Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Bình Dương nỗ lực cải thiện PCI

Thứ năm, ngày 13/06/2013
Theo dõi Báo Bình Dương trên

  Năm 2012, Bình Dương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với trên 2,8 tỷ USD, chiếm gần 20% tổng số vốn FDI thu hút được của cả nước. Trong ảnh: Sản xuất dây dẫn điện xe hơi tại Công ty TNHH Yazaki Eds Việt Nam tại Bình Dương

Số lượng DN được khảo sát quá ít

PCI là một chỉ số đánh giá về môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung của các địa phương nhưng lại chỉ tiến hành khảo sát đối với khu vực DN dân doanh. Mặt khác, số lượng DN được khảo sát lại quá ít so với số lượng DN thực tế. Điều này đặt ra dấu hỏi về mặt logic và với cách khảo sát, đánh giá như vậy, PCI đã phản ánh một cách đầy đủ và chính xác tình hình thực tế môi trường đầu tư, kinh doanh tại các địa phương chưa? Trong năm 2012, VCCI và đơn vị đồng thực hiện chỉ tiến hành khảo sát trên 8.000 DN, một con số quá ít so với con số hàng trăm ngàn DN trên cả nước. Tại Bình Dương, VCCI chỉ tiến hành khảo sát khoảng 200 DN, trong đó chỉ có 30% DN có phản hồi và như vậy cũng chỉ có khoảng 60 DN trả lời khảo sát. Khoảng 60 DN/ hơn 13.000 DN dân doanh của Bình Dương là 1 tỷ lệ quá nhỏ để đánh giá thực trạng môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương. Ông Lê Văn Trang, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng, do số lượng DN được khảo sát quá ít so với tổng số DN đang có nên tỷ trọng đánh giá sẽ rất thấp.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường PHẠM DANH: Rất băn khoăn khi chỉ số PCI giảm

“…Năm 2011 PCI của Bình Dương rớt xuống hạng 10, ngành TN-MT đã rất trăn trở, qua đó đã tiến hành rà soát các nội dung liên quan đến chỉ số thành phần để xây dựng kế hoạch cải thiện. Tuy nhiên, dù đã quan tâm tìm cách nâng cao chỉ số PCI, năm 2012 chỉ số này của Bình Dương lại tiếp tục giảm. Điều này càng khiến chúng tôi băn khoăn…”.

Cũng theo ông Trang, phương pháp chọn mẫu DN khảo sát ra sao cũng cần phải làm rõ. Trong nền kinh tế hiện nay, khi đối tượng khảo sát chỉ nằm trong đối tượng DN dân doanh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là DN nhỏ và vừa, sử dụng phần lớn vốn từ ngân hàng. Trong những năm qua, kinh tế thế giới và trong nước bất ổn, lạm phát cao, lãi suất tăng mạnh, chi phí đầu vào lớn, đầu ra khó khăn khiến các DN này thua lỗ, đình trệ sản xuất. Do đó, về mặt tâm lý, các DN nhỏ và vừa sẽ cảm thấy bất an. Nếu các phiếu khảo sát chọn mẫu rơi vào các DN khó khăn, thua lỗ sẽ rất khó có được phản hồi chính xác, khách quan. Từ đó, xếp hạng PCI tỉnh này cao, tỉnh kia thấp, cũng khó mà bảo đảm tính khách quan.

Tiêu chí khảo sát đã phù hợp?

Đi vào chi tiết một số tiêu chí mà VCCI khảo sát để đánh giá xếp hạng PCI, Cục trưởng Cục Thuế Bình Dương cho rằng, việc lấy số thời gian cụ thể để đánh giá việc thanh tra thuế cũng cần phải xem lại. “…Bình Dương như phản ánh của DN qua khảo sát mất 4 giờ, một số địa phương khác thấp hơn. Việc thanh tra thuế mà chỉ mất có 4 giờ thôi thì rất vô lý. Có DN khi cần phải thanh tra cũng mất ít nhất là 5 ngày đến 1 tháng, thậm chí nếu phức tạp cũng phải gia hạn đến 2 tháng! Mặt khác, đối với trường hợp các DN đến làm thủ tục hoàn thuế. Việc hoàn thuế có nghĩa là trả lại tiền từ ngân sách Nhà nước cho DN. Do vậy, về nguyên tắc, ngành thuế phải kiểm tra hồ sơ DN, hóa đơn mua hàng đầu vào ra sao, đầu ra thế nào… là bình thường. Với 1 DN hoàn thuế nhiều lần trong 1 năm, việc thanh kiểm tra nhiều lần cũng hết sức bình thường. Vậy, tại sao lại đưa tiêu chí này để khảo sát, làm thước đo đánh giá? Ở đây, rõ ràng cần phải xem lại phương pháp đánh giá, khảo sát PCI…”, ông Trang thắc mắc.

Cục trưởng Cục Thuế Lê Văn Trang: Không xem thường PCI

“Chúng tôi luôn được lãnh đạo địa phương chỉ đạo, quán triệt, không xem thường PCI và phải có biện pháp để nâng cao chỉ số này nhưng trên cơ sở PCI phải có được tính chuẩn xác tương đối. Bình Dương trước đây luôn đứng đầu về PCI rồi rớt dần khiến chúng tôi dù chỉ là người đứng đầu một ngành thôi cũng thấy rất trăn trở, bức xúc. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế, tôi không nghĩ chỉ số PCI của Bình Dương lại giảm “quá nhiều” như vậy…”.

Còn ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh cho biết, ngành TN-MT liên quan 7 trong 9 chỉ tiêu thành phần của PCI. Trong chỉ số thành phần về tiếp cận đất đai có tiêu chí về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức và các DN. Theo báo cáo của VCCI, các số liệu này được lấy từ Bộ TN-MT, Bình Dương chỉ đạt 64%. Trên thực tế, Bình Dương nhiều năm qua việc cấp giấy chứng nhận này luôn đứng top đầu của cả nước, riêng việc cấp cho các tổ chức hiện đã đạt trên 90% nhiều năm qua. VCCI lấy từ Bộ TN-MT chưa phản ánh đúng thực tế và tiêu chí về tiếp cận và tính ổn định đất đai của Bình Dương đương nhiên tụt giảm một cách “oan uổng”! (năm 2012 giảm 15 bậc). Cũng theo ông Danh, một tiêu chí khác về đất đai, đó là giá đất có sát với giá thị trường hay không cần phải xem lại. Ở Bình Dương, việc tính giá đất dựa trên giá Nhà nước ban hành chỉ áp dụng đối với các loại thuế, lệ phí nên định giá thấp. Tuy nhiên, khi bồi thường thu hồi đất thì lại xác định cụ thế từng vị trí một để áp giá nhằm bảo đảm bám sát thị trường. Như vậy, cơ chế áp 2 giá đất đai ở Bình Dương rất rõ ràng nhưng không biết DN khi đánh phiếu khảo sát sử dụng loại giá nào? Vì vậy, việc xem xét về giá đất cũng có thể gây ra những nhầm lẫn, ảnh hưởng đến chỉ số PCI nói chung…

THÀNH SƠN