Bob Dylan và sô diễn "lịch sử" tại Việt Nam

Cập nhật: 22-03-2011 | 00:00:00

Huyền thoại sống của âm nhạc thế giới sẽ đến Việt Nam biểu diễn buổi duy nhất tại SVĐ ĐH RMIT (TP.HCM) vào ngày 10-4. “Với ý nghĩa văn hóa và lịch sử của show diễn, đây là sự kiện thuộc dạng cả đời chỉ có một lần” – ông Rod Quinton, GĐ điều hành Công ty Saigon Sound System, đơn vị tổ chức chương trình chia sẻ.

 

Với những fan âm nhạc Việt Nam, đây thực sự là một sự kiện đặc biệt.

 

Khi mà, sự phát triển trông thấy của ngành tổ chức sự kiện một thập kỷ qua chỉ mới hướng tới đối tượng nghệ sĩ châu Á, đặc biệt là các nghệ sĩ Hàn Quốc – Hoa ngữ.

 

Khi mà, sự mở cửa văn hóa với phương Tây chỉ mới mang đến Việt Nam một số lượng ít ỏi nghệ sĩ - ban nhạc nổi tiếng quốc tế: Patricia Kass (1993), Air Supply (1997), Michael learn to rock (1997), The Moffatts (1999) và sắp tới đây là Backstreet Boys (2011).

 

 

Khi mà, hoạt động của các tổ chức hỗ trợ phát triển và giao lưu văn hóa của nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu tập trung giới thiệu các nghệ sĩ ở những loại hình âm nhạc còn ít phổ biển hay những nghệ sỹ ở các nền âm nhạc còn ít tiếng tăm.

 

Khi mà, các thương hiệu đắng cấp quốc tế như Hennessy, Toyota, Heineken… tích cực tham gia vào đời sống âm nhạc với việc đưa các nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế tới Việt Nam trình diễn, nhưng chỉ khoanh vùng trong âm nhạc cổ điển, nhạc DJ.

Khi mà, một bộ phận rất nhỏ khán giả trong nước mới có điều kiện sang những nước lân cận xem ca nhạc và một bộ phận nhỏ khán giả sống ở nước ngoài mới có cơ hội tới xem trực tiếp các show trình diễn của các siêu sao âm nhạc quốc tế.

 

… Thì việc Bob Dylan – một tượng đài của âm nhạc đại chúng thế giới tới Việt Nam để biểu diễn là một điều hơi ngoài tầm suy nghĩ, để gọi là bất ngờ.

 

Một sự xuất hiện mang tính chất công việc cá nhân của cặp đôi Angelina Jolie – Brad Pitt được báo giới (và kéo theo là công chúng) nhìn nhận và ứng xử như một sự kiện văn hóa – xã hội nổi bật. Một tin qua tai không được kiểm chứng về việc The Beatles đã từng ghé qua Sài Gòn  những năm 1960 cũng chỉ với ý nghĩa cá nhân đã khiến một số rockfan kỳ cựu ở thập kỷ 90 lấy làm phấn khởi.

 

… Thì việc Bob Dylan – nghệ sĩ cùng thời, đối trọng với “những chàng trai huyền thoại” nước Anh ở bên kia bờ Đại Tây Dương - sẽ có mặt ở Việt Nam trong 20 ngày tới, với tính chất công việc – sẽ phải được báo chí và công chúng coi là một sự kiện đặc biệt.

 

Yếu tố “hấp dẫn” và “lịch sử” của sự kiện này đối với báo giới và công chúng Việt (sắp tới) nằm ở tầm vóc của Bob Dylan và sự “thân quen” của ông với Việt Nam, có lẽ hơn là trọng lượng từ show diễn. Mặc dù, chắc chắn buổi diễn của ông cũng sẽ có sức hấp dẫn lớn với công chúng Việt còn ít được tiếp xúc với các nghệ sĩ đẳng cấp.

