Bình Dương có bước đi đúng hướng, vững chắc trong xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 07-12-2019 | 09:49:02

Hôm qua (6-12), tỉnh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020. Tham dự hội nghị có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.


Thừa ủy nhiệm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Nam (giữa), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Huân chương Lao động hạng ba cho tỉnh Bình Dương đã có thành tích xuất sắc dẫn đầu trong phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Ảnh: T.PHƯƠNG

Những kết quả ấn tượng

Từ năm 2010, tỉnh đã triển khai thực hiện thí điểm xã NTM tại 3 xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên), Thanh An (huyện Dầu Tiếng), An Sơn (TX.Thuận An), tạo tiền đề, kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; các xã thí điểm đều được công nhận xã đạt chuẩn NTM trong giai đoạn đầu. Sau khi chương trình NTM được Chính phủ ban hành, tỉnh đã ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai đồng bộ cho các xã trong tỉnh.

Đến nay, Bình Dương là 1 trong 8 tỉnh, thành phố trong hoàn thành 100% xã NTM. Toàn tỉnh có 46/46 xã đạt chuẩn NTM, 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; các xã đang tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; 3/7 đơn vị huyện, thị đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Với những kết quả đạt được, nhân dịp này Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho nhân dân và cán bộ tỉnh Bình Dương vì đã có thành tích xuất sắc dẫn đầu trong phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2010-2019, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tặng Huân chương Lao động hạng ba cho nhân dân và cán bộ TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 3 xã NTM đã có thành tích trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể, tổ chức, doanh nghiệp có đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng NTM của tỉnh.

Từ những kết quả bước đầu đạt được trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, giai đoạn 2016-2020 các địa phương trong tỉnh tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí. Đến nay, hầu hết các cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống điện, giao thông, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống bảo vệ môi trường của xã, ấp... đều có bước phát triển đáng kể, tạo diện mạo, tạo sức sống mới cho khu vực nông thôn trong tỉnh. Toàn tỉnh có 100% đường huyện, đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; hệ thống trường học, y tế, hệ thống thiết chế văn hóa 100% đạt chuẩn; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,99%, trong đó nước sạch đạt 73%...

Tổng vốn đầu tư cho xây dựng NTM giai đoạn 2010- 2019 của tỉnh trên 25.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 12.750 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 49,53%; vốn doanh nghiệp 3.890 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 15,13%; vốn cộng đồng dân cư 4.564 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 17,75%; vốn tín dụng 3.670 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 14,28%; vốn huy động từ nguồn khác 724 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,81%; vốn thực hiện chính sách gần 120 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,46%; vốn khen thưởng Trung ương 12 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý, thực hiện xây dựng NTM, thu nhập của người dân vùng nông thôn trong tỉnh ngày càng được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần có những chuyển biến tích cực; nhận thức của người dân được nâng lên rõ nét, thụ hưởng văn hóa ngày càng cải thiện; khoảng cách giữa thành thị và vùng nông thôn được thu hẹp. Đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của các xã NTM trong tỉnh đạt 58 triệu đồng.

Bà Lê Ngọc Bé, ở xã Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên, chia sẻ qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn ở địa phương có nhiều khởi sắc; các công trình, dự án phúc lợi như điện, đường, trường, trạm… được đầu tư. Từ đó đã góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân được nâng cao. “Nhờ thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM nên bà con trong xã ai cũng phấn khởi”, bà Bé tâm tình.

Cách làm hay, sáng tạo

Có thể khẳng định, chính từ chủ trương ban đầu là không chạy theo hình thức, quyết tâm chú trọng đến chất lượng xây dựng NTM nên chương trình NTM tỉnh thực hiện có những bước đi đúng hướng, vững chắc. Điều đáng mừng là không có địa phương nào trong tỉnh xảy ra hiện tượng nợ công trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ NTM. Đây là kết quả nổi bật, tạo dấu ấn riêng của Bình Dương so với các địa phương khác trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Qua 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia, tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Từ phong trào, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng khang trang, “xanh - sạch - đẹp”; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã ghi nhận và biểu dương những thành tích đã đạt được và sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp; đặc biệt là những nỗ lực, quyết tâm đầy trách nhiệm của chính quyền và nhân dân các xã trong thực hiện phong trào xây dựng NTM, góp phần quan trọng vào sự thành công của chương trình xây dựng NTM của tỉnh 10 năm qua. Ông đề nghị trong giai đoạn tiếp theo, các sở, ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhân dân cần gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; quan tâm triển khai thực hiện tốt chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Cùng với đó, ông yêu cầu các ngành, các cấp chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ, từ đó làm cơ sở thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, các ngành, các cấp, đơn vị liên quan, người dân triển khai đầu tư phát triển các mô hình có tính thiết thực, phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả cao, có tính nhân rộng; đồng thời gắn với chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân…

Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có từ 12 - 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu; 100% huyện, thị đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Bình quân mỗi huyện, thị có từ 2 - 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn tỉnh đạt 70 - 75%; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 7,5 vào cuối năm 2020; số giường bệnh/vạn dân đạt 27 giường (không tính tuyến xã). Hàng năm, tỉnh giải quyết việc làm cho 45.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh giảm 1%/ năm so với đầu năm; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ độ che phủ rừng, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp lâu năm đạt 57,5%.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên