Bình Dương với mô hình đô thị xanh - công nghiệp sạch

Cập nhật: 11-09-2013 | 00:00:00

Bình Dương đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành đô thị loại 1, là thành phố trực thuộc Trung ương. Trong quá trình thúc đẩy đô thị hóa, Bình Dương đang kết hợp mô hình đô thị xanh kết hợp với một nền sản xuất công nghiệp sạch, từng bước khẳng định vai trò tiên phong cho việc áp dụng mô hình này để nhất quán theo định hướng phát triển bền vững. Đây là quan điểm được ông Lê Phú Cường, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương chia sẻ tại một hội nghị giao ban ngành xây dựng mới đây…

Kiên trúc đô thị xanh

Ông Cường cho rằng, mô hình kiến trúc xanh, đô thị xanh là một xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới đang hướng tới. Tại Bình Dương cũng vậy, ngành xây dựng đã và đang góp phần đáng kể trong việc xác định xu hướng, hiện thực hóa các tiêu chí kiến trúc xanh, sáng tạo nên một môi trường sống hòa quyện giữa con người với thiên nhiên. Ở Bình Dương có thể kể đến các dự án, công trình tiêu biểu như: Khu đô thị mới Hòa Phú, Trung tâm Thương mại Becamex Center, Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore, Cà phê Gió và Nước, trường Bình Dương, Làng biệt thự sinh thái… Thông qua việc triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư đã nỗ lực cải tạo điều kiện trong một không gian kiến trúc hạn chế, không gian sản xuất công nghiệp khô cứng bằng việc đưa mặt nước và gió vào công trình, đưa cây xanh vào không gian sản xuất, trồng cây trên mái nhà… tạo nên một sự tươi mát, trong lành cho môi trường sống. Ở những công trình khác như các khu chung cư, công trình thương mại, thậm chí là nhà máy sản xuất, các chủ đầu tư cũng đã cố gắng tạo nên những mảng xanh, những hình khối bê tông đơn điệu dần được chuyển đổi bằng các hàng cây xanh hay những vườn treo len lỏi trong công trình.

Mô hình đô thị xanh đang định hình và phát triển tại Bình Dương. Trong ảnh: Một góc TP.TDM

Việc bê tông hóa vỉa hè, bề mặt kênh rạch tại Bình Dương cũng dần hạn chế, thay vào đó là những thảm cỏ xanh rì, đều, phẳng tắp. Cây xanh đô thị cũng được xác định rõ ràng và mang tính đặc thù, đó là các loại cây sao, dầu. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ thực hiện một số dự án theo quy hoạch chung đô thị như trục thoát nước và công viên cây xanh cảnh quan Suối Giữa, hệ thống cây xanh cảnh quan ven sông Đồng Nai, Sài Gòn, công viên cây xanh và hồ nước cảnh quan, điều hòa thoát nước đô thị… sẽ tạo thêm nhiều mảng xanh cho đô thị Bình Dương…

Cũng theo ông Cường, một trong những yếu tố tạo nên đô thị xanh, kiến trúc xanh là việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Hiện tại, Bình Dương cũng đang chuyển đổi, trước mắt là sử dụng gạch không nung được sản xuất từ các loại phế liệu nhằm hạn chế tối đa khai thác đất mặt. Một số vật liệu xây dựng cũng đang được khuyến khích như tường gạch xây cổ điển, cốp-pha bằng tre, nứa hay sử dụng hồ dán thay cho sử dụng vữa bê tông…

Đô thị công nghiệp sạch

Công nghiệp và đô thị luôn gắn liền với nhau. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh phát triển công nghiệp sẽ song hành với các vấn đề về ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất đai, phát triển vượt tầm kiểm soát tạo ra những áp lực về hạ tầng kỹ thuật và xã hội… Để xử lý vấn đề này, Bình Dương đã đề ra các chương trình hành động, bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa rất rõ ràng. 96% các KCN, cụm công nghiệp đã bảo đảm có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại KCN Việt Nam - Singapore, khi bước đi trên những con đường nội khu, khó ai có thể phân biệt được đâu là khu đô thị, đâu là KCN vì bài toán không gian đô thị đã được giải quyết triệt để. Đi trong KCN mà cứ ngỡ như đang đi trong một khu công viên đô thị nào đó.

Để hướng đến một đô thị công nghiệp sạch, Bình Dương cũng đã đầu tư, xây dựng hệ thống quan trắc tự động, có khả năng giám sát đến 40% lượng nước thải công nghiệp. Các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn đều thực hiện đấu nối, xả thải theo quy định. Bên cạnh đó, hệ thống thu gom chất thải được triển khai đồng bộ, trong đó hệ thống xử lý chất thải tập trung tại TP.TDM đã đi vào hoạt động thử nghiệm. Ngoài ra, kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gốm sứ ra khỏi nội ô đã được thực hiện quyết liệt. Theo định hướng, Bình Dương sẽ không phát triển công nghiệp tại khu vực phía Nam; đồng thời, chuyển đổi dần công năng các KCN tại đây thành các khu dịch vụ, trung tâm khoa học công nghệ, kỹ thuật cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn, ít gây tác động đến môi trường và điều quan trọng là nhằm nâng dần tỷ trọng kinh tế dịch vụ trong cơ cấu GDP. Theo nguyên tắc, một đô thị công nghiệp sạch phải gắn liền với một nền kinh tế dịch vụ phát triển ở trình độ cao, công nghiệp không khói.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Phú Cường, Bình Dương vẫn đang tiếp tục triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phấn đấu trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, có môi trường sống tốt, bảo đảm tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Con đường để đi đến mục tiêu đó chính là mô hình phát triển đô thị xanh gắn kết với một nền sản xuất công nghiệp sạch…

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên