Bình Dương đã và đang thu hút hàng trăm ngàn lao động (LĐ) đến làm việc tại các doanh nghiệp (DN). Xác định có thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân (CN) sẽ là “bàn đạp” để tái tạo sức LĐ, tăng cường khả năng sáng tạo của mỗi CN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp, quan tâm “nâng chất” đời sống CN. Ngoài ra, vấn đề bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được Bình Dương đặt lên hàng đầu.
Hội thi “Thanh niên thanh lịch” công nhân lao động các KCN Bến Cát lần I năm 2014 Ảnh: T.LÝ
Chăm lo đời sống CN
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 khu công nghiệp (KCN), trong đó 24 KCN đã đi vào hoạt động và 8 cụm công nghiệp, với hơn 744.000 CN (LĐ ngoài tỉnh chiếm hơn 628.000 người) đang trực tiếp LĐ tại hơn 12.450 DN. Phần lớn, CN đều có việc làm khá ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Song, trước tình hình giá cả thị trường “leo thang”, ảnh hưởng lớn đến đời sống của những người có thu nhập thấp, trong đó có CN. Trước thực trạng đó, Bình Dương đã chỉ đạo các cấp, các ngành, DN quan tâm, tạo mọi điều kiện để người lao động (NLĐ) yên tâm LĐ sản xuất. Cụ thể, việc xây dựng nhà ở xã hội của tỉnh, các DN đã giải quyết phần nào khó khăn về chỗ ở cho CN. Những CN gặp khó khăn được các cấp công đoàn (CĐ), DN hỗ trợ ổn định cuộc sống.
Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Primacy Việt Nam Trần Đức Hùng, cho biết: Công ty luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của CN. Đối với những CN gặp khó khăn đột xuất, CĐ trích quỹ, vận động anh em CN hỗ trợ kịp thời. Những trường hợp gia đình CN có tang lễ ở xa, công ty tạo điều kiện mua vé xe để CN về quê. Trong năm 2013, công ty đã vận động tặng gia đình CN có con bị hở van tim 30 triệu đồng; 2 CN bị tai nạn trên đường đi làm, mỗi trường hợp trên 15 triệu đồng… Từ những việc làm thiết thực, lực lượng CN làm việc tại công ty luôn ổn định, tạo ra những mẫu sản phẩm đạt chất lượng, giúp công ty luôn hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ngoài ra, tỉnh còn chủ động giải “cơn khát” đời sống tinh thần cho CN. Cụ thể, các ngành đã chú trọng tổ chức các hội thao, hội diễn văn nghệ để CN tham gia. Trong tháng CN năm 2014, nhiều đơn vị đã và đang tổ chức các hoạt động tại địa phương, công ty thu hút hàng trăm CN tham dự. Cụ thể, Liên đoàn Lao động TX.Dĩ An phối hợp với Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể thao TX tổ chức giải “Bóng đá mini nam-nữ công nhân viên chức - LĐ TX.Dĩ An lần V-2014”. Giải bắt đầu từ ngày 6-4 đến 11-5, với 42 đội bóng nam và 8 đội nữ (khối doanh nghiệp và hành chính sự nghiệp). CĐ các KCN Bến Cát tổ chức hội thi “Thanh niên thanh lịch CN LĐ các KCN Bến Cát lần I năm 2014”. Hơn 60 thí sinh đại diện các DN, công ty trực thuộc CĐ cùng “so tài khoe sắc”. Ngoài ra, CĐ còn chuẩn bị xét chọn CN tiêu biểu khen thưởng cuối tháng 5-2014; chỉ đạo các DN tham gia Đại hội Thể dục thể thao KCN Mỹ Phước lần thứ VII- 2014. “Chúng tôi rất vui khi được tham gia các hoạt động tổ chức riêng cho CN. Sau mỗi lần tham dự, chúng tôi được làm quen thêm nhiều bạn, học hỏi kinh nghiệm trong cuộc sống. Tôi hy vọng sẽ có nhiều, thật nhiều chương trình dành riêng cho CN để chúng tôi có thể cân bằng cuộc sống, cống hiến sức mình cho sự phát triển của công ty, của tỉnh”, chị Hà Thị Lưng (32 tuổi, quê Thanh Hóa), CN Công ty TNHH giày Thông Dụng (TX.Thuận An), bộc bạch.
Phát triển nhân lực chất lượng cao
Song song với việc chăm lo đời sống cho CN, việc đào tạo nghề LĐ chất lượng cao cũng được tỉnh chú trọng. Qua đó, giúp tỉnh chủ động trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển, nâng cao đời sống NLĐ. Bên cạnh đó, Bình Dương đang thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, thu hút rất nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Chỉ riêng đầu tư nước ngoài, đến nay Bình Dương thu hút hơn 2.000 dự án đầu tư, với tổng vốn gần 20 tỷ USD. Trước tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, nhu cầu tuyển dụng LĐ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của Bình Dương vẫn còn khá lớn. Trên thực tế, trong số 66% LĐ đã qua đào tạo ở Bình Dương, không ít LĐ được chính DN đào tạo từ nguồn LĐ phổ thông.
Bà Trần Thị Hà Bình, Giám đốc nhân sự Công ty Pungkook (TX.Thuận An), nói: “Đối với LĐ có tay nghề, lương thưởng sẽ cao, từ đó cuộc sống ổn định hơn. Về phía công ty, tuyển được đội ngũ LĐ đã qua đào tạo sẽ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, chúng tôi luôn ưu tiên những CN có trình độ văn hóa trên lớp 9. Những CN mới sẽ được đào tạo thêm, nâng cao tay nghề trong quá trình học việc”.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, nhiều DN đề nghị: Bình Dương phải tính đến sự tương quan giữa nguồn LĐ hiện có với quá trình quy hoạch phát triển ngành nghề một cách phù hợp; công tác quy hoạch, xây dựng các trường nghề cần hướng chương trình, kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của DN. Về phía DN tích cực đổi mới công nghệ sản xuất, nhằm tăng tính chủ động trong hoạt động sản xuất.
Trước yêu cầu nhân lực, UBND tỉnh đang xem xét Đề án quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Bình Dương thời kỳ 2011- 2020. Theo đề án, phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 70%, tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề đạt 60%; năm 2020 tỷ lệ LĐ qua đào tạo là 80%, tỷ lệ LĐ qua đào tạo nghề là 70%. Bình quân hàng năm tạo việc làm cho khoảng 54.000 người/ năm giai đoạn 2011-2015 và khoảng 55.000 người/năm giai đoạn 2016-2020.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm, Bình Dương đang thu hút đầu tư nước ngoài, vì vậy cần đội ngũ LĐ dồi dào. Việc cung ứng cho các DN, LĐ có chất lượng cao sẽ góp phần phát triển công nghiệp trong tỉnh. Do đó, Bình Dương sẽ tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mở trường, trung tâm đào tạo nghề tại Bình Dương. Tuy nhiên, các đơn vị muốn đầu tư cơ sở dạy nghề phải đáp ứng nhu cầu của địa phương và thực hiện các quy định của pháp luật. Về phía tỉnh, sẽ xem xét việc đào tạo nghề tại các trường, trung tâm để có những ngành nghề đào tạo phù hợp. q
Tại buổi làm việc giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với tỉnh, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tốc độ phát triển chung. Bình Dương là địa phương có tỷ trọng công nghiệp chiếm trên 60% nên việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề cần quan tâm. Bà đề nghị tỉnh, trên cơ sở những trung tâm dạy nghề đã có, cần rà soát, tiếp tục quy hoạch, phát triển lĩnh vực dạy nghề. Trong đó, tăng thiết bị dạy nghề, đội ngũ giáo viên dạy nghề để có đội ngũ cán bộ lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của DN đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, thay thế dần lực lượng lao động kỹ thuật nước ngoài đang làm việc tại Bình Dương bằng những lao động của địa phương thông qua kênh đào tạo nghề của địa phương, hoặc cả nước.
THIÊN LÝ