 

Vì…

 

Những nghệ sĩ thực sự là huyền thoại thì hầu hết đã ra đi, còn những nghệ sĩ tài năng đang sống thì ít ai đã là huyền thoại. Không chỉ trong âm nhạc! Bob Dylan là huyền thoại sống hiếm hoi của nền văn hóa đại chúng thế giới.

 

Và việc ông đến Việt Nam vào ngày 9-4 và biểu diễn tại SVĐ có sức chứa 10.000 người của ĐH RMIT ngày hôm sau không chỉ có ý nghĩa âm nhạc, mà còn mang ý nghĩa cơ hội được chứng kiến một nhân vật lịch sử - nhất là khi ông đã ở tuổi thất thập cổ lai hy (Bob Dylan sẽ tròn 70 tuổi vào ngày 24-5 tới).

 

Tại Việt Nam, Bob Dylan – thực ra không phải là nghệ sĩ có nhiều fan (so với lực lượng fan của nhiều nghệ sĩ - ban nhạc cùng dòng và cùng bậc). Quá khiêm tốn so với sự đại chúng của The Beatles. Chắn chắn xếp sau số lượng những người thích Nirvana – Queen, Metallica – Guns N’ Roses, có lẽ cả U2 - Eagles… So sánh với các nghệ sĩ trình diễn đơn, ông chắc chắn “kính nhi viễn chi” với mức phổ cập của Michael Jackson, cũng ít người nghe hơn Eric Clapton, Evils Presley, và có lẽ cả Carlos Santana, Frank Sinatra.  

 

Nhưng, Bob Dylan lại là trường hợp đặc biệt với Việt Nam. Ông là một trong những nghệ sĩ quốc tế có sự gần gũi về mặt hình ảnh nhất đối với Việt Nam. Có lẽ vì ông là một trong những nghệ sĩ nổi bật nhất trong phong trào phản chiến – với những ca khúc nổi tiếng được cho là phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Bạn gái một thời của ông – nữ ca sĩ Joan Baez cũng cộng thêm vào “ấn tượng” này với việc là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đã sang Việt Nam để biểu diễn và chia sẻ, ủng hộ miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh.

 

Trên website của mình, công ty Saigon Sound System chia sẻ: “Chuyến thăm mang tính bước ngoặt của ông tới Việt Nam sẽ đưa những binh đoàn fan một lần được trở lại và sống với những ca khúc và album tuyệt vời”.

 

Sự xuất hiện lần đầu tiên của một đại diện của tinh hoa âm nhạc đại chúng thế giới, có lẽ sẽ không chỉ là sự bồi hồi đối với những người yêu Bob Dylan, mà những người nghe nhạc quốc tế nói chung.

 

Những người yêu âm nhạc quốc tế ở Sài Gòn những năm 1960 – 1970 và những tín đồ âm nhạc ở Hà Nội thập kỷ 1980 – 1990, cùng nhiều người nghe nhạc ở Huế, Đà Nẵng hẳn hơn ai hết là những người có nhiều cảm xúc với thông tin về show diễn này.

 

Với một buổi diễn duy nhất tại TP.HCM (nằm trong tour lưu diễn tháng 4 ở châu Á – Thái Bình Dương của ông), các fan miền Bắc lại một lần nữa phải ghen tỵ với khán giả miền Nam.

 

Cách đây 11 năm, ban nhạc tuổi teen The Moffatts - ở vào giai đoạn triển vọng nhất của họ, khi được trông chờ trở thành những tên tuổi như các bậc đàn anh trong làng nhạc – cũng tới diễn tại TP.HCM trong 2 ngày, mà không dành cho Hà Nội một cơ hội nào.

 

Hơn 11 năm, mới có lại một chương trình ca nhạc ĐỂ XEM. 11 năm, nhiều người bỏ lỡ chương trình năm xưa đã lớn lên - hoặc đã già đi...

 

Theo VnMedia

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên