Bình Dương phát triển môn bi sắt

Cập nhật: 20-09-2018 | 11:26:42

Ban đầu, môn bi sắt là môn thi đấu của người dân, đồng bào dân tộc thiểu số tại một số địa phương ở huyện Phú Giáo và TX.Bến Cát, sau đó phát triển ra các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Hiện nay, môn bi sắt còn được chọn là môn thi đấu tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh, các giải thể thao trong tỉnh. Qua đó cho thấy sự phát triển của môn bi sắt trên địa bàn tỉnh ngày càng mạnh mẽ.


Sân chơi bi sắt tại TX.Dĩ An thu hút đông người tham gia

Địa phương phát triển mạnh

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), Phú Giáo là một trong những địa phương phát triển môn bi sắt. Yêu thích môn bi sắt vì nó giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, sự tập trung, người đồng bào dân tộc thiểu số Sán Chỉ ở ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập đã thành lập một nhóm chơi bộ môn này. Từ sự tự phát, sau đó đã thành lập câu lạc bộ (CLB) vào năm 2006, với khoảng 20 thành viên sinh hoạt thường xuyên. CLB ra đời không chỉ thu hút người dân trong xã Tam Lập đến thử sức mà còn có người dân trong huyện Phú Giáo đến tham gia CLB. Thấy được niềm đam mê của người dân đối với bộ môn này, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Phú Giáo đã phát động các xã, thị trấn thành lập CLB để người dân có sân chơi vui, bổ ích. Cũng từ đó, các địa phương lựa chọn vị trí phù hợp, cải tạo thành điểm đến lý tưởng cho những người yêu môn bi sắt. Cũng từ đó đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đã có CLB bi sắt. Một số xã còn thành lập CLB bi sắt tại các ấp. “Tôi gia nhập CLB bi sắt của xã Tam Lập được khoảng chục năm nay, ban đầu cứ tưởng chơi khó nhưng được hướng dẫn tập luyện vài lần, đến nay tôi đã thi đấu thành thạo. Không chỉ chúng tôi tập luyện để nâng cao sức khỏe, mà vui nhất là được huyện tuyển chọn tham dự các giải ở cấp tỉnh”, ông Lâm Văn Sự cho biết.

Địa phương phát triển mạnh nhất bộ môn bi sắt của Phú Giáo là xã Phước Hòa. CLB bi sắt xã được thành lập với 35 thành viên. Không chỉ tạo sân chơi cho những người yêu môn này mà xã còn tổ chức các giải bi sắt mở rộng. Mỗi năm xã tổ chức 1 - 2 giải, là cơ hội để những thành viên CLB bi sắt xã có cơ hội cọ xát, rút kinh nghiệm để thi đấu tốt hơn tại các giải huyện, giải tỉnh. Về phía huyện, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Phú Giáo cũng liên tục tổ chức các giải bi sắt để các CLB, vận động viên (VĐV) bi sắt gặp gỡ nhau. Cụ thể, môn bi sắt thường được tổ chức tại các giải mừng Đảng, mừng xuân của huyện và giải vô địch bi sắt. Bên cạnh đó, trung tâm còn lựa chọn những VĐV xuất sắc bồi dưỡng tham dự giải cấp tỉnh.

Tiềm năng của môn bi sắt

Môn bi sắt hiện nay đã được đưa vào hệ thống thi đấu của SEA Games và cả những giải vô địch châu Á, thế giới. Chính vì vậy, để phát hiện, bồi dưỡng những VĐV xuất sắc môn bi sắt cho tỉnh, hướng tới việc bổ sung lực lượng cho thể thao Việt Nam, Sở VH,TT&DL đã phát động phong trào tập luyện môn bi sắt trong toàn tỉnh. Tính đến nay, các huyện, thị, thành phố đều thành lập CLB bi sắt với hàng trăm người tham gia. Một số xã, trường học, công ty cũng có các nhóm chơi bộ môn này. Ông Đỗ Văn Toàn, Phó trưởng Phòng Quản lý thể dục thể thao Sở VH,TT&DL, cho biết: “Môn bi sắt đầu tư sân tập ít nên được nhiều người lựa chọn tập luyện. Môn này không quan trọng phải có thể lực tốt nên ai cũng có thể tham gia, thậm chí là trẻ em. Luật chơi môn bi sắt cũng khá đơn giản, chỉ cần có sân cát rộng khoảng 70m2 cùng một bộ bi sắt gồm 6 viên là có thể chơi. Người chơi được tập tư thế đứng ném, cách tính điểm là có thể thử sức”.

Không chỉ phát động, kêu gọi thành lập nhóm, CLB bi sắt, tỉnh còn tổ chức sân chơi để các VĐV có dịp cọ xát. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức giải vô địch bi sắt tỉnh; môn bi sắt được đưa vào các môn thi đấu trong Đại hội TDTT tỉnh; bi sắt cũng có mặt trong Liên hoan văn hóa - thể thao đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh… Qua các mùa giải, tỉnh đã lựa chọn VĐV xuất sắc tham dự giải bi sắt vô địch trẻ, thiếu niên toàn quốc. Để môn bi sắt tiếp tục phát triển, theo ông Nguyễn Phú Yên, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, thời gian tới, ngành thể thao tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, phát triển môn bi sắt bằng cách tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn môn bi sắt để họ “truyền lửa” đam mê cho người khác. Bên cạnh đó, ngành sẽ tổ chức các giải thi đấu, đồng thời phối hợp với ngành Giáo dục - Đào tạo, Đoàn Thanh niên, các hội, đoàn thể phát triển, xây dựng sân chơi bi sắt cho hội viên, học sinh, sinh viên.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên