Bổ sung cơ chế hoạt động cho “hiệp sĩ”

Cập nhật: 11-09-2010 | 00:00:00

Thông tin các “hiệp sĩ đường phố” CLB phòng chống tội phạm Phú Hòa (TX.TDM) tiếp tục lập công trên đường đi thắp hương đồng đội Nguyễn Xuân Chinh vừa qua đời đã làm cho dư luận xúc động và thán phục trước quyết tâm không chùn tay trước cái xấu của các anh. Thời gian qua, với hàng loạt chiến công liên tiếp, sự góp mặt của các thành viên CLB phòng chống tội phạm Phú Hòa đã phần nào giúp người dân TX.TDM và khu vực lân cận cảm phục, yên tâm hơn mỗi khi ra đường. Nhưng sau khi “hiệp sĩ” Nguyễn Xuân Chinh tử nạn trong lúc truy đuổi tội phạm, có ý kiến nêu rằng: Các “hiệp sĩ” không có đủ điều kiện tự bảo vệ mình thì làm sao có thể bảo vệ cho người khác? Cùng với đó, nhiều ý kiến trên báo chí mấy ngày qua cũng đề cập, cần tính toán lại tư cách của “hiệp sĩ” để các anh có địa vị pháp lý rõ ràng, có cơ chế an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Cũng có thông tin viện dẫn, tiền lệ cho thấy việc rong ruổi bắt cướp trên đường phố như vậy là tự phát và rất nguy hiểm, do đó cần đưa các “hiệp sĩ” vào lực lượng bảo vệ dân phố theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ để bảo vệ an ninh, trật tự trên chính địa bàn các anh sinh sống. Như vậy vừa bảo đảm về mặt địa vị pháp lý, vừa giúp các “hiệp sĩ” có chế độ, chính sách rõ ràng hơn.

Theo lời tâm sự của đội trưởng Nguyễn Thanh Hải, các “hiệp sĩ” làm việc không có thù lao, phải bỏ tiền túi đổ xăng đi tuần tra nhưng họ vẫn không nề hà, thậm chí thành tích bắt trộm, cướp, đối tượng rải đinh... mỗi lúc còn dày thêm. Nghề nghiệp thì mỗi người mỗi việc, chỉ khi có tin cướp, trộm là họ lên đường. Điều đó cho thấy họ làm việc với cái tâm muốn chống lại kẻ bất lương, xóa bỏ cái xấu. Đó là hành động nghĩa khí, “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” và cũng chẳng tính toán trước cho lợi ích bản thân. Do vậy, đưa các “hiệp sĩ” vào lực lượng nào là việc cần xem xét kỹ để vẫn tạo điều kiện duy trì, phát huy khả năng, sở trường của những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này chứ không phải là bó hẹp, phân tán họ. Đây là việc mà cơ quan trách nhiệm còn đang phân vân do chưa biết áp dụng quy định nào cho phù hợp.

Hiện tại, trên toàn quốc có khoảng 700 mô hình tổ chức quần chúng phòng chống tội phạm, điều đó cho thấy tín hiệu đáng mừng là vai trò tham gia phòng chống cái xấu, cái ác của nhân dân ngày càng được phát huy. Cái thiếu chỉ là cơ chế để có địa vị pháp lý và chính sách, chế độ rõ ràng cho các mô hình này. Vì vậy, xuất phát từ thực tiễn, địa phương nên vận dụng chính sách linh hoạt hoặc nếu cần thiết thì kiến nghị, bổ sung cơ chế, xây dựng mô hình hoạt động cho các “hiệp sĩ”, bởi đây cũng là yêu cầu cần thiết mà hệ thống chính sách pháp luật nên cập nhật nhằm giải quyết diễn biến phát triển mới của xã hội và xa hơn là kích thích, tạo điều kiện nhân rộng những “Lục Vân Tiên thời nay”.

Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên