Bài 2: Nâng cao PCI dưới góc nhìn của doanh nghiệp
> Bài 1: Không phải vì cuộc đua thứ hạng
Bất ngờ trước sự sụt giảm chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, thành (PCI) của địa phương trong năm 2012, bởi về cơ bản, môi trường sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương hiện vẫn thuộc top đầu của cả nước, Chủ tịch Hiệp hội Gốm Sứ Bình Dương Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương Trần Thành Trọng và Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Huỳnh Quang Thanh chỉ ra sự sụt giảm PCI năm qua là do “một vài con sâu làm rầu nồi canh”. Vì vậy, theo đại diện các hiệp hội, ngành hàng này, nếu chính quyền xử lý được hiện tượng trên, chắc chắn PCI của địa phương sẽ trở lại vị trí xứng đáng như vốn có…
Với môi trường kinh doanh thuận lợi, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương đã nâng tầm thương hiệu ra phạm vi toàn cầu. Trong ảnh: Gốm sứ Minh Long I - một trong những thương hiệu mạnh của Bình Dương
Chuyện nhỏ hóa lớn
Ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Long I, khẳng định: “Thực tế, môi trường kinh doanh tại địa phương quá lý tưởng và nếu chúng tôi không ở Bình Dương sẽ không có Minh Long I ngày hôm nay…”.
Cũng theo ông Minh, trong quá trình sản xuất, đôi khi doanh nghiệp (DN) cũng gặp một vài sự vụ bất hợp lý và nếu được giải quyết ngay thì những khúc mắc giữa DN với ngành chức năng sẽ thông suốt. Chẳng hạn, hiện nay tại lĩnh vực sử dụng điện, quy định mỗi năm phải kiểm tra định kỳ 1 lần. Với những DN làm tốt, năm nào cũng bị kiểm tra thì cũng thấy hơi phiền hà, tốn kém. Nếu như ngành điện thấy DN đã làm tốt nhiều năm liền thì nên hạn chế tần suất kiểm tra lại, 2 - 3 năm 1 lần thì hợp lý hơn. Với ngành môi trường cũng vậy, 1 năm kiểm tra 2 lần nhưng nếu với các DN thực hiện nghiêm, chấp hành tốt việc bảo vệ môi trường liên tục nhiều năm liền, công tác kiểm tra nên bớt đi, giúp DN giảm chi phí và thời gian. Đôi khi những công việc mà chính quyền, ngành chức năng làm tốt tới 99% rồi nhưng chỉ cần vài yếu tố nhỏ nhặt cũng khiến DN cảm thấy không vừa lòng, thành ra chuyện lớn. Khi nhận phiếu khảo sát, do vẫn chưa vừa lòng 100% nên DN sẵn sàng “phê” không tốt vì DN ít khi báo chuyện tốt, thường chỉ báo chuyện xấu, chuyện bực mình.
“Có địa phương DN bức xúc ở những vấn đề lớn, có địa phương, DN chỉ gặp một vài chuyện lặt vặt nhưng khi khảo sát thì chuyện lớn hay chuyện nhỏ đều được DN coi là chưa vừa lòng trong khi bản chất thì khác nhau rất nhiều. Điều này đã làm “vàng”, “thau” lẫn lộn. Chính vì thế, để nâng cao PCI, chính quyền Bình Dương đã làm rất tốt những việc lớn rồi thì những việc nhỏ nhặt cũng cần giải quyết, xử lý để DN không còn lấn cấn, chắc chắn điểm số PCI cũng như môi trường kinh doanh của địa phương sẽ tốt hơn rất nhiều…”, ông Minh khuyến nghị.
“Con sâu làm rầu nồi canh”
Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương nhìn nhận: “Về tổng quan, các DN ngành cơ điện chúng tôi vẫn đánh giá rất cao môi trường đầu tư, kinh doanh tại Bình Dương. Tuy vậy, khi kết quả PCI năm 2012 được công bố, Bình Dương tiếp tục tụt hạng, đã làm rất nhiều người ngạc nhiên. Tôi dám chắc, từ lãnh đạo tỉnh đến lãnh đạo các sở, ban, ngành của Bình Dương đều rất bức xúc về kết quả này và rất khó lý giải vì sao PCI của địa phương lại giảm…”.
Ông Trọng cho rằng, lãnh đạo cấp trên luôn đau đáu làm sao để điều hành thật tốt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN nhưng có khi những người thực thi công vụ cấp dưới, thừa hành chưa đến nơi đến chốn, còn gây ra khó khăn cho DN. Điều này có thể là một lý do khiến DN đánh giá thấp về địa phương trong phiếu khảo sát. “Đơn cử, khi DN chúng tôi đi làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, do tiết kiệm nên in 2 mặt toàn bộ hồ sơ nhưng khi đi làm thủ tục thì bị người tiếp nhận trả lại vì không cho phép in 2 mặt, trong khi đó tại Sở Kế hoạch - Đầu tư không có quy định nào cấm in 2 mặt cả!”, ông Trọng nói và giả thiết, nếu phiếu khảo sát đến tay DN gặp trường hợp này, chắc chắn sẽ có phản hồi tiêu cực. Vì vậy, để cải thiện PCI, lãnh đạo các cấp phải sát sao hơn trong chỉ đạo, giám sát đội ngũ công chức dưới quyền, bảo đảm ý nguyện tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho DN đầu tư, kinh doanh được thực thi trên thực tế.
Đồng quan điểm này, Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho rằng, có thể có việc các cán bộ cấp dưới, thừa hành công vụ, gây khó khăn cho DN, để rồi khi ngẫu nhiên có 1 lá phiếu trong số những lá phiếu khảo sát ít ỏi mà VCCI dành khảo sát đối với DN Bình Dương, đến tay DN bị gây phiền hà, nhũng nhiễu, từ đó chấm điểm kém đi. Để xử lý những tiêu cực này lãnh đạo chính quyền, các sở ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ hơn cán bộ, công chức cấp dưới. Chẳng hạn, khi thực hiện thủ tục hành chính, cơ quan chức năng có yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ, hồ sơ, cần có văn bản yêu cầu, có chữ ký của lãnh đạo, nhân viên thừa hành không có cơ hội nhũng nhiễu DN…
PCI của địa phương liên tục giảm là chuyện bất ngờ
“Với tư cách của một DN, khi chúng tôi quyết định chọn Bình Dương là nơi đầu tư để sản xuất, kinh doanh đã tìm hiểu rất kỹ. Bình Dương có vị trí địa lý, địa hình lý tưởng, dễ làm ăn. Lãnh đạo chính quyền có quan điểm thông thoáng, cởi mở, năng động và sẵn sàng gặp gỡ, giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN nên chúng tôi mới có mặt tại đây. Về chỉ số PCI của Bình Dương, qua nhiều lần tiếp xúc, trao đổi với chính quyền, chúng tôi nhận thấy các vị lãnh đạo ai cũng đau đáu cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn cũng như nâng cao chỉ số PCI. Tuy vậy, từ khởi điểm Bình Dương luôn đứng đầu bảng xếp hạng, những năm gần đây PCI của địa phương lại liên tục giảm là chuyện bất ngờ…”.
Ông HUỲNH QUANG THANH (Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương)
THÀNH SƠN