Bước đột phá trên tiến trình phát triển- Kỳ 1

Thứ tư, ngày 16/12/2020

(BDO) Với mục tiêu tạo ra bước đột phá đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, hiện đại và bền vững, Bình Dương đã triển khai đầu tư xây dựng Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị (KLH), trong đó nền tảng là các khu công nghiệp, khu dịch vụ cao cấp và đô thị hiện đại. Triển khai thực hiện KLH được xem là một quyết định táo bạo, thể hiện một tầm nhìn xa. Trong đó, thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha là “hạt nhân” của một Bình Dương hiện đại trong tương lai gần.

Tầm nhìn chiến lược

Từ những thành công trong phát triển các khu công nghiệp, Bình Dương được Chính phủ xác định là một trong những địa phương hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để tiếp tục phát huy lợi thế, tạo lực đẩy phát triển, Bình Dương đã quyết định đầu tư xây dựng KLH, trong đó nền tảng là phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư và các dịch vụ cao cấp với tổng diện tích 4.196 ha. Tháng 10- 2004, KLH được khởi công xây dựng. Hiện tại, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh; 6 khu công nghiệp tập trung đã hình thành và đi vào hoạt động; khu dịch vụ cao cấp tầm cỡ quốc tế với diện tích 678 ha đã triển khai thực hiện một số dự án.

Hạ tầng giao thông tại thành phố mới được xây dựng đồng bộ, mang tính kết nối cao

Trung tâm KLH là dự án thành phố mới Bình Dương với quy mô 1.000 ha được khởi công xây dựng vào năm 2010. Đây chính là “bộ não và trái tim”, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh và là hạt nhân của một Bình Dương hiện đại trong tương lai gần. Sau hơn 15 năm, vùng đất hoang vắng ngày nào đã “lột xác”, thành phố mới Bình Dương đang dần toát lên một sức sống mới, xứng tầm với đầy đủ các loại hình dịch vụ và hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối chặt chẽ với các tỉnh, thành lân cận.

Hiện hữu tại thành phố mới hôm nay có Trung tâm Hành chính tập trung, Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, công viên, trung tâm thể thao cộng đồng... Bên cạnh đó là Khu đô thị vườn Tokyu Bình Dương (Tokyu Bình Dương Garden City) do Công ty Becamex Tokyu làm chủ đầu tư; Khu công nghệ kỹ thuật cao của Tập đoàn Mapletree (Singapore) - nơi chuyển giao khoa học, kỹ thuật và quy trình kinh doanh hiện đại cho các doanh nghiệp Việt Nam, phục vụ các doanh nghiệp kinh doanh phát triển công nghệ cao, chế tạo thử và phát triển sản phẩm mới, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng. Cùng đó là sự hiện diện của trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Tập đoàn Giáo dục Kinderworld, trường Ngô Thời Nhiệm và trường Nguyễn Khuyến, Trung tâm Thương mại thế giới, khu dịch vụ ăn uống, khách sạn Becamex Hotel…

Bên cạnh đó, các khu nhà ở được xây dựng đồng bộ, các dãy biệt thự, nhà phố, các khu phức hợp thương mại căn hộ cao cấp, các khu nhà ở xã hội cùng với các dịch vụ tiện ích về tài chính, văn phòng cho thuê, khách sạn, nhà hàng… đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng thuận tiện. Rất nhiều dự án thương mại được xây dựng hiện đã đi vào hoạt động như khu phố Rich Town, Uni Town, Green Pearl, Đông Đô Đại Phố, Sora Gardens Bình Dương, Midori Park…

Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay thành phố mới Bình Dương đã trở thành nơi hội tụ, thu hút trí tuệ và phát triển công nghệ, đóng vai trò quan trọng trong việc quy hoạch các phân khu chức năng, cơ sở hạ tầng, các giải pháp phù hợp đạt tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy phát triển nhanh đô thị của tỉnh trong thời kỳ hội nhập sâu rộng. Thành phố mới Bình Dương cũng đã góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển đô thị Thủ Dầu Một trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Hạ tầng đồng bộ, kết nối

Để thực hiện mục tiêu đưa thành phố mới trở thành cửa ngõ kết nối quốc tế trên các lĩnh vực, những năm qua Bình Dương đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối vùng công nghiệp với đô thị trong tỉnh, kết nối liên tỉnh, liên vùng. Nhiều tuyến đường mang tính đột phá, tạo đòn bẩy phát triển đã hình thành. Nổi bật là các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Phạm Ngọc Thạch. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn từ huyện Bàu Bàng đến quốc lộ 1A đi qua các địa phương Bàu Bàng, Bến Cát, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong kết nối giữa thành phố mới và các địa phương. Tuyến đường này giúp giảm ùn tắc giao thông ở các trục đường lân cận, giảm chi phí và thời gian vận chuyển đáng kể cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và vùng Đông Nam bộ.

Đường Phạm Ngọc Thạch (công trình đường vào Trung tâm Hành chính tỉnh) đi qua các phường Hiệp Thành, Phú Mỹ của TP.Thủ Dầu Một, được xây dựng với 8 làn xe. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật hai bên tuyến đường như cáp viễn thông, điện, cấp thoát nước đều được thiết kế ngầm hóa. Trên tuyến đường còn có hệ thống trạm xe buýt, trong đó có bảng chỉ dẫn, nhà chờ dành cho người mù, người khuyết tật đúng tiêu chuẩn của một đô thị văn minh, hiện đại. Đường Phạm Ngọc Thạch là một công trình quan trọng, vừa mang tính huyết mạch trong hệ thống giao thông nội tỉnh vừa tạo sức bật kết nối với hệ thống giao thông của vùng, hòa vào hệ thống giao thông quốc gia.

Đường Lê Lợi và đường Nguyễn Văn Linh là trục chính theo hướng bắc - nam, kết nối thành phố mới với các khu công nghiệp như VSIP II, Đồng An II, Sóng Thần III, Đại Đăng và các khu công nghiệp lân cận như Mỹ Phước III (TX.Bến Cát), Nam Tân Uyên (TX.Tân Uyên). Bên cạnh đó, tuyến đường Võ Văn Kiệt - Huỳnh Văn Lũy là trục chính theo hướng đông - tây, kết nối thành phố mới với các khu công nghiệp như Kim Huy, Sóng Thần III và các khu công nghiệp lân cận như Nam Tân Uyên, kết nối thành phố mới với đường Mỹ Phước - Tân Vạn, quốc lộ 13.

Chính sự kết nối của những tuyến đường giao thông trong thành phố mới Bình Dương không chỉ tạo thuận lợi cho các phương tiện lưu thông qua địa bàn, làm đòn bẩy để phát triển hạ tầng các khu công nghiệp trong thành phố mới mà còn là động lực để thu hút các doanh nghiệp trong và nước ngoài đến đầu tư, tạo đà phát triển kinh tế. (còn tiếp)

* Ông Nugent, Cựu Thị trưởng Ipswich, Úc: “Tôi đã đến rất nhiều nơi trên khắp thế giới, rất ấn tượng khi được nhìn thấy thành phố mới Bình Dương, thật ngạc nhiên và thú vị. Đây là khu phức hợp hiện đại, là nền tảng thuận lợi để Bình Dương xây dựng thành công thành phố thông minh. Nhiều thành phố trên khắp thế giới có rất nhiều tính năng mà tất cả các thành phố khác có thể làm theo. Tôi nghĩ Bình Dương sẽ chọn ra được những tính năng ưu việt nhất cho sự phát triển của thành phố thông minh”.
* Ông Carl Health, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Fortis Bridge: “Tôi nghĩ mọi người bắt đầu xem thành phố mới Bình Dương như một thành phố mô hình. Điều này giúp nhân rộng thanh thế của thành phố mới và đó là sự ủy thác không dễ cho những người điều hành thành phố này và Becamex IDC. Thành phố được quy hoạch hoành tráng và bài bản, mọi người sẽ rất ấn tượng khi đến đây. Trung tâm Hội nghị và Triển lãm, cách quy hoạch cũng rất độc đáo. Đó là một ví dụ trong các công trình của thành phố mới Bình Dương. Do đó, không ngạc nhiên khi chính quyền Bình Dương xác định thành phố mới là trọng tâm của vùng đô thị thông minh”.

PHƯƠNG LÊ