Biến rác thải, nước thải thành tài nguyên của đô thị

Cập nhật: 08-10-2016 | 10:41:31

Nghe có vẻ không hợp lý bởi vì rác thải, nước thải thực chất chỉ là tổng hợp các loại chất thải của con người. Nhưng với đà phát triển của khoa học - công nghệ như hiện nay, cộng với quy trình xử lý phù hợp theo quy luật tuần hoàn của vật chất trong tự nhiên, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương thuộc Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã vừa biến rác thải thành nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ cuộc sống, vừa góp phần bảo đảm môi trường, phục vụ quá trình phát triển đô thị theo hướng văn minh, sạch đẹp.


Rác đưa vào hầm ủ được phủ bạt, bổ sung vi sinh và cấp dưỡng khí nhằm đẩy nhanh quá trình phân hủy, không phát tán mùi ra xung quanh.
Ảnh: DUY CHÍ

Sản phẩm sau rác: Sản xuất không đủ bán

Trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Dương, tìm hiểu về công tác xử lý môi trường và phát triển đô thị, Đoàn công tác của Chính phủ Phần Lan do bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng Bộ Thương mại và ông Similar, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam dẫn đầu đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm đưa đi tham quan, tìm hiểu Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương (phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát). Tại đây, đoàn đã tận mắt chứng kiến quá trình rác thải sinh hoạt từ các nơi trong tỉnh được tập kết về, phân loại, tách các thành phần vô cơ ra khỏi rác rồi đưa vào bể ủ chua làm nguyên liệu sản xuất phân bón cùng một số sản phẩm hữu ích khác như gạch xây dựng, gạch tự chèn…

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase cho biết, các sản phẩm sau rác như phân bón Con Voi Bình Dương; các mặt hàng vật liệu xây dựng như gạch tuynel, gạch tự chèn hiệu Con Voi Bình Dương… đều được đăng ký kiểm nghiệm đúng quy trình, được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn môi trường trước khi đưa ra thị trường. Nhờ công ty đi sau nên các sản phẩm được nghiên cứu, chế biến rất phù hợp với thị hiếu sử dụng của người tiêu dùng.

Ông Thiền cho biết thêm, nguyên liệu chế biến các sản phẩm nói trên được thu hồi từ rác nên giá cả rất cạnh tranh, còn chất lượng thì vượt trội. Sau thời gian sử dụng phân bón Con Voi Bình Dương, các vùng cây đặc sản, cây ăn trái như thanh long ở Bình Thuận, vườn cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long, cao su ở miền Đông Nam bộ… đều cho kết quả, chất lượng rất tốt. Vật liệu xây dựng hiệu Con Voi Bình Dương cũng được khách hàng tại các đô thị lớn trong cả nước chọn và sử dụng. Hiện các sản phẩm như phân bón Con Voi Bình Dương, gạch lát vỉa hè hiệu Con Voi Bình Dương… không đủ cung ứng cho thị trường.

Trước khi rời nhà máy xử lý rác thải, bà Bộ trưởng Lenita Toivakka đã đưa ra nhận xét, đây là nhà máy xử lý rác thải hiện đại và hiệu quả nhất không chỉ tại Việt Nam mà mang tầm cỡ khu vực. Chính phủ Phần Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn, công nghệ để Bình Dương phát triển các dự án bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng đô thị Bình Dương văn minh, sạch đẹp.

Rác là tài nguyên của đô thị

Mỗi ngày Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương tiếp nhận từ 1.200 - 1.500 tấn rác sinh hoạt, rác thải công nghiệp các loại từ các địa phương và doanh nghiệp trong tỉnh chở về. Rác thải sinh hoạt trước khi đưa về bể ủ phải qua dây chuyền phân loại tự động để tách, lọc chất vô cơ không phân hủy như kim loại, cát đá, cao su, nhựa… Trong khi đó, thành phần hữu cơ dễ phân hủy được băng chuyền chuyển về hầm ủ; được bổ sung thêm men vi sinh, cấp dưỡng khí giúp quá trình lên men, chuyển hóa, phân hủy rác được nhanh và thuận lợi hơn.

Sau 18 - 21 ngày thì rác được ủ chín, chuyển sang công đoạn sản xuất mùn phân compos. Tại đây, các máy móc chuyên dùng tiếp tục phân loại để tách các thành phần chưa phân hủy nhằm bảo đảm tính đồng nhất và chất lượng của sản phẩm. Mùn phân compos tiếp tục được bổ sung hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng, khoáng chất phù hợp với đặc điểm sử dụng của từng loại cây trồng theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện tại, công suất sản xuất phân compos tại khu liên hợp đã đạt đỉnh 420 tấn/ngày đêm.

Trong khi đó, quá trình ủ chua, rác được phủ bạt HDPE lên bề mặt và phun xịt hóa chất khử mùi nhằm tránh phát tán mùi cũng như tăng tốc độ phân hủy. Nước rỉ rác được bộ phận chức năng của khu liên hợp thu hồi đồng thời với khí biogas để làm nguyên liệu chạy máy phát điện sử dụng tại một số khu vực sản xuất trong khu liên hợp như: vận hành hệ thống máy sục khí xử lý nước rỉ rác; cấp điện cho phân xưởng cơ khí trực thuộc khu liên hợp…

Đối với lò đốt rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại được vận hành bằng điện từ hệ thống máy phát chạy bằng biogas thu hồi từ quá trình ủ rác; dầu D/O chiết xuất từ các hợp chất vô cơ khó phân hủy của quá trình tách lọc ban đầu nên đã góp phần quan trọng vào giá thành xử lý. Còn mùn tro, than và chất trơ được xử lý chôn lấp hoặc kết hợp với bùn lắng trong quá trình xử lý nước thải sinh hoạt để làm nguyên liệu, phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng.

Riêng hệ thống dây chuyền hiện đại, khép kín, rác thải các loại sau khi đưa về nhà máy, tất cả đều trở nên hữu ích. “Điều này lý giải vì sao, mỗi ngày các nơi trong tỉnh Bình Dương thải ra trên 1.000 tấn rác thải các loại mà bãi rác tại Khu liên hợp xử lý rác thải Nam Bình Dương vẫn không đầy, không phát tán mùi ra khu vực xung quanh như các nơi khác. Bởi vì từ khi quy hoạch chúng tôi đã xem rác thải là tài nguyên của đô thị nên phải chắt chiu sàng lọc, tái sử dụng, phù hợp với quá trình tuần hoàn của vật chất trong tự nhiên”, ông Thiền giải thích.

Rác phải… sạch

Theo ông Đỗ Minh Cường, Phó Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, vì rác là chất thải cần phải bỏ đi nên từ lâu những người lao động làm việc với rác như công nhân quét rác, lái xe chở rác… cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Từ thành công của Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, Đảng ủy, lãnh đạo Biwase đã đưa ra nhận thức mới là “rác sạch” và quán triệt thực hiện trong toàn xí nghiệp với 2 yêu cầu chính: Rác khi vào khu liên hợp xử lý sẽ được làm sạch, làm mới, cho ra nhiều sản phẩm hữu ích nên quá trình vận hành, xử lý cũng phải bảo đảm sạch. Bên cạnh đó, phương tiện vận chuyển, người lao động trực tiếp cũng phải bảo đảm sạch. Dù các xe chở rác của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh là khách hàng của khu liên hợp nhưng Ban quản lý khu vẫn quy định, tất cả phương tiện chở rác không được làm rơi vãi, đổ nước trên đường gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị; xe chở rác khi ra khỏi cổng khu liên hợp phải sạch đẹp, thân thiện với mọi người.

Để chứng minh cho điều này, ông Cường đã đưa phóng viên tham quan một vòng nhà máy. Trước cổng vào xí nghiệp là tấm bảng lớn: “Lái xe chú ý! Có camera quan sát nước rỉ rác”. Nếu phát hiện xe chở rác vi phạm, xí nghiệp sẽ từ chối tiếp nhận. Với các xe chở rác được vào khu liên hợp, sau khi đã “xuống hàng” đúng nơi quy định sẽ tự động di chuyển đến bãi rửa xe để làm vệ sinh phương tiện đúng quy định. Nước rửa xe ở đây đạt Quy chuẩn cột A, được xử lý từ nước rỉ rác. Sau khi được làm sạch, không còn mùi rác, xe chở rác mới được tiếp tục di chuyển ra ngoài.

“Qua cách làm này, chúng tôi muốn tạo dựng hình ảnh mới với thông điệp: Nếu được đầu tư, xử lý khoa học, quản lý đến tận nguồn thì rác thải, nước thải là nguồn tài nguyên của đô thị”, ông Cường nói.

Ông Đỗ Minh Cường, Phó Giám đốc Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương cho biết, rác hiện là nỗi lo, ám ảnh của chính quyền và người dân trong quá trình phát triển tại nhiều đô thị. Bình Dương nhờ có sự quan tâm, đầu tư từ rất sớm nên đã làm khá tốt nhiệm vụ thu gom, xử lý và chế biến ra nhiều sản phẩm hữu ích sau rác. Tiếp tục phát huy thành quả đó, rất mong người dân đô thị quan tâm phân loại rác ngay từ đầu nguồn để tiết kiệm chi phí xử lý, cũng là tiết kiệm tiêu dùng của bà con. Và bỏ rác đúng nơi quy định sẽ góp phần xây dựng Bình Dương trở thành thành phố văn minh, sạch đẹp, thân thiện môi trường.

 

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên