Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện PCI

Cập nhật: 14-05-2017 | 22:55:19

Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo chính thức tổng kết tình hình, kết quả thực hiện Đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Dương năm 2016. Qua đó, UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đề ra những mục tiêu mới cho việc cải thiện PCI trong thời gian tới.

Bình Dương tiếp tục đề ra nhiều giải pháp tăng cường nâng cao PCI trong thời gian tới. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp A, TX.Dĩ An). Ảnh: XUÂN THI

Không “ngủ quên” trên thứ hạng

Báo cáo PCI năm 2016 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xây dựng trên kết quả khảo sát từ hơn 10.000 doanh nghiệp. Theo đó, Bình Dương đạt được 63,57 điểm, đứng thứ 4 của bảng xếp hạng, thuộc nhóm 6 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm “Rất tốt”. So với năm 2015, PCI của tỉnh tăng 21 bậc, tương ứng mức tăng là 4,68 điểm.

Có thể nói, Bình Dương đã đánh dấu sự trở lại ngoạn mục, hết sức ấn tượng trên bảng xếp hạng PCI. Nhưng đây không phải là bước nhảy vọt bất ngờ đối với tỉnh, kết quả này có được chính là sự nỗ lực cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh từ nhiều năm qua. Qua kết quả PCI của Bình Dương có thể thấy, một số điểm nổi bật rất đáng chú ý. Đầu tiên là chỉ số cơ sở hạ tầng, được đánh giá qua 4 chỉ tiêu thành phần gồm: Khu công nghiệp, đường giao thông, các dịch vụ năng lượng và điện thoại, dịch vụ internet được đánh giá đứng đầu cả nước, thuộc nhóm 5 tỉnh tốt nhất (cùng với Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Vĩnh Phúc). Tiếp theo là kết quả khảo sát các doanh nghiệp về việc lựa chọn tỉnh, thành phố muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, Bình Dương là “1 trong 10 địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất Việt Nam”, đứng thứ 4 sau TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội.

Nhìn chung, PCI ghi nhận nhiều chỉ số thành phần của Bình Dương khả quan hơn năm 2015. Tuy nhiên, có 3 lĩnh vực cần được đẩy mạnh cải thiện hơn nữa là Chi phí gia nhập thị trường (hạng 49/63), dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (30/63) và chỉ số Cạnh tranh bình đẳng (31/63). Mặc dù chỉ số Tiếp cận đất đai và Thiết chế pháp lý có sụt giảm trong năm 2016 nhưng mức giảm là không đáng kể. Chẳng hạn, chỉ số Tiếp cận đất đai dù sụt giảm nhưng vẫn xếp hạng 5 cả nước.

Đánh giá về kết quả PCI 2016, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong thời gian qua Bình Dương đã chuẩn bị kỹ càng, có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện PCI nhằm tiếp tục mang lại sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, việc tăng điểm và trở lại với vị trí cao trên bảng xếp hạng PCI không có nghĩa là Bình Dương có quyền thỏa mãn với kết quả đạt được. Ngược lại, các ngành, các cấp và địa phương trong tỉnh cần xem đây là một thách thức mới, thách thức giữ vững điểm số và tiếp tục nâng cao PCI để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp của tỉnh.

Tiếp tục cải thiện PCI

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ số thành phần PCI 2016 của địa phương, Bình Dương tiếp tục đề ra các biện pháp tăng cường cải thiện PCI. Chẳng hạn, ở chỉ số Chi phí gia nhập thị trường, trong 12 chỉ tiêu khảo sát của VCCI năm 2016 tỉnh có 7/12 chỉ tiêu được cải thiện, 2 chỉ tiêu không thay đổi và 3 chỉ tiêu bị đánh giá sụt giảm. Để cải thiện chỉ số này, trong thời gian qua, Bình Dương đã nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12-3-2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.... Tỉnh cũng đã đề ra nhiều giải pháp đột phá triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan hữu quan để có thể giúp doanh nghiệp phát triển ổn định.

Ở chỉ số tính minh bạch, thông qua các kênh thông tin, truyền thông chính thống của tỉnh như Báo Bình Dương, Cổng thông tin điện tử, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương..., việc công khai minh bạch thông tin về các kế hoạch, ngân sách của tỉnh được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng theo phương hướng đã đề ra.

Một trong những chỉ số Bình Dương cần cải thiện hơn nữa trong thời gian tới là Chi phí không chính thức. Đây là một trong các chỉ số được khảo sát mà doanh nghiệp tỏ ra lạc quan nhất khi có đến 5/5 chỉ tiêu thành phần được doanh nghiệp đánh giá khả quan hơn năm 2015. Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh của Bình Dương tiếp tục được cải thiện và minh bạch hơn. Tuy vậy, trong thời gian tới tỉnh vẫn sẽ tiếp tục nâng cao tính minh bạch và năng lực, phẩm chất cán bộ, công chức nhằm cải thiện chỉ tiêu tỷ lệ doanh nghiệp phải chi phí không chính thức để đạt kết quả như mong muốn.

Ngoài ra, ở các chỉ số về tính năng động của chính quyền, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động... tuy trong năm 2016 đã đạt ở mức cao nhưng Bình Dương vẫn tiếp tục tăng cường cải thiện bằng nhiều biện pháp, giải pháp. Tất cả đều vì mục tiêu luôn nâng cao PCI, qua đó cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thật tốt cho người dân và doanh nghiệp khi đến đầu tư, làm việc tại Bình Dương.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên