Bia rượu và tai nạn giao thông

Cập nhật: 12-09-2011 | 00:00:00

Con số thống kê thật đau lòng, bởi mỗi năm ở nước ta có hơn 12.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó không dưới 1/4 người tử nạn do bia rượu. Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Lý do khách quan không ít và lý do chủ quan cũng nhiều. Có thể nói, đây là hệ quả của một phong tục tập quán có từ lâu đời.

Đã một thời, chúng ta ra sức vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, tổ chức ma chay, cưới xin đơn giản theo đời sống mới. Thế nhưng, phong trào chỉ phát mà không động và dường như ngày càng đi vào ngõ cụt. Ngày nay, xã hội phát triển, cuộc sống khấm khá làm cho chuyện uống rượu bia bây giờ càng phổ biến hơn. Nó không chỉ là những bữa tiệc gia đình hay buổi hiếu hỉ mà diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Đường phố ngày càng có nhiều quán nhậu. Và nhiều người làm giàu nhờ mở quán nhậu...

Hậu quả tai nạn giao thông do uống bia rượu là vô cùng khủng khiếp. Vì thế, tháng cao điểm an toàn giao thông năm nay, nước ta đặc biệt chú trọng đến việc xử lý nghiêm người uống rượu bia tham gia điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mới mà từ lâu, các ngành chức năng luôn quan tâm thực hiện. Theo thống kê đã có 35 văn bản quy phạm pháp luật (6 luật, 11 nghị định của Chính phủ, 3 quyết định, 4 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...) quy định người điều khiển ô tô không được uống rượu bia. Đặc biệt, Nghị định 146 tuy cho phép mức phạt đối với lái xe ô tô uống rượu bia quá ngưỡng cho phép từ 1 - 3 triệu đồng, còn xe máy là 400.000 - 800.000 đồng. Người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền giấy phép lái xe 60 ngày, nhưng xem ra vẫn chưa đủ mức răn đe, nên đến thời điểm này số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu bia vẫn gia tăng!

Phải nhìn nhận rằng, dù lực lượng mỏng nhưng hàng ngày, cảnh sát giao thông vẫn vào cuộc tuần tra kiểm soát khá gắt gao, cũng phạt, cũng giáo dục răn đe làm hết trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, có lẽ cái chính là mức xử phạt chưa đủ mạnh, làm cho một số người dân xem thường luật khi tham gia giao thông, thậm chí phản ứng và chống lại người thi hành công vụ khi biết mình vi phạm...

Ai cũng biết, ý thức tự giác thực hiện các biện pháp an toàn khi tham gia giao thông là bài học đầu tiên thuộc về nhóm mục đích “tự bảo vệ sinh mạng” của bản thân mỗi con người. Và để mọi người nhận thức rõ  hơn nữa về tác hại của việc uống rượu bia khi tham gia giao thông, hơn bao giờ hết, xã hội rất cần có một quy định chế tài nghiêm khắc hơn đối với lạm dụng rượu bia được thực thi, thì hy vọng vấn đề an toàn giao thông sẽ được giải quyết và mang lại hiệu quả. Lúc đó, nỗi đau của xã hội về sự thiệt mạng của người dân khi tham gia giao thông chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều.

 MAI HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên