Bộ Xây dựng bị doanh nghiệp “chê” kém

Cập nhật: 09-09-2010 | 00:00:00

Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành “chưa thực thi đã thấy vướng” là chỉ số mà Bộ Xây dựng bị doanh nghiệp “chấm điểm” thấp nhất.

 

Kết quả Báo cáo Đánh giá Chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của 14 Bộ liên quan đến doanh nghiệp (LDEA) giai đoạn 2005-2009 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) công bố cho biết như trên.

 Xây dựng là lĩnh vực được đông đảo doanh nghiệp quan tâm. Mặc dù thời gian qua đã có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn ra đời, sửa đổi, bổ sung nhưng chất lượng hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật đối với Bộ này đều bị xếp ở mức "chưa hài lòng".

Theo đó, về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, không có bộ nào đạt loại tốt. Nhóm được xếp loại khá có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Thông tin – Truyền thông, Văn hóa Thể thao và Du lịch.

 

Nhóm chất lượng trung bình gồm Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

Nhóm có chất lượng thấp (xét theo thang điểm 10) gồm Bộ Y tế (4,96 điểm), Tài nguyên và Môi trường (4,9 điểm), Giao thông - Vận tải (4,54 điểm), Bộ Xây dựng xếp cuối bảng với 4,11 điểm.

 

Đánh giá này được VCCI cho là phù hợp với thực tế hiện nay khi mà không ít nghị định của Chính phủ do các bộ nói trên chủ trì soạn thảo nhưng “chưa thực hiện đã thấy vướng”, nhiều thông tư hướng dẫn “làm khó”, thiếu tính khả thi, không thể đi vào cuộc sống...

 

Tương tự, ở chỉ số xây dựng pháp luật, không có bộ nào lọt vào nhóm tốt. Bộ Xây dựng tiếp tục có tên trong nhóm kém nhất ở chỉ tiêu này với tư cách là đơn vị "duy nhất". Nhóm trung bình có các bộ Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải, Y tế, các bộ còn lại đạt loại khá.

 

Ngoài ra, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, điểm số của các chỉ tiêu khác như độ cầu thị của các bộ, khả năng tiếp cận thông tin, tuyên truyền pháp luật, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp thì hầu hết các bộ đều được xếp ở mức “thấp”, “trung bình”, “tương đối thấp” hoặc “chưa hài lòng”.

 

Theo phản ánh của các hiệp hội và doanh nghiệp, khi có khó khăn vướng mắc gửi tới, các bộ ít khi phản hồi. Ở tiêu chí này, chỉ có Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đạt được điểm trung bình (khoảng 5 điểm), còn lại ở mức tương đối thấp và thấp. Trong đó Bộ Y tế có mức thường xuyên trả lời doanh nghiệp thấp nhất là 9,76%.

 

Chưa kể thời gian chờ được phúc đáp cũng rất lâu. Khoảng 50% số hiệp hội cho rằng phải mất khoảng 1 tháng thì hiệp hội mới nhận được câu trả lời, thậm chí có trường hợp phải mất 2 năm.

 

Theo VNN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên