Blouse trắng “vào trận”

Cập nhật: 31-03-2020 | 09:02:09

Mệt mỏi khi liên tục đeo khẩu trang y tế suốt ngày, cộng thêm hít phải mùi hóa chất và đảm nhận vô số công việc tại trung tâm cách ly, thế nhưng những người tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn không một lời than phiền. Đó là những bác sĩ trẻ chỉ mới ra trường không lâu, phần nào đã có được những cống hiến to lớn cho nghề mà họ nhọc công theo đuổi.

Bác sĩ Trần Thị Quỳnh Trang và Lê Thu An đang kiểm tra khai báo sức khỏe của các trường hợp đến cách ly tại trường Quân sự tỉnh

Gác lại cưới xin, lao vào chống dịch

Chiều cuối tuần của tháng 3, khi mọi người đang nghỉ ngơi hay vui chơi, sum vầy với gia đình thì tại khu cách ly trường Quân sự tỉnh, các bác sĩ trẻ đang tất bật với vô số công việc phải làm. Theo ghi nhận của phóng viên, khu cách ly này như trở nên chật chội và nhỏ bé hơn so với những ngày trước đó, vì lượng người trở về từ các quốc gia (vùng có dịch bệnh Covid-19) đưa vào cách ly nhiều hơn. Tại đây, có ngày các bác sĩ phải tiếp nhận hơn 20 trường hợp, trong đó có những trường hợp được xác định đi cùng chuyến bay, ngồi cùng hàng ghế với người dương tính Covid-19. Với những trường hợp khá đặc biệt này, các bác sĩ cẩn thận cách ly phòng riêng, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm ngay để tránh dịch bệnh lây lan tại khu cách ly.

Đến 17 giờ, tại bàn tiếp nhận bệnh nhân, 2 bác sĩ trẻ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là Lê Thu An và Trần Thị Quỳnh Trang vẫn “sát cánh” bên nhau kiểm tra cẩn thận từng tờ khai báo người được gửi đến cách ly, cũng như hướng dẫn các trường hợp khai báo một cách cẩn thận đúng quy định của Bộ Y tế, như: Đến từ đâu, đã đi qua bao nhiêu nước, khi về Việt Nam đã tiếp xúc với ai, ở đâu… tất cả đều cẩn thận và chính xác từng chi tiết. Việc xác minh này không hề đơn giản, khi rất nhiều trường hợp được đưa đến đây từ nhiều quốc gia, nói nhiều thứ tiếng chứ không riêng người Việt. Vì thế, các bác sĩ phải hỗ trợ nhau để giao tiếp với người đến cách ly bằng tiếng Anh, Trung và cả tiếng Pháp.

Bác sĩ Trần Thị Quỳnh Trang tâm sự: “Công việc này rất quan trọng, không thua kém gì điều trị bệnh. Nếu mình xác minh không kỹ, người đưa vào cách ly có thể lây bệnh cho người khác bất cứ lúc nào. Bản thân em chỉ nói được tiếng Anh, khi gặp các trường hợp đến từ Đài Loan hay Trung Quốc, phải nhờ một số anh chị người Việt đang cách ly tại đây biết tiếng Trung để phiên dịch giúp. Để xác minh một trường hợp người nước ngoài như thế mất rất nhiều thời gian, có khi phải ghi đi ghi lại vào tờ khai nhiều lần, đó là chưa nói đến những trường hợp không thật thà khai báo, thiếu hợp tác khi làm việc”.


Bác sĩ Nguyễn Thiện Nam (bìa phải) đang trao đổi, động viên với người cách ly tại Trung tâm Y tế TP.Dĩ An

Để đảm nhận hết lượng công việc tại đây, các bác sĩ chia làm 2 kíp trực. Mỗi kíp trực gồm 1 bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 1 bác sĩ quân y, 1 y tá và 1 bác sĩ điều trị làm việc 24 giờ/ca. Đến ca trực thì gần như họ thức trắng 24/24 giờ. Vì thiếu ngủ triền miên và luôn căng mình đảm đương công việc, sức khỏe của các bác sĩ trẻ như Trang, An sút giảm đáng kể so với trước.

“Đã vào đây là như vào trận chiến suốt ngày thôi anh ạ. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, nề nếp ăn ở, sinh hoạt khác nhau. Đa phần thì sau khi được giải thích, vận động vào cách ly nên họ tuân thủ mọi quy định trong khu cách ly. Nhưng cũng không ít trường hợp đòi ở phòng máy lạnh, có nệm, ăn thức ăn quen thuộc mỗi ngày. Đêm đến thì không chịu vào giường ngủ sau 22 giờ như quy định, mà ra ghế đá sân nằm ngoài đó. Vậy là chúng em phải đến giải thích, trò chuyện để họ vào phòng. Có trường hợp vào đây rồi lại không chịu đeo khẩu trang khi đi lại, trò chuyện trong khu cách ly, vậy là phải kiểm tra thường xuyên. Đó là chưa nói đến rất nhiều trường hợp chuyển vào cách ly đã mang trong người đủ loại bệnh như tiểu đường, gan, tim, hô hấp… các bác sĩ phải thường xuyên khám, chăm sóc. Rất nhiều trường hợp đêm khuya không ngủ, đặt hàng đồ ăn, thức uống trên mạng và có người mang đến; vậy là có khi vừa chợp mắt bác sĩ lại phải thức dậy đi kiểm tra thực phẩm trước khi chuyển đến người dùng tại khu cách ly. Mình bất cẩn, không may người ta ship hàng kém chất lượng, hàng cấm vào thì sao…”, bác sĩ Trần Thị Quỳnh Trang chia sẻ.

Dù tuổi đời chưa nhiều, nhưng bác sĩ Trang là người có nhiều kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh, bởi bản thân từng “tham chiến” nhiều mùa dịch như: Dịch sốt xuất huyết ở Lâm Đồng, dịch Mers Cov năm 2013, đã lây lan 27 quốc gia khiến số ca nhiễm tử vong lên đến 34,5%. Cứ xảy ra dịch bệnh, bác sĩ Trang lại tiên phong đi làm nhiệm vụ, gác lại mọi chuyện riêng tư. Như lần này, sau một thời gian yêu nhau, Trang và người bạn đời đã xác định sẽ tổ chức lễ cưới vào khoảng thời gian đầu năm, nhưng nay gác lại để lao vào công việc. “Chúng mình sẽ cưới trong thời gian tới đây khi dịch bệnh lắng xuống, chắc chắn như thế rồi. Bạn đời của mình cũng là bác sĩ nên anh ấy luôn thông cảm, động viên mình hoàn thành tốt công việc được giao, bản thân anh ấy cũng vậy. Gia đình hai bên cũng lo cho con cái, nên thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên chúng mình”, bác sĩ Trang nói.

“Lương y như từ mẫu”

Trước đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn thế giới, số ca tử vong đang ngày càng tăng cao; trong đó nhiều y, bác sĩ khi lao vào vùng tâm điểm dịch bệnh để cứu người đã hy sinh vì mắc bệnh. Thế nhưng, sự nguy hiểm ấy không làm những người công tác trong ngành y khiếp sợ hay chùn bước. Mỗi ngày, có biết bao y, bác sĩ trẻ trên cả nước xung phong lao “vào trận” và các y, bác sĩ ở Bình Dương cũng không hề thua kém. Nói như bác sĩ Lê Thu An, hiện đang công tác ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và mỗi ngày đang tham gia làm nhiệm vụ tại khu cách ly trường Quân sự tỉnh: “Sợ thì có sợ, vì môi trường làm việc ở khu cách ly cũng nguy hiểm, có thể lây bệnh bất cứ lúc nào. Nhưng mình sợ thì ai làm. Bản thân đã nỗ lực học tập hàng chục năm trời để làm gì. Chúng em đã xác định rõ tư tưởng ngay từ những ngày đầu dịch bệnh xảy ra và có xu hướng lan rộng”. Để lâu dài với công việc, bản thân bác sĩ An tranh thủ tẩm bổ những món ăn đủ chất, ngủ đủ giấc sau kíp trực để lấy lại sức. Mọi hoạt động vui chơi hay giải trí với bác sĩ An lúc này là con số không tròn trĩnh. Bởi thứ nhất không có thời gian. Và khi có thời gian rảnh, bác sĩ An phải quay trở lại cơ quan lập báo cáo các loại sau ngày trực để báo về cấp trên. Cứ thế, công việc quay tròn trong mùa dịch bệnh.

Trong những ngày qua, khi tham gia tác nghiệp mùa dịch bệnh Covid-19, bản thân tôi cũng đã đi đến nhiều trung tâm cách ly ở các huyện, thị, thành phố từ huyện Dầu Tiếng đến TP.Dĩ An, TP.Thuận An… và ở đâu cũng vậy, đội ngũ y, bác sĩ phải gồng mình với công việc, bất chấp thời gian để kiểm soát tốt dịch bệnh. Làm việc trong môi trường khá nguy hiểm, đeo khẩu trang liên tục đến khó thở và hít phải mùi hóa chất tiệt trùng đến nhức cả đầu, nhưng không một ai than thở. Chiếc điện thoại luôn ở trên tay để nắm bắt tình hình dịch bệnh, nhận điện thoại từ đường dây nóng của các ban phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng lên đường đến sân bay, nhà ga bất cứ lúc nào để tiếp nhận người cách ly…

Bác sĩ Nguyễn Thiện Nam ở Trung tâm Y tế TP.Dĩ An, tâm sự: “Mỗi ngày ra vào khu cách ly phải tiệt trùng toàn thân, cũng như đeo khẩu trang hay quần áo bảo hộ, nhưng chưa hẳn đã an toàn. Sau mỗi ngày như thế, khi trở về nhà mình thường đi cửa sau vào thẳng phòng tắm, trút hết quần áo vào giặt và tắm rửa sạch sẽ vì nhà có con nhỏ. Bản thân là bác sĩ, mình phải biết cách phòng bệnh trước khi trị bệnh cho người khác, chứ không có gì phải lo hay sợ”.

Song song với nhiệm vụ chuyên môn, có thể nói đội ngũ y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại các khu cách ly còn kiêm luôn việc của bác sĩ tâm lý. Bởi thời gian đầu khi đến trung tâm, không ít trường hợp tỏ ra khó chịu vì phải thay đổi môi trường sống cách biệt với bên ngoài. Vậy là các bác sĩ phải thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện, động viên. 14 ngày cách ly không quá ngắn, nhưng rồi cũng sớm qua nhanh. Để rồi khi trở về nhà, không ít trường hợp cách ly đã không quên cái tình cảm đến khó quên của những người làm công tác ngành y, như đúng với câu “Lương y như từ mẫu”. Và từ đó, những bức tâm thư hay những tin nhắn tri ân, động viên, thăm hỏi để blouse trắng như được tiếp sức, để họ tiếp tục lao vào trận chiến với dịch bệnh Covid-19.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên