Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
Quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Dương (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Nhằm nâng cao chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh PCI, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, việc lập và thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất là nhiệm vụ không thể thiếu của UBND các cấp, với ý nghĩa đó, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011- 2015) 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện từ năm 2009. Đến nay, quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều được phê duyệt và công bố công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, trên trang wed của Sở Tài nguyên và Môi trường giúp người sử dụng đất dễ dàng truy cập thông tin về quy hoạch sử dụng đất.
Quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan tài nguyên và môi trường tham mưu UBND tỉnh quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua đó, các nhà đầu tư có thể chủ động trong việc lựa chọn địa điểm đầu tư thích hợp.
Trên cơ sở đó, định hướng từ năm 2011 đến năm 2020, Bình Dương sẽ phát triển thêm 5.092 ha đất khu công nghiệp; trong đó, giai đoạn năm 2011-2015 phát triển khoảng 2.742 ha dành cho việc mở rộng và hình thành một số khu công nghiệp tại các khu vực trọng điểm; giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phát triển 2.350 ha, dự kiến hình thành 7 khu công nghiệp vệ tinh tại các vùng ven đô thị với mục đích thúc đẩy phát triển đồng đều giữa các vùng nông thôn và đô thị. Ngoài ra, các huyện, thị xã còn dành thêm hơn 1.000 ha đất nông nghiệp để chuyển mục đích sang phát triển thương mại - dịch vụ và sản xuất với quy mô nhỏ.
Nhìn chung, quỹ đất để thu hút đầu tư phát triển của tỉnh luôn dồi dào, sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư. Qua kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu (2011-2015), Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 luôn phát huy tác dụng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trong công tác quản lý sử dụng đất đai nói riêng.
Đất đai là tài sản chung và quý giá của mỗi quốc gia, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, lâu bền luôn là yêu cầu cấp thiết trong hoạch định chiến lược sử dụng đất. Để nâng cao chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh PCI trên địa bàn tỉnh thì giải pháp về quy hoạch sử dụng đất là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu.
VĂN CÔNG