa và kiểm tra các thông tin cần thiết. Với tính năng dịch ngôn ngữ của Google, bạn hoàn toàn có thể hiểu được các thông tin trên website đó.

Bạn cũng có thể dùng website: alexa.com (trang website dùng để thống kê độ phát triển của các trang web) để kiểm tra đọ tin cậy website của công ty sữa mà bạn định mua, nếu là nhãn hiệu uy tín được thế giới tin dùng thì chắc chắn sẽ được người ở nhiều nước truy cập. Trang web đó cũng có thứ hạng đáng kể nếu có nhiều người truy cập. Ví dụ khi kiểm tra trang web của hãng sữa Danlait (danlait.fr), chúng ta dễ dàng nhận ra nó xếp thứ 7 triệu trên thế giới, điều này mâu thuẫn với việc là website chính thức một nhãn hiệu sữa hàng đầu châu Âu. Chưa hết, trang web này có tới 78% số người truy cập là từ Việt Nam, chứng tỏ ở nước ngoài hãng sữa này rất ít người biết đến.

Chúng ta cũng có thể tải phần mềm nhận diện mã vạch của các nước về điện thoại để mỗi lần chọn sữa, có thể dễ dàng kiểm tra xem mã vạch có đúng quốc gia sản xuất hay không.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa ngoại chưa hẳn đã là sự lựa chọn tốt nhất cho trẻ. Rõ ràng, sữa bột cho trẻ em ở mỗi nước, mỗi vùng khí hậu có một công thức khác nhau theo đặc điểm cơ thể, sở thích và thời tiết. Không phải cứ uống sữa ngoại là con nhà bạn có thể khỏe mạnh, cao lớn và thông minh bởi những điều này còn phụ thuộc vào nhiều thứ khác như chế độ dinh dưỡng và nòi giống… Vì thế, các gia đình không nhất thiết cứ phải chọn sữa ngoại cho con, đặc biệt là bằng những con đường như “xách tay”, mua trên mạng…

Theo webphunu

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên