Sáng qua (30-10), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam đã chủ trì họp Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiệt độ trung bình ở Bình Dương đã vượt so với trung bình nhiều năm gần 0,5oC; xu thế mực nước sông có khuynh hướng tăng 0,3cm/ năm, nhiễm mặn tại sông Đồng Nai, sông Sài Gòn tăng cao, có nơi đã nhiễm mặn đến 30/00, tăng gấp 3 lần so với các năm trước. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã làm lượng mưa, tần suất các trận mưa lớn tăng lên, cùng với ảnh hưởng của xả lũ, triều cường đỉnh đã khiến tình trạng ngập lụt đô thị, ngập úng cục bộ ngày càng nhiều, cốt nền xây dựng liên tục thay đổi với khoảng cách từng năm ngày càng lớn... Ở Bình Dương cũng đã xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy trên diện rộng, nhiệt độ cao bất thường. Trên cơ sở đó, Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị tư vấn đã đề xuất 32 dự án ưu tiên từ nay đến 2030. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ đã giảm xuống còn 25 dự án như: nâng cao nhận thức cộng đồng, sử dụng tiết kiệm năng lượng, diễn tập cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra thiên tai, các công trình, phi công trình ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam đã đánh giá cao về kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, khá cụ thể, chính xác. Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn chọn lọc và bổ sung một số kiến nghị của các đại biểu tại cuộc họp để hoàn chỉnh trình UBND tỉnh thông qua. Kế hoạch này là cơ sở khoa học để các sở ngành, huyện, thị, thành phố bổ sung vào các chương trình, dự án liên quan, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đặc biệt liên quan trong việc tính toán lại cốt nền xây dựng đê bao, chống ngập lụt đô thị phù hợp với tốc độ phát triển của tỉnh.
T.ĐỒNG