Bộ trưởng Y tế: Sau năm 2015 bệnh viện mới hết quá tải

Cập nhật: 26-03-2012 | 00:00:00

Thiếu nhân lực ngành y, các điều kiện tài chính đầu tư cho y tế, y đức, quá tải bệnh viện, viện phí... là những vấn đề chính mà các đại biểu quốc hội (ĐBQH) chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ QH sáng 26-3.

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế dành 10 phút để báo cáo về nguồn lực tài chính ngành y tế, vấn đề đầu tư cho ngành y.

  Bộ trưởng Y tế hứa sau 2015 bệnh viện mới hết quá tải Bộ trưởng Kim Tiến cho rằng do dân số tăng dẫn đến đầu tư cơ sở y tế tăng. Trong khi đó, nguồn ngân sách từ trái phiếu Chính phủ dành cho y tế còn thấp, nên chưa đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Còn đối với nguồn thu từ chương trình xã hội hóa y tế thì các nhà đầu tư chưa mặn mà, do gặp khó trong việc giải phóng mặt bằng.

"Hiện nay, nhân lực ngành y cả nước có 30.000 người. Tỷ lệ năm 2011 đạt 7,2 bác sĩ trên 10.000 dân, vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, bác sĩ, dược sĩ có trình độ đều phân bố ở tuyến T.Ư, còn các tuyến tỉnh, nông thôn thì hạn chế", Bộ trưởng Kim Tiến nói.

ĐBQH của Nghệ An đặt câu hỏi: Đầu tư cơ sở vật chất cho y tế dự phòng từ huyện đến tỉnh chưa được rót từ nguồn ngân sách trái phiếu Chính phủ. Bên cạnh đó, chính sách đối với công tác đào tạo về đội ngũ y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức. Giải pháp xử lý các vấn đề này thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Đối với trung tâm y tế dự phòng tỉnh thì đã có đề án từ năm 2006 nhưng nguồn ngân sách hạn hẹp, trái phiếu Chính phủ thì chủ yếu đầu tư cho bệnh viện huyện và tỉnh. Hiện chỉ có 6 tỉnh được xây dựng 31 trung tâm y tế dự phòng thuộc các huyện nghèo bằng vốn ODA.

Về nguyên nhân thiếu nhân lực ngành y tế dự phòng, bà Kim Tiến phân tích lý do đây là chuyên khoa kém thu hút, thời gian đào tạo dài đến 6 năm nên nhân lực đầu vào hạn chế. Do vậy, sắp tới, Bộ sẽ kiến nghị giảm điểm tuyển sinh đầu vào. Ngoài ra cần đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu, chuyên tu. Các tỉnh sẽ ký hợp đồng với các trường để đào tạo theo địa chỉ, theo nhu cầu nhân lực ngành dự phòng.

"Có những tỉnh 5, 6 năm liền không tuyển được bác sĩ dự phòng. Các trường ĐH ngành y hiện nay đều có mở chuyên khoa y tế dự phòng, nhiều dự án ODA nâng cấp y tế dự phòng, tuy nhiên, nguồn nhân lực thì năm sau mới có thể sử dụng", bà Kim Tiến chia sẻ.

Cũng theo bà Kim Tiến, nguyên nhân sâu xa nữa khiến nguồn nhân lực chuyên về y tế dự phòng, tâm thần, lao... thiếu là do sinh viên hiện nay được toàn quyền lựa chọn chuyên khoa, không giống như trước đây, là trường yêu cầu sinh viên theo chuyên khoa nào thì phải theo chuyên khoa ấy để thực hiện nghĩa vụ xã hội.

Trả lời về giải pháp quản lý giá thuốc của ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), bà Tiến khẳng định sắp tới sẽ áp dụng hình thức quản lý giá theo thặng số tối đa toàn chặng, giá tối đa được lời để hạn chế tăng giá thuốc. Bộ sẽ cử người đi Trung Quốc và Thái Lan học tập kinh nghiệm quản lý giá theo phương thức này.

Liên quan đến vấn đề quá tải ở các bệnh viện công, đặc biệt là bệnh viện tuyến T.Ư, Bộ trưởng Y tế cho biết tỷ lệ giường bệnh là 20,5 giường/10.000 dân như hiện là quá ít, dẫn đến quá tải. Sắp tới, sẽ có nhiều hoạt động tăng số giường từ bệnh viện tuyến T.Ư, rồi đến tuyến tỉnh, huyện; đồng thời, xây dựng bệnh viện vệ tinh thuộc sự quản lý của các bệnh viện tuyến T.Ư.

Nói tiếp về nguyên nhân gây quá tải, bà Tiến cho rằng chính việc người nhà bệnh nhân "nằm" trong bệnh viện quá nhiều cũng dẫn đến hiện tượng quá tải trong bệnh viện.

Bộ trưởng Y tế thông tin thêm, vừa qua Chính phủ có chủ trương xã hội hóa hoạt động xây dựng cơ sở khám chữa bệnh, qua đó bệnh viện tư được tạo điều kiện về vốn, đất, thuế, thủ tục để khuyến khích các nhà đầu tư.

Bà Kim Tiến cho biết, sắp tới bệnh viện lớn như Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, sẽ làm thêm các tòa nhà để giải quyết nạn quá tải. Ở TP.HCM, Bộ sẽ dành 50 tỉ, lấy đất ở Khu công nghiệp Lê Minh Xuân để Bệnh viện Chợ Rẫy xây chi nhánh 2.

Tiếp tục phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chất vấn: Đối với việc mất cân đối trong nguồn nhân lực ngành y tế, Bộ trưởng có chủ trương chính sách gì để giải quyết? 

Bộ trưởng Kim Tiến trả lời: Bộ đã có chủ trương xây dựng và sẽ trình Chính phủ vào quý 2 năm 2012 đề án thu hút sinh viên đi theo chuyên ngành khó thu hút như lao, tâm thần, phong, pháp y và y tế dự phòng. Ngoài ra, Bộ sẽ đề nghị Bộ GD-ĐT điều chỉnh một số nghị định về phân công công tác đối với sinh viên học ngành y.

"Tuy quá tải nhưng vẫn có những bệnh viện phục vụ rất tốt. Chẳng hạn ở Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và kết quả là có trên 90% bệnh nhân nội trú hài lòng", bà Kim Tiến nói.

Để trao đổi thêm trong phiên chất vấn, đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ Tài Chính cũng tham gia trả lời nhiều vấn đề liên quan.

Gần cuối buổi chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi thẳng thắn cho Bộ trưởng Y tế: "Năm nay, sang năm và vào năm 2015, đồng chí dự định những tồn tại mà các ĐB nêu có chuyển biến không? Chứ cứ nói nguyên nhân, rồi giải pháp thôi thì không cụ thể".

Bộ trưởng Y tế trả lời: Riêng năm 2012, Bộ Y tế sẽ ra thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, giúp cải cách tiền lương, điều chỉnh giá dịch vụ theo phương thức tính mới. Theo đó, vào năm 2014 sẽ có giá dịch vụ tăng gấp 2 lần hiện nay.

Bộ trưởng Y tế hy vọng vào năm 2013 tình trạng thiếu nguồn lực cán bộ y tế sẽ được giải quyết. Bà Tiến cho biết, năm 2013 sẽ cố gắng tăng từ 300-500 giường cho Bệnh viện K, còn tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ xây thêm khoa ung bướu, tim, hô hấp. 

"Biện pháp giảm tải không thể thực hiện một sớm một chiều. Muốn giải quyết tốt nạn quá tải bệnh viện phải ngoài năm 2015", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Trong phiên họp chất vấn sáng 26.3, có 25 ĐB trực tiếp đặt câu hỏi, 17 ĐB sẽ được Bộ trưởng Y tế trả lời sau bằng văn bản.

Theo TNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên