Bình Dương trách nhiệm, nghĩa tình- Kỳ 4

Thứ hai, ngày 13/09/2021

(BDO) Kỳ 3: Tuyến đầu một lòng cống hiến

Kỳ 4: Họ đã bao đêm không ngủ

Trong cuộc chiến chống đại dịch, những “chiến sĩ áo trắng” với trái tim tràn đầy nhiệt huyết, với sứ mệnh cao cả “lương y như từ mẫu” đã cứu chữa cho hàng chục ngàn bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh trở về đoàn tụ cùng gia đình. Niềm vui, hạnh phúc của người bệnh là nguồn động viên của những y, bác sĩ qua bao đêm dài dõi theo chỉ số sinh tồn của người bệnh để giành giật mạng sống người dân trước làn ranh sinh tử.

 Dõi theo chỉ số sinh tồn

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong 2 đơn vị tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19. Những ngày dịch bệnh căng thẳng, đội ngũ y, bác sĩ nơi đây luôn cấp tập điều trị, dõi theo các chỉ số sinh tồn bệnh nhân. Chỉ trong tuần đầu tiên được thành lập, cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 Phú Chánh, TX.Tân Uyên (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân, trong đó có những bệnh nhân rất nặng và nguy kịch. Trên đầu giường bệnh nhân chiếc máy thở với bộ đèn nháy liên tục, tiếng bíp bíp kêu dồn dập. Các bác sĩ phải “chiến đấu” giành sự sống cho người bệnh từ những máy móc gắn chằng chịt trên người để theo dõi chỉ số sinh tồn.

Đội ngũ y bác sĩ tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 phường Phú Chánh, TX.Tân Uyên (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tận tình chăm sóc người bệnh

Tình thế nguy cấp, đội ngũ y, bác sĩ phải làm việc xuyên đêm với hơn 200% sức lực và hơn bao giờ hết gánh nặng trên vai không chỉ là mạng sống người bệnh mà còn là mục tiêu giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong. Do đó, những ca trực cứ hối hả gối đầu công việc, các y bác sĩ phải tranh thủ ăn, tranh thủ ngủ rồi có những ca nguy kịch họ lại lao vào cấp cứu mà chưa kịp lấy lại sức. Còn gì buồn hơn, đau hơn khi bệnh nhân đối diện với “tử thần” mà mọi nỗ lực níu kéo đến giây phút cuối cùng để bệnh nhân ở lại đều bị vô hiệu. Những lúc ấy trái tim của những y, bác sĩ như bị bóp nghẹn, cảm giác như vừa mất đi một người thân và lặng lẽ làm nốt những phần việc còn lại.

 Tình thế nguy cấp, đội ngũ y, bác sĩ phải làm việc xuyên đêm với hơn 200% sức lực và hơn bao giờ hết gánh nặng trên vai không chỉ là mạng sống người bệnh mà còn là mục tiêu giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong. Do đó, những ca trực cứ hối hả gối đầu công việc, các y, bác sĩ phải tranh thủ ăn, tranh thủ ngủ rồi có những ca nguy kịch họ lại lao vào cấp cứu mà chưa kịp lấy lại sức.

Tạm gác lại cuộc sống thường nhật, hơn 2 tháng nay, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hương, khoa lão học Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm việc tại cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 Phú Chánh, TX.Tân Uyên đã không về nhà. Thời gian đầu nhận nhiệm vụ tại khu điều trị, bác sĩ Hương cùng với các đồng nghiệp đã phải thức trắng đêm theo dõi người bệnh. Các ca bệnh có triệu chứng và dấu hiệu nguy cơ cao hơn các lần trước, đòi hòi người thầy thuốc cần phải theo dõi sát, có phác đồ điều trị hợp lý để bệnh nhân không diễn biến nặng hơn. Ngoài điều trị, các y, bác sĩ còn chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho người bệnh từ thay tã, bón từng muỗng cháo, hướng dẫn bệnh nhân tập thở đến việc chăm lo giấc ngủ cho người bệnh như những người thân trong gia đình.

Với bác sĩ Hương, niềm vui lớn nhất trong khu điều trị là mỗi ngày được thấy có nhiều bệnh nhân chuyển xuống tầng điều trị thấp hơn. Mỗi một ca bệnh nặng nhập khu là thêm một lần lòng nặng trĩu bởi nơi đây dường như là ngưỡng cuối cùng để cứu sống bệnh nhân. Đó là trường hợp của một bệnh nhân tuổi còn rất trẻ, béo phì, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi ARDS rất nặng, chuyển biến nhanh và mang nhiều yếu tố làm thất bại trong điều trị. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng điều trị tích cực của đội ngũ y, bác sĩ, bệnh nhân đã cai máy thở HFNC, sức khỏe dần hồi phục.

Hy sinh thầm lặng

Chăm sóc bệnh nhân nặng mới thấm thía nỗi đau của người bệnh và với bệnh nhân Covid-19 thì càng thấm thía hơn bởi không có người thân bên cạnh, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào y, bác sĩ. Với tinh thần chăm lo hết lòng cho người bệnh, bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Đức, Trưởng khoa nội (Trung tâm Y tế TP.Dĩ An) phụ trách Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (TP.Dĩ An) đã 2 lần dương tính, tổn thương phổi nhưng vẫn xung phong tham gia điều trị ở tầng 2. Vợ của bác sĩ Đức là cử nhân điều dưỡng Nguyễn Thị Loan, cũng với nhiệt huyết đẩy lùi dịch bệnh tham gia các hoạt động chống dịch và sau đó cũng nhiễm vi rút SARS-Cov-2. Hình ảnh gia đình bác sĩ Đức như biểu tượng của người chiến sĩ áo trắng vì sứ mệnh cao cả “lương y như từ mẫu” xả thân cứu người.

Bệnh nhân xuất viện ngày một tăng là niềm vui, hạnh phúc lớn của những người thầy thuốc

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế, cho biết thời gian qua, tỉnh tập trung điều trị F0 nặng có bệnh nền, sớm đưa hệ thống oxy dòng cao vào sử dụng, tránh bệnh nhân chuyển biến nặng và rút ngắn thời gian điều trị. Đặc biệt, ngành y tế đã điều phối, phân bổ nguồn lực y tế phù hợp, hạn chế thấp nhất tử vong và khắc phục tình trạng chậm trễ trong vận chuyển F0 khi chuyển biến nặng. Do đó, những ngày gần đây, tỉnh liên tục ghi nhận hàng ngàn trường hợp bệnh nhân xuất viện mỗi ngày. Đằng sau niềm hạnh phúc và sức khỏe hồi phục tốt của người bệnh là những kinh nghiệm quý báu của hệ thống điều trị tỉnh nhà được đúc kết từ việc quản lý, theo sát diễn tiến sức khỏe của người bệnh, nhất là những ca bệnh trở nặng. Đây cũng là cống hiến thầm lặng nhưng rất đáng trân quý của đội ngũ các y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch - những người sẵn sàng quên mình cứu người - cũng như sự đồng lòng chung tay của cả hệ thống chính trị, của từng người dân đồng lòng chiến thắng đại dịch.

Để giúp người bệnh phục hồi tốt, bác sĩ CKII Đỗ Thanh Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo, Trưởng khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Block 2, Becamex (TX.Bến Cát) cùng với đội ngũ y bác sĩ tại đây đã xây dựng một quy trình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân bao gồm ăn uống, vệ sinh cá nhân và phục hồi chức năng. Được biết, một số những y bác sĩ công tác tại đây từng kinh nghiệm sống và làm việc trong môi trường cách ly từ lần dịch trước, nhưng đa số còn lại đều là trải nghiệm đầu tiên. Chính vì vậy, họ luôn động viên nhau nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt qua mọi khó khăn.

“Quá trình điều trị nhiều người bệnh không khỏi lo lắng nhưng cũng không ít người ngập tràn hạnh phúc, đếm từng ngày đợi khoảnh khắc được ra viện. Có những bệnh nhân, ngày đầu mới vào phòng cấp cứu thở oxy với tinh thần bất ổn, lo lắng, hoang mang, nhưng họ dần an tâm điều trị nhờ sự quan tâm của lãnh đạo, trang thiết bị tốt cùng đội ngũ nhân viên y tế luôn sẵn sàng phục vụ”, bác sĩ CKII Đỗ Thanh Liêm cho biết thêm.

Ông N.V.L., 60 tuổi, điều trị tại khu điều trị Block 2, Becamex được về nhà trong trạng thái khỏe mạnh, nói trong niềm xúc động: “Hành trình vượt bệnh tật thấm đẫm bao nghĩa tình là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Ngày bác sĩ chuyển tôi lên khu điều trị Phú Chánh, tôi sợ hãi và lo lắng ngỡ rằng mình sẽ không qua nổi những cơn ho dữ dội, lồng ngực đau thắt từng cơn. Các bác sĩ đã không bỏ chúng tôi đơn độc khi luôn ở bên động viên mọi người tập thở, hợp tác tốt trong điều trị. Hôm nay nhận được thông báo xuất viện, tôi vui mừng đến nghẹn lòng”. (Còn tiếp)

Ông N.V.L., 60 tuổi, điều trị tại khu điều trị Block 2, Becamex được về nhà trong trạng thái khỏe mạnh, nói trong niềm xúc động: “Hành trình vượt bệnh tật thấm đẫm bao nghĩa tình là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi. Các bác sĩ đã không bỏ chúng tôi đơn độc khi luôn ở bên động viên mọi người tập thở, hợp tác tốt trong điều trị. Hôm nay nhận được thông báo xuất viện, tôi vui mừng đến nghẹn lòng”.

 KIM HÀ