Các bạn trẻ có nhiều thuận lợi khi khởi nghiệp
Làm thế nào để khởi nghiệp (start-up) thành công là câu hỏi đang được cộng đồng khởi nghiệp mong chờ lời giải đáp. Song, sẽ không có một đáp án chung cho vấn đề này. Cộng đồng khởi nghiệp Bình Dương đang được đánh giá là có nhiều thuận lợi.
(BDO)
Cơ hội lớn cho các start-up
Tại chương trình “Giao lưu khởi nghiệp năm 2017” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp và trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp tổ chức vừa qua, các đại biểu tham gia đều cho rằng các bạn trẻ tỉnh Bình Dương có rất nhiều thuận lợi khi khởi nghiệp. Theo đánh giá, Bình Dương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển công nghiệp và dịch vụ. Sau 20 năm tách tỉnh, nhờ những cách làm sáng tạo, Bình Dương đã có sự bứt phá ngoạn mục và nổi lên trở thành điểm sáng, một điển hình về trung tâm công nghiệp của Việt Nam. Song song với thu hút đầu tư nước ngoài, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm xây dựng một môi trường kinh doanh, hệ sinh thái khởi nghiệp, khuyến khích các DN nhỏ và vừa phát triển.
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn khởi nghiệp tổ chức tại trường Đại học Thủ Dầu Một tháng 11-2017. Ảnh: TIỂU MY
Tháng 9-2017, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020. Theo đó, mục tiêu cụ thể là giai đoạn 2017-2018 sẽ từng bước hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực của các thành phần tham gia hoạt động khởi nghiệp; xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh; thành lập trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Dương; hỗ trợ phát triển 30 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho biết, hiện sở cũng có quỹ phát triển khoa học - công nghệ, trong đó có tài trợ nghiên cứu khoa khọc cho các bạn sinh viên. Tuy nhiên, lâu nay các hoạt động khoa học - công nghệ của Việt Nam nói chung và của Bình Dương nói riêng về việc gắn kết thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ còn rất kém. Sở đã nhận thấy vấn đề này. Do đó, trong năm 2018, chủ đề hoạt động của Sở Khoa học - Công nghệ là “kết nối”, nhằm làm cầu nối gắn kết giữa các nhóm nghiên cứu, các trường với DN, kết nối các nhóm khởi nghiệp với các DN đang hoạt động. Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang triển khai đề án thành phố thông minh theo mô hình “ba nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà trường), sẽ tạo ra nhiều cơ hội để kết nối với thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Bình Dương có lợi thế khi có thị trường lớn và đang tăng trưởng mạnh, cộng đồng khởi nghiệp đang ở thời kỳ “dân số vàng”. Để thúc đẩy khởi nghiệp, các đại biểu tham gia chương trình “Giao lưu khởi nghiệp năm 2017” khuyến nghị cần tăng cường các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ; kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và DN. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm khoa học - công nghệ, chú trọng đầu tư vào đổi mới sản phẩm đối với thị trường và tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà báo Phạm Hùng, Trưởng ban Chương trình khởi nghiệp quốc gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh phía Nam cho biết, để thực hiện được mục tiêu Bình Dương là một trong những địa phương đi đầu trong khởi nghiệp, phấn đấu tăng nhanh số DN ít nhất gấp 2 lần hiện nay, trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước, trường Đại học Thủ Dầu Một cần đẩy mạnh đào tạo lý thuyết đi liền với triển khai, áp dụng thực tiễn để sinh viên ra trường nhanh chóng biết vận dụng kiến thức của mình vào sản xuất, kinh doanh làm giàu. Từ đây, nhiều DN trẻ khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh sẽ xuất hiện.
Không có công thức chung cho khởi nghiệp
Thạc sĩ - Nghiên cứu sinh Huỳnh Công Danh, phụ trách khoa Kinh tế trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, chương trình “Giao lưu khởi nghiệp năm 2017” thực sự là hoạt động hữu ích cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp và đang có những ý tưởng về khởi nghiệp. Tại đây, các bạn sinh viên được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ thực tế khởi nghiệp của các doanh nhân thành đạt, tự tích lũy cho mình vốn kinh nghiệm cần thiết. “Với quan điểm cá nhân, tôi cho rằng sẽ không có một công thức chung cụ thể nào cho quá trình khởi nghiệp. Bên cạnh tài năng, quan trọng nhất là các bạn trẻ phải có đam mê, khát vọng và tự chiến thắng mình trong mọi hoàn cảnh”, thạc sĩ Huỳnh Công Danh nói.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Đặng Đức Thành, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư thảo dược xanh (Bến Tre) nhìn nhận, để khởi nghiệp thành công thì điều quyết định phải xây dựng cho được đề án kinh doanh khả thi. Muốn xây dựng đề án kinh doanh khả thi cần có hai điều quan trọng, thứ nhất là đổi mới sáng tạo. Thứ hai muốn xây dựng đề án kinh doanh khả thi cần phải có chữ “thời” trong kinh doanh. Ông Thành chia sẻ, vấn đề quan trọng nhất là đề án kinh doanh khả thi ở ngành mình yêu thích và phải hợp thời, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đi vào nhu cầu thật.
Ông Hà Huy Cường, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình đã đưa ra thực trạng chung là trong số 700.000 DN hiện nay thì có khoảng trên dưới 95% là DN vừa và nhỏ (SME). Bình quân cứ 100.000 DN khởi nghiệp thì năm đầu tiên 70% số lượng DN khởi nghiệp thất bại, năm tiếp theo thất bại tiếp 10% và tới năm thứ ba thì chỉ còn lại chừng 10% số lượng DN khởi nghiệp sống sót. Theo ông Cường, các bạn trẻ cần phải có sự đam mê, đầu tư sẵn sàng thì mới nên khởi nghiệp, chứ đừng làm khởi nghiệp theo trào lưu. Việt Nam hiện đang xếp hạng 47 trong tổng số hơn 200 quốc gia có chỉ số khởi nghiệp cao trên toàn thế giới.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, đến năm 2020, cả nước sẽ có 1 triệu DN hoạt động. Ông Cường bày tỏ, chỉ cần trong số đó có khoảng 0,5% DN khởi nghiệp sáng tạo, tương đương với khoảng 5.000 DN đã là thành công. Ngân hàng An Bình hiện đang có gói hỗ trợ vốn tín chấp cho DN khởi nghiệp lên tới 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng tiếp cận được, mà chỉ những dự án thật sự khả thi, nghiêm túc trong kinh doanh mới được ngân hàng lựa chọn rót vốn. Ông Cường khẳng định, nếu ý tưởng và đề tài khởi nghiệp nghiêm túc, tiềm năng thì có lẽ người trẻ khởi nghiệp không cần phải tìm tới ngân hàng, mà các nhà đầu tư, các quỹ khởi nghiệp sẽ tìm tới các bạn để rót vốn. Đó là một phương thức huy động vốn hiệu quả nhất.
Tại chương trình “Giao lưu khởi nghiệp năm 2017”, trường Đại học Thủ Dầu Một đã phối hợp với Chương trình Khởi nghiệp quốc gia ra mắt Câu lạc bộ khởi nghiệp. Đây sẽ là cầu nối giữa sinh viên, người trẻ khởi nghiệp với các DN, giúp sinh viên có thể tiếp cận với công nghệ, phương thức kinh doanh tại DN.
TIỂU MY