15 năm sau ngày tái lập (1.1.1997 - 1.1.2012), Bình Dương đã tăng tốc phát triển vượt bậc, trở thành vùng phát triển kinh tế trọng điểm phía Nam, đầu mối giao lưu quốc tế lớn của cả nước. Song kéo theo đó, dân số trên địa bàn biến động mạnh, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, vấn đề giao lưu các vùng miền diễn ra mạnh mẽ, góp phần làm gia tăng các bệnh nhiễm, cùng với nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân, ngành y tế Bình Dương đã được xã hội hóa, công tác KCB ngày càng phát triển, thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giống nòi. Tiêm chủng phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm cho bé tại Trung tâm Chăm sóc SKSS Bình Dương
15 năm qua, ngành y tế đã không ngừng phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất (CSVC) và trang thiết bị y tế (TTBYT) để thực hiện nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó. Đến nay, hệ thống y tế công lập (YTCL) đã hoàn chỉnh từ tỉnh, đến cơ sở và đóng vai trò chủ đạo trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân (BV&CSSKND). Nhân lực YTCL hiện có 3.355 người, trong đó: cán bộ đại học, trên đại học: 858 người. 100% trạm y tế xã có bác sĩ. Có 88/91 trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 96,7%.
Nhiều năm nay, ngành y tế đã thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG): lao, phong, tâm thần, đái tháo đường, sốt rét, phòng chống trẻ suy dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS, dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ)... Toàn ngành đã chủ động, thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là các ổ dịch cũ, các vùng có nguy cơ. Đặc biệt, năm 2011, khi đồng thời cả 2 bệnh: tay chân miệng, sốt xuất huyết bùng phát mạnh mẽ trên diện rộng. Song nhờ toàn xã hội vào cuộc, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh rộng rãi dưới nhiều hình thức, toàn tỉnh đã từng bước đẩy lùi dịch bệnh mà không cần công bố dịch. Nhờ vậy 15 năm qua, Bình Dương không có dịch lớn xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh HUỲNH VĂN NHỊ: “Xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất, TTBYT đầy đủ”
Để thực hiện thành công mục tiêu các chương trình y tế theo chiến lược phát triển ngành đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, ngành y tế Bình Dương cần: Xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất và trang bị đầy đủ TTBYT, từng bước hiện đại hóa cho trung tâm y tế huyện - thị, phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám khu cụm công nghiệp và trạm y tế xã - phường. Từng bước đầu tư nguồn nhân lực đủ về số lượng và bảo đảm về chất lượng tại y tế tuyến cơ sở. Tăng cường hệ thống quản lý, giám sát, dự báo, xử lý, khống chế kịp thời dịch bệnh tại tuyến cơ sở. Và từng bước cung cấp các dịch vụ phòng và chữa bệnh mang đến sự thuận lợi và hiện đại cho nhân dân.
Với phương châm hoạt động: kết hợp phát triển dịch vụ KCB phổ cập với phát triển y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu, kết hợp YTCL với y tế ngoài công lập, chất lượng KCB của ngành ngày càng được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu KCB của nhân dân. CSVC các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa và nhiều cơ sở y tế khác tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, xây dựng kiên cố. Các TTBYT được đầu tư mua sắm phù hợp với từng tuyến, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ BV&CSSKND.
Nhiều cơ sở đã áp dụng nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị: Bệnh viện Đa khoa TX.Thuận An và huyện Tân Uyên triển khai CT Scanner, Bệnh viện Quân đoàn 4 đưa vào sử dụng máy xét nghiệm miễn dịch và máy tán sỏi, nội soi tiết niệu...
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành y tế Bình Dương vẫn còn một số tồn tại. Do hệ thống xử lý chất thải xuống cấp, việc thu gom, quản lý, xử lý chất thải, nhất là chất thải lỏng tại các bệnh viện chưa tốt. Hiệu quả sử dụng TTBYT một số đơn vị tuyến y tế cơ sở chưa cao. Trung tâm y tế, các phòng y tế huyện, thị xã (trừ Phòng Y tế huyện Phú Giáo, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế TX.TDM có cơ sở riêng) và Trạm Y tế phường Hòa Phú, Phú Tân (TX.TDM) đến nay vẫn chưa có cơ sở riêng, nên còn nhiều khó khăn, bất cập trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Để khắc phục những tồn tại, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ thiêng liêng nhân dân giao phó, bác sĩ Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế đã nhấn mạnh phương hướng nhiệm vụ của toàn ngành trong thời gian tới: “Toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt điều chỉnh “Quy hoạch phát triển sự nghiệp BV&CSSKND giai đoạn 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020”. Đặc biệt chú trọng thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của ngành, đặc biệt là y tế dự phòng và KCB. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe phải được thực hiện trước hoạt động phòng chống dịch bệnh, để người dân hiểu, chủ động thực hiện và phối hợp tốt với cán bộ y tế trong phòng chống dịch bệnh, KCB và thực hiện thành công các CTMTQG về y tế”.
15 năm qua, ngành y tế Bình Dương đã phát triển vượt bậc. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, ngành y tế tỉnh nhà được xã hội hóa, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, mang tuổi thọ đến mọi nhà, mọi người.
Giám đốc Sở Y tế - bác sĩ LỤC DUY LẠC:
“Nâng cao chất lượng công tác KCB, tạo sự hài lòng cho khách hàng”
Năm 2012 và những năm tiếp theo, tiếp tục củng cố và phát triển mạng lưới KCB các tuyến. Tăng cường giáo dục y đức, dược đức, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế. Kết hợp phát triển dịch vụ KCB phổ cập với phát triển kỹ thuật cao. Điều chỉnh phân tuyến kỹ thuật theo hướng mở rộng dịch vụ, kỹ thuật y tế, đặc biệt là tuyến dưới, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng ở nơi gần nhất.
Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm xã hội để thực hiện tốt Luật Bảo hiểm y tế tại tất cả các tuyến. Thực hiện tốt KCB trẻ em dưới 6 tuổi, các đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo trong tỉnh. Hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo, bảo đảm công bằng trong KCB cho nhân dân. Thực hiện tốt Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm phát huy vai trò trách nhiệm, cung cấp cho xã hội nhiều dịch vụ y tế chất lượng, quản lý hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng KCB, tạo sự hài lòng cho người bệnh.
Bảo Anh