Bình Dương phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới: Đa dạng nhiều giải pháp

Cập nhật: 30-09-2010 | 00:00:00

Sau 5 năm (2006-2010) thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương, chuẩn nghèo của tỉnh áp dụng cho giai đoạn này đã được nâng lên và điều chỉnh 2 lần phù hợp với tình hình phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Bình Dương cơ bản thoát nghèo trước thời hạn 2 năm so với Nghị quyết của tỉnh Đảng bộ đề ra giai đoạn 2006-2010. Cuộc sống người nghèo đã có nhiều thay đổi tích cực, được cải thiện rõ rệt. Bình Dương hiện đang xây dựng chuẩn nghèo mới để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn mới 2010-2015.

Đã hoàn thành kế hoạch

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015 đánh giá: chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương được các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và nhân dân tham gia tích cực. Đã huy động được nhiều nguồn vốn cho các đối tượng nghèo vay, góp phần giảm trên 21.000 hộ nghèo. Năm 2008, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí cũ (Nghị quyết đến năm 2010 cơ bản không còn hộ nghèo). Năm 2010, còn khoảng 2% hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh ban hành năm 2009. Theo phương hướng mục tiêu đến năm 2015, chú trọng các chương trình phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm và giảm nghèo, ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015, phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh.

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, Bình Dương là một trong những địa phương điển hình của cả nước thành công về công tác giảm nghèo. Thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, với phương châm: “Bằng nguồn lực của Nhà nước và toàn xã hội, tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề...”, Bình Dương đã tạo được bước đột phá trong công tác giảm nghèo. Đầu năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2006-2010: Vùng nông thôn thu nhập bình quân đầu người dưới 400.000 đồng/tháng (4,8 triệu đồng/người/năm). Vùng thành thị thu nhập bình quân đầu người dưới 500.000 đồng/tháng (6 triệu đồng/người/năm). Như vậy đầu giai đoạn 2006, hộ nghèo toàn tỉnh 15.760 hộ chiếm tỷ lệ 8,78%, sau 3 năm thực hiện (2006-2008), đã có 6/7 huyện, thị xã và 82/89 xã, phường, thị trấn cơ bản thoát nghèo. Hộ nghèo toàn tỉnh còn 1.950 hộ , tỷ lệ 0,99%, như vậy Bình Dương đã cơ bản thoát nghèo trước thời hạn 2 năm. Do yêu cầu giảm nghèo cơ bản, đến đầu năm 2009, Bình Dương tiếp tục nâng chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2009-2010 như sau: Hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 780.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 600.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn, theo chuẩn nghèo đến cuối năm 2009 toàn tỉnh còn lại 7.417 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,45%. Với chuẩn nghèo như vậy, cuối năm 2010, Bình Dương giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra theo chuẩn nghèo mới của tỉnh giai đoạn 2009-2010 (trong khi tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước 10%). Như vậy, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành trong cả nước có tỷ lệ hộ thoát nghèo cao nhất.

  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị trao học bổng P&G cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏiNhững chính sách của Bình Dương

Điều kiện kinh tế phát triển tác động đến các giải pháp an sinh xã hội và chương trình mục tiêu giảm nghèo, xã hội hóa mạnh mẽ, sự quan tâm đầu tư đồng bộ nhiều chính sách thiết thực giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đạt được kết quả như trên, Bình Dương có những chính sách đột phá riêng để áp dụng cho chương trình mục tiêu giảm nghèo phù hợp với môi trường phát triển về kinh tế - xã hội của từng địa phương. Trong những chính sách tạo bước đột phá trong chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương thì có thể kể một số chính sách thực hiện hiệu quả như: Đã cấp kinh phí hàng tỷ đồng để đào tạo và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, lao động nằm trong vùng quy hoạch; Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đi sâu sát với từng hộ nghèo để kịp thời có giải pháp giúp đối tượng thoát nghèo; Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách và các đoàn thể đã phát huy được tác dụng. Những đối tượng hộ nghèo, học sinh, sinh viên được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi; Một số chính sách an sinh xã hội như: Cấp thẻ BHYT cho 100% hộ nghèo, hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo. Đặc biệt, chính sách cứu trợ thường xuyên tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng yếu thế, trong đó đã có hơn 17.000 đối tượng thuộc

diện bảo trợ xã hội được hưởng chính sách với mức 340.000 đồng/người/tháng (cao gấp 2 lần so với Nghị định 13 của Chính phủ); Phong trào “Lá lành đùm lá rách”, “An cư lạc nghiệp” là một trong những thế mạnh mà Bình Dương đã thực hiện để giúp người nghèo nhanh chóng thoát nghèo. Đây được xem là một trong những chính sách “đặc trưng” của Bình Dương không dùng kinh phí nhà nước mà chỉ sử dụng kinh phí từ “Quỹ vì người nghèo” ở các cấp để xây tặng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

VĂN SƠN

Phó Chủ tịch UBMTTQ VN tỉnh Trần Thị Sơn: Khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chăm lo cho người nghèo, trong những năm qua, các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia ủng hộ cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của tỉnh hàng chục tỷ đồng; đã chung tay, góp sức cùng với tỉnh hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết trong và ngoài tỉnh; đã góp phần chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo với kinh phí hơn 67 tỷ đồng. Nhằm thiết thực hỗ trợ giúp đỡ người nghèo cải thiện về nhà ở, phát triển kinh tế gia đình, học hành, chữa bệnh... trong thời gian tới, Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung cuộc vận động nhằm khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, ý thức tự nguyện, tự giác tham gia cuộc vận động với khả năng, điều kiện của mình thiết thực giúp đỡ những người nghèo, hộ nghèo thoát nghèo một cách bền vững; đồng thời đa dạng hóa các hình thức vận động, phát huy sức mạnh tổng hợp của mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc huy động các nguồn lực ủng hộ Quỹ vì người nghèo. Trước mắt, trong năm 2010, tập trung hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ xây dựng 521 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo và hỗ trợ phẫu thuật cho 31 trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh để lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp và 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18.11.1930 - 18.11.2010).

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Quốc Bình: Giúp đỡ kịp thời những hộ nghèo

Chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương đã đi vào giai đoạn mới, nhiều giải pháp được đặt ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Như vậy, đến cuối năm 2010, Bình Dương cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo. Để ban hành chuẩn nghèo mới của tỉnh, UBND tỉnh vừa xin chủ trương Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét về chuẩn nghèo của tỉnh áp dụng cho giai đoạn 2010-2015 như sau: Khu vực nông thôn hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới 800 ngàn đồng/người/tháng và khu vực thành thị hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 1 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện chuẩn nghèo theo phương án này, ước tính tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chiếm 10%, toàn tỉnh sẽ có khoảng hơn 15.000 hộ nghèo và có khoảng hơn 7.000 hộ cận nghèo. Dự kiến theo phương án trên, mỗi năm sẽ phấn đấu giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, như vậy đến cuối năm 2015 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới. Để tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương trong giai đoạn 2011-2015 có hiệu quả, Bình Dương xem đây là một trong những công tác trọng tâm thường xuyên trong chương trình hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Thực hiện nhất quán quan điểm, phương châm của Đảng ta: Phát triển kinh tế gắn liền với giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội. Kêu gọi truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng mô hình nông thôn mới; duy trì ổn định phát huy hệ thống tổ chức cán bộ chuyên trách giảm nghèo ở xã, phường. Tăng cường tiếp xúc, kiểm tra, giúp đỡ kịp thời những hộ nghèo phát sinh...

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo Nguyễn Văn Long: Tăng cường vốn cho chương trình giảm nghèo

Phú Giáo là một huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh nên tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Trong nhiệm kỳ qua, thực hiện chương trình giảm nghèo Phú Giáo đã vận dụng nhiều chủ trương, chính sách phù hợp giúp đỡ những hộ nghèo vươn lên thoát nghèo một cách bền vững để góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo theo Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ (nhiệm kỳ 2005-2010) đã đề ra. Theo Nghị quyết Đại hội Huyện Đảng bộ (nhiệm kỳ 2010-2015) thì phấn đấu mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo Phú Giáo giảm từ 2,5 - 3% (theo tiêu chí mới của tỉnh). Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu này, Phú Giáo củng cố lại Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo của huyện và xây dựng lại quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo cho phù hợp với tình hình mới. Bằng nhiều nguồn vốn, tăng cường cho công tác giảm nghèo như: nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, vốn 120, vốn ủy thác của các đoàn thể... tạo điều kiện thuận lợi để nguồn vốn đến tận tay người nghèo. Các đoàn thể rà soát lại số hộ nghèo là thành viên của đoàn thể mình từ đó đề ra chương trình hỗ trợ cụ thể. Bằng nhiều hình thức, từ huyện đến cơ sở tranh thủ vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng góp hỗ trợ để xây dựng và tặng nhà đại đoàn kết...

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X