Bình Dương: Địa chỉ giao thương mới của các sản phẩm cà phê nhân

Cập nhật: 13-10-2012 | 00:00:00

Nhắc đến cà phê là nhắc đến một sản phẩm đặc trưng của vùng đất đỏ bazan màu mỡ Tây nguyên. Nhưng rất có thể, trong thời gian tới giới buôn bán cà phê thế giới sẽ tìm đến Bình Dương như là một địa chỉ giao thương quen thuộc các sản phẩm cà phê nhân…

Container kéo về Bình Dương

Bình Dương xưa nay chỉ nổi tiếng về cây cao su với vùng nguyên liệu rộng lớn và kỹ thuật bài bản. Ngoài ra, còn có một số cây công nghiệp khác như điều, tiêu… nhưng sản lượng không đáng kể. Ấy vậy mà trong thời gian gần đây, Bình Dương nổi lên như là một trung tâm sản xuất, chế biến cà phê lớn của cả nước. Có thể kể đến một số nhà sản xuất lớn trong nước đã đặt nhà máy chế biến tại Bình Dương như Anh Linh, Bắc Hà, Trường Ngân (Tân Uyên), Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên (Thuận An), Intimex Bình Dương, Intimex Mỹ Phước, Nam Nguyệt (Tân Uyên)… Tất cả các công ty này đều có sản lượng ước đạt từ 100 - 400 tấn/năm. Không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước, từ năm 2009 đến nay cũng đánh dấu sự góp mặt của hàng loạt nhà sản xuất cà phê nước ngoài tìm đến Bình Dương đặt nhà máy làm ăn. Có thể kể đến một số cái tên như Loui (Thụy Sỹ), Sunwah (Đài Loan), Noble (Mỹ), Coffe Mix (Singapore)…

 

Rõ ràng, công nghiệp chế biến cà phê tại Bình Dương đang bước theo lộ trình của chính ngành chế biến gỗ trước đó. Dù không phải là vùng nguyên liệu nhưng hàng ngàn bao cà phê vẫn ào ào đổ về Bình Dương trước khi được đưa vào băng chuyền sản xuất. Sở dĩ có điều này là vì Bình Dương có quá nhiều thuận lợi so với chính Tây nguyên, nơi được xem là “thủ phủ” của cà phê.

Trong một thời gian dài, người ta hay nhắc đến việc kéo container về Tây nguyên để chế biến cà phê, biến nơi đây thành trung tâm sản xuất lớn của cả nước. Tuy nhiên, sự xuống cấp của quốc lộ 14 và việc không có cảng biển khiến chính nhà sản xuất e ngại việc đầu tư nhà máy sản xuất ngay chính tại vùng nguyên liệu cà phê. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cà phê Conntrol tính toán: “Sản xuất cà phê tại Tây nguyên nhưng lại phải vận chuyển bằng container hoặc xe tải xuống tận các cảng biển TP.HCM hay Quy Nhơn là một rủi ro cực kỳ lớn, các doanh nghiệp không thể chủ động về chất lượng sản phẩm cũng như các chi phí phát sinh từ việc lưu bãi, lưu container và đối tác thay đổi kế hoạch nhận hàng”. Chính vì thế, các nhà đầu tư bắt đầu nghĩ tới việc nên tập trung cà phê thô về Bình Dương để sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo các phép tính trong ngành, chi phí chuyên chở đối với cà phê thô là 500 đồng/kg và phí lưu kho trước khi sản xuất là 100 đồng/kg đã có thể sản xuất và xuất khẩu. Trong khi đó, nếu sản xuất tại Tây nguyên, nhà sản xuất vẫn phải đầu tư đội vận chuyển hiện đại, chi phí vận chuyển là 400 đồng/ kg từ vùng nguyên liệu về nhà máy. Nếu tính phí vận chuyển, lưu kho về các cảng xuất khẩu sẽ tăng lên nhiều.

Ngoài ra, Bình Dương còn là địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư. Anh Nguyễn Văn Huân, một chủ doanh nghiệp cà phê mới đầu tư tại Bến Cát cho biết: “Cơ chế chính sách của Bình Dương rất thông thoáng cộng thêm cơ sở hạ tầng tuyệt vời khiến cho nhà đầu tư khó cưỡng lại được sức hấp dẫn. Bình Dương cũng là nơi gần các cảng lớn nên doanh nghiệp chủ động trong khâu xuất khẩu sản phẩm, bảo đảm về uy tín và chất lượng với đối tác nước ngoài”.

Không chỉ là sản xuất

Ngành sản xuất, chế biến cà phê Bình Dương tuy mới phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây nhưng cũng có sản lượng lên đến hàng ngàn tấn mỗi năm với hàng chục nhà máy sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, Bình Dương theo chính dân trong ngành lại có nhiều lợi thế hơn về mặt phát triển các dịch vụ xuất khẩu cà phê. Nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, là cửa ngõ của TP.HCM đi Tây nguyên lại cách cảng biển lớn như cảng Sài Gòn, cảng Cát Lái… không xa nên doanh nghiệp rất chủ động trong việc giao nhận cà phê trong và ngoài nước. Chính vì thế, các dịch vụ trao đổi, mua bán cà phê giờ đây không chỉ diễn ra ở các rẫy cà phê tận Tây nguyên mà nó được thực hiện phần lớn ở Bình Dương, nơi có hàng chục nhà máy chế biến cần nguyên liệu và có hơn chục kho chứa cà phê quy mô lớn.

Tại Bình Dương, trong những năm gần đây xuất hiện các tổng kho cà phê lớn như Anh Linh, Bắc Hà, Trường Ngân, Nam Nguyệt và mới đây là sự góp mặt của Công ty CPTM cà phê Sóng Thần. Các kho cà phê này không chỉ có chức năng sản xuất cà phê mà còn trở thành nơi trung chuyển hàng hóa quy mô lớn. Lâu nay, các đại lý thu mua ở Tây nguyên thường phải chịu rủi ro rất lớn khi thu mua rồi cho xe vận chuyển cà phê đến tận cảng chờ xuất. Tuy nhiên, sự ra đời của các kho cà phê lớn kể trên tại Bình Dương khiến cho không chỉ đại lý thu mua mà cả nhà sản xuất lẫn đối tác nước ngoài gặp nhiều thuận lợi. Với khả năng trung chuyển lớn và dịch vụ xuất nhập khẩu trọn gói, các kho sẽ là trung gian gắn liền đại lý thu mua với khách hàng. Theo đó, đại lý tại Tây nguyên chỉ thu gom cà phê rồi ký gửi vào kho ở Bình Dương. Kho lại kết nối với một số ngân hàng có uy tín chịu đứng ra ứng trước đến 70% số tiền hàng. Sau đó, các kho cà phê kể trên lại đảm trách luôn khâu xuất khẩu hoặc chế biến cà phê thô cung cấp cho các nhà sản xuất lớn trong và ngoài nước.

Có thể nói, song song với việc nhà đầu tư tập trung về mở nhà máy sản xuất tại Bình Dương thì việc xuất hiện các kho cà phê quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu và dịch vụ xuất khẩu là một tất yếu. Điều đó nói lên rằng, ngành công nghiệp chế biến cà phê Bình Dương được dự đoán sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần. Và biết đâu, “thủ phủ” cà phê sẽ dời chuyển về đất Thủ?

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên