Bình Dương tăng cường trách nhiệm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Cập nhật: 06-04-2020 | 10:09:17

Trong thời gian này, cùng với cả nước, Bình Dương đang nỗ lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đi đôi với phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Chính vì thế, các sở, ngành, địa phương của tỉnh tận dụng tối đa ưu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực ít chịu tác động từ dịch bệnh và có khả năng phục hồi tốt hơn; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp (DN) ổn định, phát triển.


Doanh nghiệp đang cần hỗ trợ để vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện tại. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TPR Việt Nam, Khu công nghiệp VSIP. Ảnh: PHƯƠNG AN

Doanh nghiệp bắt đầu gặp khó

Đến thời điểm này, nhiều DN có dấu hiệu “hụt hơi” vì dịch bệnh Covid-19 khi nguồn nguyên liệu bắt đầu cạn kiệt mà chưa thể nhập về, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ… Cộng đồng DN trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ít nhiều đều bị ảnh hưởng, thậm chí có DN lâm cảnh giãn việc, lao động nghỉ luân phiên vì dịch bệnh.

Theo ông Cho Gyu Sik, Phó Tổng giám đốc quản lý Tài chính - Kế hoạch Công ty TNHH Kumho Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên từ đầu năm đến nay, công ty cũng chịu không ít tác động. Nguyên vật liệu sản xuất của công ty chiếm 75% nhập từ nước ngoài, trong đó nhập từ Trung Quốc chiếm 30%. Hiện tại, công ty phải tạm dừng một số công đoạn do dịch bệnh nên đã ảnh hưởng dây chuyền đến sản xuất.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC cũng cho biết trước tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, nhiều DN bắt đầu gặp khó khăn, thách thức. Thực tế, đã có nhà máy giảm quy mô hoạt động, cắt giảm ngân sách đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu bị đình trệ, chuỗi cung ứng hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các chính sách hạn chế nhập cảnh, hạn chế di chuyển trong cũng như ngoài nước, bị động về nguồn nguyên vật liệu… Điều này đã bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, Tổng Công ty Becamex IDC và các đối tác lớn vẫn có niềm tin tuyệt đối vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ nói chung và của Bình Dương nói riêng. Những dự án đang được các đối tác rất quan tâm và tìm hiểu cơ hội hợp tác, như: Trung tâm triển lãm, Khu A1, A9, Khu công nghiệp Khoa học Công nghệ… “Dịch bệnh Covid-19 đã mang đến nhiều thách thức nhưng thời gian này cũng là thời điểm để chúng tôi tranh thủ hoàn chỉnh hồ sơ các dự án nói trên, quyết tâm triển khai đúng tiến độ. Đây là các dự án tạo lực, là đòn bẩy quan trọng tạo sự lan tỏa, kết nối nhiều nguồn lực để tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương ngay sau khi dịch bệnh kết thúc”, ông Thuận cho biết.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Những thiệt hại mà dịch bệnh Covid-19 gây ra với kinh tế toàn cầu nói chung, cũng như nền kinh tế Việt Nam nói riêng, trong đó có Bình Dương ngày càng rõ ràng. Giữa bộn bề khó khăn, những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong giai đoạn này là hết sức cần thiết.

Nhiều giải pháp thiết thực

Trước những khó khăn mà các DN, ngành nghề đang gặp phải, bên cạnh việc tập trung chống dịch bệnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, DN trong tỉnh có những sách lược để ứng phó, bảo đảm mục tiêu vừa chống dịch bệnh, vừa ổn định nền kinh tế. Điều đó được cụ thể hóa bằng các giải pháp như yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách tín dụng hợp lý; các chính sách về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; hạ chi phí logistics và không tăng giá các loại dịch vụ thiết yếu; tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…

Hiện tại nhiều ngân hàng thương mại đã có động thái giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ… cho các DN và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh Covid-19. Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết các ngân hàng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN Việt Nam và của tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hơn 1 tháng qua, các ngân hàng trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn phù hợp với tình hình. Trước mắt, ngân hàng đã chủ động xây dựng chương trình hỗ trợ cho khách hàng vay vốn, thông qua các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu… Bước đầu, ngành ngân hàng đã hỗ trợ cho 34 khách hàng với dự nợ 544 tỷ đồng. Đồng thời, ngành ngân hàng cũng đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh phối hợp hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết Sở Công thương luôn đồng hành cùng các DN, sẽ phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội ngành hàng tăng cường nắm bắt tình hình hoạt động của các DN, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực hải quan, thuế, đất đai, ngân hàng… Ngoài phối hợp với ngân hàng để hỗ trợ vốn thì đơn vị đang đề xuất UBND tỉnh có giải pháp thiết thực hỗ trợ cho DN ngưng đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, nộp chậm tiền thuế đất. Về phía các DN cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để giảm mức phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài.…

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong thời gian khó khăn này, vấn đề hỗ trợ DN phải được quan tâm hàng đầu, bảo đảm thực chất hơn, chuyên nghiệp hơn; phải hạn chế công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành để tạo điều kiện cho DN sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó, ông Trần Thanh Liêm yêu cầu các địa phương, sở, ngành trong thời điểm này phải nâng cao trách nhiệm trong việc nắm bắt thông tin, đề xuất các giải pháp ngắn hạn, trung hạn, tập trung giải quyết ngay các đề nghị của DN. Về phía các địa phương, giải pháp có tác dụng ngay là khơi thông điểm nghẽn thủ tục hành chính, vướng mắc liên quan tới những dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước năm 2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020 (bao gồm vốn ODA); tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của tỉnh trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đã nhấn mạnh đây là thời điểm hết sức khó khăn của các DN, là thời điểm mà hơn bao giờ hết chúng ta phải thể hiện sự sát cánh, đồng hành cùng với DN, cùng gánh vác, chia sẻ, tích cực hỗ trợ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN. Chúng ta phải tạo điều kiện thật sự thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử; rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho DN; hỗ trợ DN thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm và các vấn đề khác theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết
Tags
Covid-19

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên